Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ mọi tuyên bố cho rằng Nga đang sử dụng khí đốt hoặc dầu mỏ như một vũ khí để gây áp lực chính trị. Nga luôn hoàn thành tất cả các nghĩa vụ của mình và Moskva vẫn có khả năng đảm bảo an ninh năng lượng đầy đủ cho Châu Âu", người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

"Nga có thể đảm bảo rằng người nộp thuế ở các nước Châu Âu sẽ không phải nhận các hóa đơn tiền điện và nhiên liệu sưởi ấm với mức giá như hiện nay", ông Dmitry Peskov nói thêm.

Các nước Châu Âu phụ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga. Ảnh Getty
Các nước Châu Âu phụ thuộc nguồn cung khí đốt từ Nga. Ảnh Getty.

Tuyên bố của người phát ngôn điện Kremlin được đưa ra sau khi phương Tây cáo buộc, Moskva đã sử dụng nguồn cung cấp khí đốt để gây áp lực chính trị lên các nước Châu Âu.

Tháng trước, nhà cung cấp năng lượng của Nga - Gazprom, tuyên bố cắt giảm 60% dòng khí đốt tự nhiên đến Đức qua đường ống Nord Stream.

Gazprom giải thích rằng họ phải giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên thông qua đường ống Nord Stream vì tập đoàn Siemens của Đức đã không trả lại các tuabin khí đốt sau khi sửa chữa, bảo trì tại  Montreal, Canada.

Mới đây, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck được cho là đã đề nghị Canada trả lại một tuabin cho đường ống Nord Stream. Hôm 8/7, Đức đã nhận được "tín hiệu tốt' từ Canada về việc trả lại thiết bị đường ống Nord Stream.

Do nguồn cung cấp khí đốt giảm, Berlin buộc phải khởi động kế hoạch khẩn cấp về năng lượng vào tháng trước, trong khi chính phủ nước này hy vọng sẽ thay thế khí đốt của Nga bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Tuy nhiên, truyền thông Đức cho rằng kế hoạch đó sẽ không thực hiện được vì không có đủ tàu chở dầu để vận chuyển dạng khí này. Đức có thể đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng trong mùa đông năm nay.

Nga cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu. EU đang tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga, song việc áp lệnh cấm vận khí đốt tạo sự chia rẽ sâu sắc trong khối bởi một số nước phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ Moskva.

Châu Âu đang đối mặt với nguy cơ Nga cắt khí đốt hoàn toàn trong thời gian tới. Lo ngại này khiến các nước Châu Âu phải công bố biện pháp khẩn cấp. Theo đó, nhiều quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) sẽ phân chia khẩu phần lượng khí đốt và hồi sinh các nhà máy năng lượng chạy bằng than.

Nguồn RT/VOV.vn