Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết có khoảng 50% nhà máy dệt đặt tại khu vực miền Nam nhưng tỷ lệ đóng cửa đã lên tới 30 - 35%, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ do không đủ kinh phí để thực hiện "3 tại chỗ". Đồng thời, ngành này đang phải chứng kiến sự thiếu hụt lao động và tỷ lệ tiêm vắc xin ở mức thấp.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” chỉ có thể duy trì trong ngắn hạn. Hiện nay, mô hình “3 tại chỗ” chỉ có thể áp dụng với doanh nghiệp ngành dệt, sợi với khu nhà xưởng rộng, ít công nhân, còn với ngành may thì không. Ông Lê Tiến Trường đề xuất, các địa phương cần linh hoạt trong điều hành để doanh nghiệp có thể hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn dựa trên những tiêu chuẩn thống nhất.

Ở kịch bản tích cực rằng dịch COVID-19 được kiểm soát vào cuối tháng 8, Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trong năm nay có thể chỉ đạt 33 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 84% kế hoạch kinh doanh năm (39 tỷ USD).

Mặc dù Việt Nam đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, VNDirect kỳ vọng rằng những tác động tiêu cực từ tình hình chính trị và dịch bệnh đối với Myanmar và Ấn Độ là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại Mỹ và Hàn Quốc.

Trước những vướng mắc của Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Hiệp hội dệt may Việt Nam trong triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, mới đây tại cuộc làm việc với các đơn vị này và những cơ quan liên quan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, đây cũng là một trong nhiều vướng mắc mà các các sở, ngành địa phương đang gặp phải.

Vì vậy, bên cạnh việc giải đáp vướng mắc đối với từng đơn vị, Bộ sẽ xây dựng Bộ Hỏi - Đáp về việc triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, nhằm thống nhất cách thức áp dụng chính sách trên toàn quốc.

Hà Trần