So với báo cáo hồi tháng 4/2018, WB đã điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam tăng 0,3 điểm phần trăm.

Ngân hàng Thế giới nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 lên mức 6,8% - Hình 1

Dự báo tăng trưởng các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nguồn: WB

Xếp Việt Nam vào trong nhóm các nước xuất khẩu nguyên vật liệu, WB cho rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh nhưng năng lực khai thác của Việt Nam ở mức cao do khả năng tiếp tục tăng trưởng bị hạn chế.

Thị trường tài chính ở các nước trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương được WB đánh giá là khá sôi động.  Mặc dù có chút xáo trộn vì nhiều nước thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến và căng thẳng thương mại leo thang.

Tuy nhiên, WB cho rằng trong năm 2018, nền kinh tế của hầu hết các nước đang phát triển tại khu vực Đông Á Thái Bình Dương đều gặp thuận lợi. Bởi lẽ các yếu tố như thương mại toàn cầu đang tăng trưởng mạnh, chi phí vay vốn không quá cao, dòng vốn chảy vào các nước này vẫn duy trì ổn định.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư ở các nước này cũng tăng mạnh, trong khi lạm phát thì ở mức vừa phải. Nhu cầu tiêu dùng của cá nhân tăng mạnh mà thu nhập của hộ gia đình cũng nâng cao hơn.

Tỉ lệ lãi trái phiếu tại một số nước tăng sau khi một số thị trường chứng khoán trải qua một số biến động nhưng vẫn giữ ở mức gần với năm 2017. Các điều kiện tiền tệ trong nước thắt chặt đôi chút, và các chính sách cẩn trọng đã giúp giữ tăng trưởng tín dụng trong tầm kiểm soát.

Dù dự đoán Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm nay nhưng WB cho rằng tăng trưởng sẽ giảm xuống còn 6,6% năm 2019 do các hạn chế ngày càng thể hiện rõ nét hơn. Năm 2020, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự đoán là 6,5%.

Ngọc Linh