Vừa qua, Ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank (mã: TPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, năm 2021, TPBank lên kế hoạch tổng tài sản đạt 250 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm nay. Tổng huy động dự kiến đạt 221,9 nghìn tỷ đồng, tăng 20%. Trong đó, tiền gửi khách hàng và phát hành giầy tờ có giá ước đạt 172 nghìn tỷ đồng, tiền gửi và vay của tổ chức tín dụng khác ước đạt 49,9 nghìn tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng ở mức 20% và 22%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Lợi nhuận trước thuế đạt 5.800 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với kết quả đạt được trong năm 2020. Chia sẻ với cổ đông kế hoạch lợi nhuận được điều chỉnh tăng từ 25% lên 32%, ông Hưng cho biết: “căn cứ vào tình hình dịch bệnh hiện nay và dự báo dữ liệu tăng trưởng kinh tế và các yếu tố liên quan khác, chúng tôi đưa ra kế hoạch thách thức hơn", Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng nói.
Nói thêm về việc tăng kỳ vọng lợi nhuận ông Hưng cho biết, quý I thường có tốc độ phát triển thấp nhưng kết quả kinh doanh quý I đã cho thấy con số tăng trưởng tương đối tốt. Lợi nhuận trước thuế của TPBank trong 3 tháng đầu năm đạt 1.422 tỷ đồng, tăng 40,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 26% kế hoạch năm. Tín dụng tăng khoảng gần 5% và tính đến hiện nay tăng khoảng 7%, đạt gần 2/3 mức NHNN cấp ban đầu.
Tại đại hội, TPBank cũng trình cổ đông kế hoạch phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tương đương 9,33% vốn điều lệ. Sau khi phát hành, vốn điều lệ ngân hàng sẽ được nâng lên mức 11.716 tỷ đồng, từ mức 10.716 tỷ đồng hiện nay.
Số lượng chào bán dưới 100 nhà đầu tư. Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế 3 năm chuyển nhượng đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Thời gian thực hiện trong năm 2021 sau khi được sự chấp thuận của cơ quan quản lý.
Chia sẻ với cổ đông, Chủ tịch Đỗ Minh Phú nói: "Chúng tôi chưa biết tới biện pháp kỹ thuật nào làm tăng giá trị cổ phiếu. Nếu các cổ đông tin tưởng vào TPBank, thì giá trị cổ phiếu TPB bây giờ là giá trị thật".
Ông Phú khẳng định cổ đông TPBank có đầy đủ điều kiện để tin rằng TPBank là cổ phiếu đáng đầu tư, lành mạnh, thực sự phản ánh bản chất phát triển của ngân hàng.
Trả lời cổ đông về kế hoạch kiểm soát nợ xấu từ mảng tài chính tiêu dùng, ông Nguyễn Hưng cho biết, so với tổng dư nợ của ngân hàng, tín dụng tiêu dùng chiếm một phần không lớn. Chúng ta chấp nhận rủi ro cao để lấy lợi nhuận cao, đồng thời, dự tính chi phí rủi ro hợp lý để vẫn đảm bảo lợi nhuận của ngân hàng. Chúng tôi sẽ kiểm soát nợ xấu trong kế hoạch để mang lại lợi nhuận, đóng góp hiệu quả chung của ngân hàng.
Lãnh đạo TPBank cho biết, hiện TPBank nằm trong top 15 ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, so với thị phần toàn ngành vẫn còn thấp, số lượng khách hàng đạt khoảng 4 triệu. Vì vậy, thời gian tới ngân hàng lên kế hoạch mở rộng thị phần, tăng lượng khách hàng bằng việc phát triển ngân hàng số và giảm tỷ lệ phòng giao dịch.
TPBank đã ứng dụng được 75 robot thay thế cho những việc của 80 nhân viên làm việc toàn thời gian. Dự kiến năm nay ngân hàng sẽ triển khai 140 robot.
Ông Hưng cho biết số hóa đã mang lại lợi ích rất lớn, không chỉ về chi phí nhân lực mà còn cả độ chính xác, giảm thiểu rủi ro… cho ngân hàng.
Hiện tại, TPBank đang tiếp tục phát triển về hạ tầng, mua các giải pháp từ đối tác nước ngoài, sẽ ứng dụng các chatbot để thay thế nhân viên trực tổng đài, triển khai các giải pháp số hóa vào kế hoạch doanh nghiệp…
Cao Huyền