Tính cả năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng. Trong đó, có 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá 37.071 tỷ đồng, chiếm 11,9% tổng giá trị phát hành và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 275.028 tỷ đồng, chiếm 88,1% tổng số.
Ngân hàng là nhóm ngành phát hành nhiều nhất với 176.006 tỷ đồng, tương đương 56,5% tổng giá trị phát hành, theo sau là nhóm bất động sản với 73.202 tỷ đồng, chiếm 23,5%. So với năm 2022, lượng trái phiếu được phát hành bởi nhóm doanh nghiệp bất động sản đã tăng 40,8%, tương đương khoảng 21.200 tỷ đồng.
Trong tháng 12, các doanh nghiệp đã mua lại 32.677 tỷ đồng, giảm 50,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung cả năm 2023, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại trước hạn 241.950 tỷ đồng trái phiếu, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm ngân hàng dẫn đầu với 122.433 tỷ đồng, chiếm 50,6% tổng giá trị mua lại trước hạn.
Trong năm 2024, VBMA cho biết sẽ có khoảng 276.990 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, 41% giá trị trái phiếu đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với gần 113.486 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 54.497 tỷ đồng, chiếm 20% giá trị đáo hạn.
Phát biểu tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 đã có sự thay đổi lớn về cơ cấu nhà đầu tư khi có tới 92,4% nhà đầu tư tổ chức tham gia vào thị trường sơ cấp. Nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm khoảng 7,6%.
Theo Thứ trưởng, niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang dần quay trở lại. Với những giải pháp cụ thể và sự phục hồi của nền kinh tế, ông Chi cho rằng, thị trường trái phiếu năm 2024 sẽ có tăng trưởng bền vững và thực chất.
"Chất lượng của thị trường sẽ được nâng lên một bước đối với cả các tổ chức phát hành, các doanh nghiệp phát hành cũng như nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ", Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định.
Phương Thảo(t/h)