Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian qua, NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) được đảm bảo.
Về chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 02 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị định.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, với Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHNN đã rà soát kĩ và thấy được nhiệm vụ tổng quát của hai Nghị quyết này là thực hiện giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trong ổn định kinh tế vĩ mô, đối với hoạt động ngân hàng là đảm bảo an toàn của thị trường ngoại hối và an toàn của hệ thống ngân hàng.
NHNN cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền cho phép bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện hỗ trợ lãi suất trong năm 2022 (gần 16.035 tỷ đồng) và tổng hợp, bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 (gần 23.965 tỷ đồng); đồng thời, NHNN đã có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 cho từng NHTM để triển khai chương trình.
Để tháo gỡ, hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do Covid-19, NHNN đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đến cuối tháng 06/2022, các TCTD đã thực hiện: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, lũy kế giá trị nợ đã được cơ cấu lại từ khi ban hành Thông tư 01 là hơn 722 nghìn tỷ đồng cho gần 1,1 triệu khách hàng; dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hiện còn khoảng 178 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hơn 92 nghìn tỷ đồng cho gần 562 nghìn khách hàng; dư nợ miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ hiện còn gần 17 nghìn tỷ đồng.
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về chuyển đổi số, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và nhiều đề án khác, đồng thời rà soát, xây dựng và hướng dẫn triển khai các quy định pháp lý nhằm phát triển thanh toán và thúc đẩy chuyển đổi số.
Về việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng, NHNN đã chủ trì xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến; đồng thời tiến hành nghiên cứu, rà soát, đề xuất chính sách sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các Tổ chức tín dụng…
Cụ thể, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, ổn định thị trường tiền tệ, ổn định tỷ giá, cơ bản giữ ổn định mặt bằng lãi suất, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, giá nhiên liệu, năng lượng, lương thực cao kéo theo lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng trong khi nền kinh tế trong nước mới đang dần phục hồi sau tác động của dịch Covid-19. Kết quả là lạm phát 7 tháng đầu năm 2022 được kiểm soát tốt, góp phần tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Điều hành tín dụng đã hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế; công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai tích cực theo Đề án ban hành kèm theo Quyết định số 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững, quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng, năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành từng bước được củng cố, nâng cao, tiệm cận thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng tiếp tục được hoàn thiện. Theo đề nghị của Chính phủ, NHNN là cơ quan chủ trì soạn thảo, ngày 18/08/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
Ngoài ra, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đã từng bước đi vào cuộc sống. Chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực ngân hàng được đẩy mạnh thông qua hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ mới.
Nguyễn Vân Quỳnh (t/h)