THCL Chuyến thăm hiếm hoi của Tổng thống Syria đến Moscow có thể là cách Nga thể hiện sự hậu thuẫn với Assad và cho thế giới thấy Putin là "tay chơi có tầm cỡ" tại Trung Đông.
Tổng thống Nga Putin (phải) gặp người đồng cấp Syria Bashar al-Assad tại Moscow. Ảnh: Reuters
Khi ông Assad hôm 20/10 bất ngờ bay tới Moscow để trực tiếp nói lời cảm ơn ông Putin vì việc hỗ trợ quân sự thời gian qua, truyền thông nhà nước Nga gọi đây là một hành động ngoại giao táo bạo.
Cuộc gặp ít ai ngờ tới này tại điện Kremlin có thể cho thấy Nga thực sự đang tìm kiếm một giải pháp chính trị sau nhiều tuần không kích mạnh mẽ tại Syria.
Cuộc gặp với Putin là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Assad kể từ khi cuộc khủng hoảng Syria bùng phát năm 2011, và diễn ra ba tuần sau khi Nga triển khai chiến dịch không kích nhằm vào Nhà nước Hồi giáo (IS) và các phần tử Nga coi là khủng bố tại Syria.
Điện Kremlin, những người cho biết đã gửi lời mời ông Assad tới thăm Moscow, hoàn toàn giữ bí mật về cuộc gặp cho đến tận sáng hôm qua. Truyền hình nhà nước Nga sau đó đã đưa tin đậm nét về cuộc gặp này, chiếu hình ảnh ông Assad trong bộ vest màu xanh đậm nói chuyện với ông Putin, cùng sự hiện diện của bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Nga.
Ông Assad, với dáng vẻ thoải mái, đã ca ngợi cách tiếp cận chính trị của Moscow với cuộc khủng hoảng Syria, mà ông cho rằng đã giúp đảm bảo "những viễn cảnh bi đát hơn" sẽ không xảy ra. Cuối cùng, nhà lãnh đạo này cho rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng phải là bằng chính trị. "Tất nhiên, toàn thể người dân Syria muốn tham gia vào việc quyết định số phận đất nước họ, chứ không chỉ là giới lãnh đạo", ông nói.
Putin cũng nói với Assad rằng ông hy vọng tiến triển trên mặt trận quân sự sẽ mở đường cho giải pháp chính trị tại Syria. Việc này dường như củng cố cho hy vọng của phương Tây rằng, Moscow sẽ sử dụng ảnh hưởng đang tăng của mình để khiến ông Assad đối thoại với phe đối lập.
Trong một dấu hiệu nữa cho thấy những nỗ lực ngoại giao có vẻ đang diễn ra nhằm kết thúc cuộc khủng hoảng kéo dài 4 năm tại Syria, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày mai sẽ họp tại Vienna, Áo, với những người đồng cấp từ Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước vốn chỉ trích và ra sức ép yêu cầu ông Assad phải rời ghế.
Tương lai của Assad
Giới chức Nga nhiều lần nói rằng họ không dành tình cảm đặc biệt cho nhà lãnh đạo Syria, nhưng việc ông Assad gặp gỡ Tổng thống Putin sẽ được phương Tây xem như một dấu hiệu nữa thể hiện rằng, điện Kremlin muốn ông Assad tham gia vào bất kỳ giải pháp chính trị nào, ít nhất là ở giai đoạn đầu.
Khi được hỏi về việc tương lai chính trị của chính ông Assad có được thảo luận trong cuộc gặp hay không, người phát ngôn của Tổng thống Nga đã từ chối bình luận.
Tuy nhiên, một số chuyên gia thì cho rằng với việc chào đón Assad, ông Putin muốn phát đi tín hiệu rằng Nga cương quyết về việc nhà lãnh đạo Syria sẽ tiếp tục nắm quyền.
"Đó là tuyên bố mạnh mẽ rằng Nga sẽ hậu thuẫn Assad cho đến cùng", Pavel Felgenhauer, nhà phân tích quân sự độc lập Nga nhận định. "Sẽ không có tiến trình chính trị nào theo kiểu phương Tây đưa ra. Phe đối lập phải đầu hàng, ngừng tấn công Assad và gia nhập cùng ông ta. Đó sẽ là giải pháp chính trị".
Các bình luận viên truyền hình Syria thì ca ngợi chuyến thăm như một sự công nhận tính chính đáng của chính quyền Assad, củng cố ý niệm rằng ông Assad phải là một phần trong một giải pháp chính trị tương lai cho cuộc khủng hoảng. "Chuyến thăm chớp nhoáng là một cái tát" về phía các đối thủ của ông Assad, AP dẫn lời nhà phân tích người Syria Bassam Abdullah, nói.
Abdullah mô tả cuộc gặp là "thân mật" và phản ánh tầm nhìn và giá trị chung giữa hai nhà lãnh đạo. "Có một sự dịch chuyển chiến lược rõ ràng trong khu vực và nó đang diễn ra nhanh chóng", nhà bình luận này nói.
Tuy nhiên, theo The Daily Beast, một quan chức Mỹ cho rằng cuộc gặp lại không phải là điềm tốt cho tương lai của ông Assad. "Nó chỉ củng cố quan điểm cho rằng Assad ngày càng mất kiểm soát với đất nước mình" và ngày càng phụ thuộc vào ông Putin, quan chức này nói.
"Putin không phải là người đặt cược vào một con ngựa đang thua. Một lúc nào đó, Putin sẽ phải quyết định xem Nga sẽ hẫu thuận một người đàn ông đến mức nào".
Vị thế quốc tế
Monzer Akbik, thành viên cấp cao trong Liên minh dân tộc Syria (SNC) cho rằng Nga "đang cố gắng phát đi thông điệp tới các cường quốc trong khu vực và quốc tế rằng, bất kỳ ai muốn đạt được giải pháp chính trị tại Syria phải đến với Nga".
Chuyến thăm này cũng hé mở rằng chính Nga, chứ không phải đồng minh Iran, mới là người bạn quốc tế quan trọng nhất của chính quyền Assad.
Theo Reuters, Moscow có khả năng sẽ dùng chuyến công du của ông Assad để khẳng định với dư luận trong nước rằng, chiến dịch không kích đang diễn ra chính đáng và hiệu quả. Đồng thời cuộc gặp cũng nhằm khẳng định Moscow đã gạt sang một bên cuộc khủng hoảng Ukraine để trở thành "tay chơi có tầm cỡ" trên trường quốc tế.
Nga hiện duy trì lực lượng khoảng 50 máy bay và trực thăng tại tỉnh Latakia. Các cố vấn và huấn luyện viên quân sự Nga cũng đang hợp tác cùng quân đội Syria.
Không quân Nga khẳng định đã tiến hành tổng cộng 700 cuộc xuất kích, tấn công 690 mục tiêu tại Syria kể từ khi triển khai chiến dịch hôm 30/9. Vậy nhưng việc Nga sẵn lòng tiếp tục chiến dịch không kích đắt đỏ và có nhiều tác động về mặt chính trị này trong bao lâu vẫn là vấn đề bỏ ngỏ.
"Putin sẽ không chiến đấu tại đó mãi mãi", nhà phân tích Dmitry Trenin đến từ Trung tâm Moscow Carnegie nhận định. Nhà lãnh đạo Nga "cần nhanh chóng đạt được một kết quả mà nhờ đó, ông có thể tuyên bố quân đội Nga đã thành công", Trenin nói, với nhận định sau đó Nga có thể đặt "gánh nặng chiến tranh" lên vai Iran và nhóm Hezbollah ở Lebanon.
"Với Putin, điều quan trọng lúc này không chỉ là hành động với tư cách một người chiến thắng về mặt quân sự mà phải là một người gìn giữ hòa bình về mặt chính trị", chuyên gia này khẳng định. "Ông Putin hiểu rất rõ thực tế rằng ông Assad sẽ phải chuyển giao quyền lực hoặc chia sẻ nó. Syria của giai đoạn 2011 về trước không thể được hồi sinh".
Theo Vnexpress