THCL Một trong những vấn đề chính trị lớn nhất của Mỹ là phải ngăn chặn được sự trỗi dậy của các bá quyền khu vực, có khả năng thách thức Mỹ. Ngoài việc cố ngăn chặn sự hồi sinh của Nga, Mỹ cũng ủng hộ sự mở rộng của NATO và EU vào những năm 1990 và đầu những năm 2000, cho dù lúc này Nga vẫn còn yếu.
Quân đội Nga trong một cuộc tập trận quy mô lớn
Theo Stratfor, khu vực gồm Nga và các nước Liên Xô cũ sẽ trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính quyền Mỹ mới có thể điều chỉnh các lệnh trừng phạt Nga, hợp tác với Nga ở Syria và ủng hộ các nước ở vùng biên giới châu Âu.
Kể cả như vậy thì mục tiêu chiến lược của Mỹ là ngăn chặn Nga vẫn sẽ không thay đổi, điều này vẫn hạn chế những cơ hội khiến hai quốc gia đạt được một cuộc mặc cả lớn.
Vị tân tổng thống Mỹ đã chính thức lên nắm quyền và sự thay đổi về người lãnh đạo này sẽ dẫn đến những điều chỉnh trong quan hệ của Mỹ với các nước khác, nhất là với Nga. Tổng thống Donald Trump trong chiến dịch bầu cử từng hứa sẽ tăng cường hợp tác với Mátxcơva, đặc biệt là trên chiến trường Syria. Đồng thời ông cũng đặt câu hỏi về giá trị những lời cam kết của Mỹ với các đồng minh Á-Âu như Ukraine và các nước Baltic.
Ông Trump đã chỉ trích các lệnh trừng phạt mà nước Mỹ áp đặt lên Nga, đồng thời ông cũng lưỡng lự không đổ lỗi cho điện Kremlin về vụ tấn công email vào Đảng Dân chủ. Theo Stratfor, những điều này báo hiệu một sự chuyển dịch sắp diễn ra trong lập trường của phía Nhà Trắng đối với Nga. Tuy nhiên cần phải nhắc lại rằng các bài phát biểu trong chiến dịch tranh cử chưa chắc đã đúng với thực tế diễn ra một khi đã nắm được quyền, đặc biệt là khi động đến các chính sách bắt nguồn từ vị trí địa chính trị chiến lược.
Chính sách kiềm chế Nga
Một trong những vấn đề địa chính trị lớn nhất của Mỹ là phải ngăn chặn được sự trỗi dậy của các bá quyền khu vực có khả năng thách thức Mỹ. Sự thống trị trong lịch sử của Nga ở khu vực Á-Âu, sự trỗi dậy của siêu cường Liên Xô sau Thế chiến II và sự đối đầu về chính trị, kinh tế, quân sự với Mỹ đã khiến việc ngăn chặn bá quyền khu vực trở thành mục tiêu của các hoạt động của Mỹ ở bên ngoài. Nhưng sự khởi đầu của Chiến tranh lạnh và sự mở rộng của Liên Xô, hay sự phát triển mạnh mẽ của các nhu cầu chiến lược của riêng nước Nga nhằm bảo vệ nước này không bị xâm lược, đã khiến Mỹ phát triển chính sách ngăn chặn.
Chính sách này được đưa ra bởi nhà ngoại giao Mỹ George F.Kennan và được công bố năm 1947 trong một bài báo đăng trên tờ Foreign Affairs, về cơ bản tập trung vào việc phong tỏa và ngăn chặn Liên Xô và các nước đồng minh bất cứ khi nào và ở bất kỳ đâu mà các nước này có nguy cơ giành được ảnh hưởng.” Chính sách này được áp dụng trên toàn cầu và trở thành chiến lược cơ bản của Mỹ trong việc đối phó với Liên Xô cho đến tận khi nước này này tan rã năm 1991.
Lính NATO trong một cuộc tập trận đổ bộ đường biển
Binh sĩ NATO tổ chức nhiều cuộc tập trận quy mô gần biên giới Nga thời gian qua
Thậm chí ngay cả khi Liên Xô đã tan rã, Mỹ vẫn tiếp tục áp dụng ý tưởng ngăn chặn này đối với nước Liên bang Nga mới được thành lập. Cho dù Nga không còn là nước XHCN hay đặt ra mối thách thức toàn cầu với Mỹ, Nga vẫn nắm giữ các nguồn lực đáng kể về nhân lực, kinh tế và quân sự. Những yếu tố này cùng với vị trí của Nga đã khiến Nga nổi lên như một thế lực đáng gờm trong khu vực. Ngoài việc cố ngăn chặn sự hồi sinh của Nga, Mỹ cũng ủng hộ sự mở rộng của NATO và EU vào những năm 1990 và đầu những năm 2000, cho dù lúc này Nga vẫn còn yếu.
Đến năm 2008, khi NATO hứa mở rộng tư cách thành viên đối với các nước cộng hòa Xô Viết trước đây, những nước tiếp giáp với trung tâm nước Nga như Ukraine và Georgia, Nga đã hồi phục phần lớn sức mạnh kinh tế và quân sự của mình.
Một nền kinh tế được hậu thuẫn bởi giá dầu cao và sự củng cố quyền lực chính trị của tổng thống Putin đã trao cho nước Nga cơ hội lợi dụng sự phân tâm của phương Tây trong các cuộc chiến ở Iraq và Afganistan để truyền đi thông điệp rằng Nga đang lấy lại vai trò cường quốc khu vực của mình.
Với cuộc chiến tranh Georgia năm 2008, Nga cho thấy Mátxcơva sẵn sàng can thiệp quân sự vào các đồng minh của NATO và đồng thời cho thấy NATO không bảo đảm được những cam kết không chỉ với an ninh của Georgia mà cả với các lãnh thổ khác trong khu vực ngoại vi của Nga.
Nga thách thức phương Tây
Khi ông Obama lên nắm quyền năm 2009, ông đã phải đối mặt với câu hỏi làm thế nào để đối phó với một nước Nga đang lên trong khi vẫn phải chịu gánh nặng của những cuộc chiến tốn kém ở Trung Đông và nền kinh tế bị suy yếu do cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008. Một trong số các nền tảng chính sách đối ngoại chính của chính quyền Obama là rút sự can thiệp quân sự ở Iraq và Afganistan để tập trung các nguồn lực vào các khu vực khác trên thế giới bao gồm cả khu vực Á-Âu. Mỹ đã đưa ra chính sách “tái khởi động” với Nga với hi vọng cải thiện quan hệ ngoại giao sau chiến tranh Nga-Georgia.
Binh sĩ Nga đóng trên bán đảo Crimea sau khi sáp nhập năm 2014
Chiến đấu cơ NATO bám theo máy bay Nga tuần tra ở khu vực Baltic trong trò chơi "mèo vờn chuột"
Lúc đầu, quả thật quan hệ hai bên có tốt đẹp hơn: hai nước đều đồng ý cắt giảm kho vũ khí hạt nhân và Washington đã rút lại các kế hoạch phòng thủ lên lửa đạn đạo được thúc đẩy bởi người tiền nhiệm của ông Obama. Tuy nhiên, sau đó Nga vẫn tiếp tục gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Năm 2010, ảnh hưởng của Nga ở Ukraine được thể hiện rõ ràng với việc ông Viktor Yanukovich thân Nga trở thành tổng thống Ukraine. Cũng trong năm 2010, Nga lập ra một liên minh thuế quan với Belarus và Kazakhstan và liên minh này trở thành cốt lõi của Liên minh kinh tế Á-Âu.
Trong khi đó, Mỹ lại hậu thuẫn cho các nhóm chống đối ở Nga kích động quần chúng trong các cuộc biểu tình lớn chống lại điện Kremlin năm 2011 và 2012. Vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Obama, công cuộc tái khởi động quan hệ với Nga đã thất bại vì Nga không chỉ thách thức vị thế của phương Tây ở Á-Âu mà còn tham gia vào các vấn đề khác như cuộc nội chiến Syria.
Đặng Phương Thảo - VietTimes