Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt nam
Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt nam.

Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế có những bước phát triển mạnh, khởi sắc, toàn diện trên nhiều mặt. Mạng lưới trường lớp phát triển theo hướng cơ cấu hợp lý giữa các ngành học, cấp học theo Đề án quy hoạch phát triển ngành giáo dục và đào tạo đã được HĐND và UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 568 trường mầm non và phổ thông; có 09 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện và 01 trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh. Toàn tỉnh có 16.763 cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông. Trình độ đào tạo chuẩn và trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 là 90,9% (giáo viên mầm non đạt tỷ lệ 97,5%; tiểu học đạt tỷ lệ 78,4%; trung học cơ sở đạt tỷ lệ 91,6%; trung học phổ thông đạt tỷ lệ 100%; giáo dục thường xuyên đạt tỷ lệ 97,8%).

Đội ngũ thầy cô giáo luôn tận tụy, vượt khó hoàn thành nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh, nhất là thời kỳ đại dịch Covid xảy ra; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư hướng đến trường học đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn ngày càng được nâng cao về chất lượng và số lượng, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Nhiều học sinh là thủ khoa, á khoa, đạt giải cao trong các kỳ thi trung học phổ thông, học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc tế.

Tuyên dương học sinh giỏi toàn tỉnh
Tuyên dương học sinh giỏi toàn tỉnh.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, tỉnh Thừa Thiên Huế có 10 học sinh đạt giải Huy chương quốc tế và Châu Á Thái Bình Dương.  Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ và năng lực ngày càng cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên được thực hiện thường xuyên.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân, ngành GD&ĐT Thừa Thiên Huế đang tập trung vào hai nội dung là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá năng lực. Trong lộ trình phát triển giáo dục của Thừa Thiên Huế, mục tiêu hướng đến xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về GD&ĐT đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Ông tin tưởng, với những nỗ lực của toàn ngành Giáo dục và Đào tạo, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của chính quyền các cấp và sự đóng góp tích cực của Nhân dân, sự đồng hành của quý phụ huynh học sinh, sự giúp đỡ của các thế hệ nhà giáo, sự cố gắng và nỗ lực của toàn Ngành và đặc biệt là truyền thống giáo dục của tỉnh Thừa Thiên Huế, Ngành Giáo dục sẽ sớm hoàn thành mục tiêu trở thành thành trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao của cả nước.

Trên lĩnh vực đào tạo bậc Đại học, sau đại học cũng chuyển biến mạnh. Như Trường Đại học Y dược, Đại học Huế, qua hơn 65 năm xây dựng và phát triển, đã trở thành một trong những trường đại học Y dược hàng đầu của cả nước. Tỷ lệ tuyển sinh đầu vào hàng năm trung bình của trường đều đạt trên 97%.

Quy mô đào tạo hiện nay trường có gần 8.000 sinh viên cho 10 ngành đào tạo trình độ đại học và khoảng 2.000 học viên cho 101 chuyên ngành đào tạo sau đại học. Năm 2022, nhà trường đã được Trung tâm kiểm định Chất lượng giáo dục ĐHQG Hà Nội cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, chu kỳ II giai đoạn 2022 – 2027 . Trường có quan hệ hợp tác với trên 130 trường Đại học nước ngoài và các tổ chức y tế thế giới.

Mới đây, ngày 17/11/2022, trường đã thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ với Trường Đại học Y khoa Harvard, Hoa Kỳ về các hoạt động hợp tác giữa các bên cho giai đoạn 2022 - 2027.  Năm 2022, một nhóm nghiên cứu gồm các GS, TS của Trường đã đạt được Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ. Bệnh viện Trường đã phát triển trở thành một trong các bệnh viện tuyến cao nhất với 700 giường bệnh.

PGS.TS.Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Nguyễn Khoa Hùng khẳng định xây dựng phát triển đề án mô hình Trường - Viện theo Nghị quyết 54, song song với triển khai toàn diện đề án tự chủ đại học tự chủ tài chính.

Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, trường đã đào tạo cung cấp cho đất nước gần 35.000 kỹ sư, 2.700 thạc sĩ và trên 80 tiến sĩ (trong đó có 10 tiến sĩ ngành Chăn nuôi được đào tạo bằng tiếng Anh theo chương trình Mekarn cho các nước Lào, Campuchia). Nhà trường đã tiến hành liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo ngoài nước. Năm học 2022 – 2023, Trường ĐHNL, ĐHH sẽ tập trung nâng cao chất lượng đào tạo; tập trung mọi nguồn lực cho việc quảng bá tuyển sinh…

Phải nói rằng, ngành giáo dục Thừa Thiên Huế đang đi đúng hướng. Cả ngành học phổ thông và đại học đang phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, được học sinh- sinh viên tin tưởng là cái nôi đào tạo nhiều nhân tài cho các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và cả nước

                                                                                                                                    Trần Minh Tích