Chủ tịch trung tâm phân tích rủi ro chính trị hàng đầu Eurasia - ông Ian Bremmer cho biết, Ukraine đang lo lắng đường ống dẫn khí đốt của nước này sẽ bị tổn thương vì Nga và sản phẩm hợp tác của họ với Đức thông qua đường ống dẫn dầu Nord Stream-2 chạy qua biển Baltic.

Ukraine lo sợ Nord Stream 2 thành công - Hình 1

Nord Stream-2 đang trong giai đoạn xúc tiến ở phía Nga.

“Người Ukraine đang hết sức lo ngại Nord Stream-2, vì nó khiến hệ thống ống dẫn khí của Ukraine của Nga bị loại bỏ. Phía Đức thì lại không quan tâm đến những lo ngại này, và lợi ích kinh tế đang dẫn đường” - ông Bremmer nói.

Nhà nghiên cứu Georg Zachman của tổ chức Bruegel vào tháng trước đã khẳng định Nord Stream 2 “chắc chắn sẽ gây hại tới Ukraine”.

Theo ông ước tính, khi dự án được hoàn thành và đưa vào sử dụng (dự kiến trong năm 2019), Kiev sẽ mất đi 2 tỉ USD/ năm do tiền thu từ trung chuyển khí đốt giảm đáng kể. Số tiền này tương đương 2-3% tổng sản phẩm quốc nội của Ukraine.

Không chỉ vậy, nguy cơ bị cắt nguồn cung khí đốt, động thái mà Moscow luôn thực hiện mỗi khi xảy ra xung đột, cũng là mối lo lâu dài của nhiều nước châu Âu. Ngoài ra, các quốc gia Bắc Âu còn có quan ngại về an ninh vì các đường ống của dự án Nord Stream đặt quá gần bờ biển của họ.

Việc Ukraine bị tổn thương khi Nga xúc tiến xây dựng 2 hệ thống chuyển dầu lớn qua biển Đen và biển Baltic cho châu Âu bằng Nord Stream-2 và Turkish Stream gần như là điều chắc chắn.

Moscow đã bỏ qua lợi ích hiện có của đường ống dẫn khí quá cảnh qua Ukraine sang châu Âu để đàm phán xây dựng các đường ống tốn kém và quy mô hơn bởi sự phức tạp chính trị của chính quyền Ukraine hiện tại.

Điều này cũng được báo chí Ukraine nhắc đến nhiều lần từ khi ý định xây dựng đường ống dầu khí được Nga và Đức mạnh tay đàm phán bất chấp các phản ứng từ các quốc gia láng giềng.

Thay vì Nga đã xây dựng các đường ống quy mô tới khách hàng mua dầu của mình, tuyến đường ống dẫn dầu lâu nay của Ukraine lại chỉ có khách hàng duy nhất là Nga mới có thể sử dụng. Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và Kiev ngừng mua dầu của Nga, hệ thống đường ống dẫn dầu của Ukraine ngày càng xuống cấp, thậm chí không thể sử dụng được.

Truyền thông Ukraine dẫn lời các chuyên gia ước tính Ukraine có nguy cơ mất khoảng 2 tỷ USD tiền phí vận chuyển sau khi Nga dừng việc cấp khí đốt sang châu Âu quá cảnh qua quốc gia này. Con số này sẽ là một cú đánh nghiêm trọng đối với nền kinh tế Ukraine vốn có tổng sản phẩm quốc nội đạt 100 tỷ USD.

Ông Roman Nitsovych, giám đốc chương trình của Dixi Group, một trung tâm phân tích năng lượng có trụ sở đặt tại Kiev nói với Kyiv Post: "Gazprom kiểm soát mọi thành phần trong chuỗi giá trị, bắt đầu từ việc khai thác khí ở Siberia để phân phối cho người tiêu dùng châu Âu. Hệ thống truyền tải khí đốt của Ukraine là con đường duy nhất mà Nga không thể kiểm soát - đó là lý do tại sao Nga muốn bỏ qua chúng".

 Ukraine lo sợ Nord Stream 2 thành công - Hình 2

Ukraine sẽ dùng đường ống quá cảnh từ Nga đến châu Âu cho khách hàng nào?

Ukraine thì không thể chấp nhận "trắng tay". Để tuân thủ các quy định về thị trường năng lượng nội bộ của Liên minh Châu Âu, gọi là gói năng lượng thứ ba, Tập đoàn Naftogaz của Ukraine đã quyết định tách riêng hệ thống truyền tải và lưu trữ khí đốt của nước này.

Quá trình này bắt đầu vào tháng 12/2017 khi Ukraine thành lập một tổ chức độc lập mới gọi là Nhà khai thác Hệ thống Truyền tải Khí, (GTSO) sẽ có nhiệm vụ tuân thủ các tiêu chuẩn châu Âu để tiếp tục việc truyền tải năng lượng từ Nga đến phương Tây. Dẫu vậy, Nhà khai thác này chưa được phía phương Tây để mắt tìm kiếm một người đại diện để quản lý.

Ông Nitsovych cho rằng, đối với châu Âu, khi có một nhà khai thác độc lập chịu trách nhiệm truyền tải khí đốt từ Nga qua Ukraine đến châu Âu thì dường như họ sẽ dễ chấp nhận hơn, thay vì đối mặt với các khó khăn khi xây dựng đường ống dưới biển Baltic và chịu sự phản đối của các quốc gia trong liên minh.

Nhà khai thác độc lập sẽ ít có các ảnh hưởng chính trị, đảm bảo giá cạnh tranh và công bằng cho các bên trong quan hệ hợp tác truyền tải khí đốt, làm cho ngành khí đốt ít bị ảnh hưởng chính trị hơn.

GTSO sẽ thay thế Naftogaz làm nhà cung cấp dịch vụ chuyển tuyến cho Gazprom - nhưng chỉ khi Toà án Trọng tài Stockholm cho phép. Như vậy, châu Âu chưa thực sự có câu trả lời với các cố gắng của phía Kiev.

Hiện Naftogaz và Gazprom đang tranh cãi về các điều khoản trong hợp đồng chuyển tuyến từ hồi năm 2009. Ukraine đã yêu cầu bồi thường 16 tỷ USD cho khoản thanh toán mà Nga còn thiếu cho giai đoạn vận chuyển khí đốt quá cảnh qua Nga từ năm 2009-2017. Quyết định cuối cùng của tòa dự kiến sẽ được đưa ​​vào cuối tháng 2 tới.

Ukraine chỉ còn nhờ sức Mỹ để lấy lòng/ đe dọa châu Âu

Trong khi GTSO vẫn chưa được đi vào hoạt động, việc chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng được quá cảnh qua Ukraine cũng vẫn khiến khí đốt bị mang tác động chính trị.

Thay vì đó, Đức xúc tiến với Nga dự án Nord Stream-2 trị giá 9,5 tỷ USD cho 1.200 km đường ống.

Thủ tướng Đức Angela Merkel thuyết phục các quốc gia vùng Baltic về nỗi lo an ninh năng lượng châu Âu.

"Chúng tôi cũng muốn Ukraine tiếp tục có lưu lượng khí đốt quá cảnh, nhưng chúng tôi tin rằng Nord Stream-2 không gây nguy hiểm cho đa dạng hóa" - Thủ tướng Đức nhấn mạnh trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ba Lan hồi 16/2 vừa qua.

Dẫu bằng cách này hay cách khác, Ukraine đang nỗ lực để vừa thúc đẩy trở lại việc quá cảnh từ Nga sang châu Âu bằng cách "tự thân vận động" và phản đối dự án Nord Stream-2 nhưng sự kiên quyết của Đức đã khiến Kiev xoay vòng trong bất lực.

Châu Âu hiện nay vẫn đang đau đầu với dự án dầu khí từ Nga thì sự phát triển vượt bậc của dự án Turkish Stream của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã là cú huých thật sự cho phép Nga sớm cung cấp khí đốt tới một trong những điểm trung chuyển quan trọng bậc nhất, bao gồm có thể đổ vào châu Âu.

Ukraine lo sợ Nord Stream 2 thành công - Hình 3

Nors Stream-2 có vượt qua rào cản châu Âu và Mỹ để hoạt động?

Tín hiệu mới của Turkish Stream đang khiến các thủ tục thúc đẩy cho Nord Stream-2 được tiến hành tại Đức nhanh chóng hơn. Dẫu vậy, dự án đường ống từ Nga đến Đức qua biển Baltic vẫn cần nhiều thời gian hơn khi khâu xây dựng vẫn còn trong giai đoạn đầu.

Nhận thức rất rõ sự thâm hụt đi xuống nếu mất dịch vụ quá cảnh khí đốt, Ukraine hiện nay đành phụ thuộc vào tiếng nói của Mỹ và các thành viên khác trong EU để thúc đẩy việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, tránh độc quyền khí đốt của Nga có thể xảy ra các tác động chính trị khôn lường.

Đông Phong - Baodatviet