Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam thuộc loại mới nổi, có tốc độ tăng trưởng tốt, tiềm năng lợi nhuận cao nhưng hoạt động quản lý chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường từ đó có thể tao ra một địa hạt cho các tội phạm rửa tiền hoạt động.
Ảnh minh họa
Khó kiểm soát
Cho đến nay, mặc dù các văn bản pháp quy liên quan quản lý và hoạt động của TTCK đã được ban hành khá đầy đủ nhưng dường như vẫn chưa thể bao quát hết và theo kịp diễn biến phức tạp của thị trường. Thực tế cho thấy, hoạt động của TTCK có diễn biến rất nhanh và phức tạp, các hành vi giao dịch, đặc biệt là các hành vi giao dịch vì mục đích rửa tiền lại thường rất tinh vi.
Với số lượng nhân sự để thực thi thanh tra, giám sát TTCK mỏng ( chưa tới con số 100 người), kinh nghiệm trong xử lý công việc chưa chuyên nghiệp trong khi yêu cầu của công tác giám sát giao dịch, phát hiện được dấu hiệu của hành vi rửa tiền đòi hỏi cán bộ giám sát phải có kỹ năng chuyên môn về phân tích, xử lý dữ liệu, tiếp xúc với các đối tượng giám sát thuộc nhiều thành phần khác nhau, am hiểu hoạt động của TTCK cũng như cơ chế giao dịch các công cụ tài chính mới được đưa vào thị trường.
Mặt khác, với số lượng hơn 100 công ty chứng khoán (CTCK) Là tổ chức tài chính trung gian trên TTCK là quá nhiều so quy mô thị trường, dẫn đến việc các cơ quan chức năng khó kiểm soát. Việc mở và quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng của các công ty này cũng chưa được quản lý chặt chẽ, điều này có thể tạo điều kiện cho các đối tượng rửa tiền chuyển tiền qua các tài khoản. Một điểm nữa có thể hấp dẫn các đối tượng rửa tiền là một nhà đầu tư có thể mở nhiều tài khoản tại nhiều CTCK, việc ủy quyền tài khoản mặc dù có thể khai thác được. Hoạt động quản lý tiền và chứng khoán tại các tổ chức trung gian thị trường chưa được tách bạch hoàn toàn, dẫn đến tình trạng thiếu minh bạch. Hoạt động giao dịch chứng khoán phi tập trung, chứng khoán thị trường “ xám”, giao dịch ngầm vẫn còn …
Nhận diện & phòng, chống
Theo ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Hợp tác quốc tế Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), để phát hiện hành vi rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán không hề đơn giản, chỉ có thể thực hiện được bằng việc quan sát quá trình mà tội phạm rửa tiền có thể can thiệp để tạo ra công cụ rửa tiền. Tội phạm rửa tiền thường sử dụng chứng khoán vô danh, loại chứng khoán không được đăng ký trên sổ sách của tổ chức phát hành, bất cứ ai nắm giữ chứng khoán vô danh cũng đều có thể trở thành chủ sở hữu hưởng lợi của nó. Tội phạm rửa tiền thường lập các công ty bình phong, mục đích không phải để kinh doanh mà để tìm cách hợp pháp hóa các thủ tục hành chính, thuế, lợi dụng các kẽ hở về pháp luật đối với việc sở hữu tài sản và đăng ký các tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp. Tội phạm cũng có thể sử dụng các quỹ tín thác, các tài khoản mượn danh mục đích hoặc sử dụng các công ty vỏ bọc được thành lập một cách hợp pháp làm lá chắn cho các hoạt động thâu tóm, sáp nhập, chuyển giao tài sản phức tạp, thông qua đó đưa tiền có nguồn gốc bất hợp pháp vào hệ thống tài chính. Các sản phẩm chứng khoán phát sinh, hoặc các giao dịch tài chính phức tạp cũng có thể được sử dụng vào hoạt động rửa tiền…
Theo ông Trần Hoa Nam, phó Vụ trưởng Thanh tra (UBCKNN) cho rằng một trong những nghĩa vụ quan trọng của CTCK, công ty quản lý quỹ (CTQLQ) trong công tác phòng, chống rửa tiền là nhận biết khách hàng và nhận biết các giao dịch đáng ngờ. Hiện nay, Luật và Nghị định mới về phòng, chống rửa tiền đã quy định khá chi tiết về nghĩa vụ của các tổ chức , trong đó có CTCK và CTQLQ trong việc nhận biết thông tin khách hàng và nhận biết các giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán cũng đã quy định rất chặt chẽ, chi tiết về việc các thông tin mà CTCK, CTQLQ phải nhận biết thông tin của khách hàng khi khách hàng lần đầu mở tài khoản.
Điểm đáng chú ý trong các quy định mới của Luật phòng, chống rửa tiền là bên cạnh việc nhận biết khách hàng thì đối tượng báo cáo còn phải tiến hành nhận biết thông tin của chủ sở hữu hưởng lợi. Bên cạnh đó, trong suốt thời gian thiết lập quan hệ với khách hàng, CTCK và CTQLQ phải thường xuyên cập nhập thông tin nhận biết khách hàng; bảo đảm các giao dịch mà khách hàng đang tiến hành thông qua đối tượng báo cáo phù hợp những thông tin đã biết về khách hàng, về hoạt động kinh doanh, về rủi ro và về nguồn gốc tài sản của khách hàng.
CTCK và CTQLQ còn có nghĩa vụ xây dựng quy định về phân loại khách hàng, loại sản phẩm, dịch vụ khách hàng sử dụng, nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở chính của khách hàng. Có thể nói, việc nhận biết tốt thông tin khách hàng và nhận biết giao dịch đáng ngờ chính là cở sở để nhận dạng tội phạm rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán.
Theo Thời Nay