Ảnh minh hoạ
Thu ngân sách 2 tháng đầu năm tiếp tục tăng cao
Báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 2/2019 ước đạt 84,8 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thu hai tháng đầu năm đạt gần 246,5 nghìn tỷ đồng, bằng 17,5% dự toán năm.
Trong đó, thu nội địa trong tháng 2 ước đạt 69,5 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế thu 2 tháng đạt xấp xỉ 204,8 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2018.
Thu từ dầu thô ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, luỹ kế thu 2 tháng đạt xấp xỉ 8,7 nghìn tỷ đồng, giảm 1,7% so cùng kỳ năm 2018.
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 2 ước đạt 17,7 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 2 tháng đạt 51,5 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Bộ Tài chính đánh giá, hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 2/2019 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, trong đó kim ngạch nhập khẩu tăng 6,7% so với cùng kỳ
Về chi ngân sách, tổng chi cân đối ngân sách tháng 2/2019 ước đạt 103 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi hai tháng đầu năm đạt khoảng 195,4 nghìn tỷ đồng, bằng 12% dự toán, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý, đối với công tác tài chính đối ngoại và quản lý nợ công, trong tháng 2/2019, trả nợ của Chính phủ là 13.695 tỷ đồng, trong đó trả nợ trong nước là 12.945 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài là 750 tỷ đồng.
Lũy kế trả nợ hai tháng đầu năm 2019 của Chính phủ là 60.360 tỷ đồng, trong đó trả gốc là 39.667 tỷ đồng, trả lãi là 20.693 tỷ đồng.
Về cân đối ngân sách nhà nước và huy động vốn, tính đến ngày 28/2/2019, Bộ Tài chính thực hiện phát hành 62.194 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ.
Đối với công tác quản lý, điều hành chi ngân sách, lũy kế vốn thanh toán từ đầu năm đến ngày 15/02/2019, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát ước đạt 115.160 tỷ đồng, đạt 11,04% dự toán chi thường xuyên của ngân sách nhà nước qua kho bạc (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).
Thông qua công tác kiểm soát chi ngân sách, các đơn vị Kho bạc Nhà nước đã phát hiện ước khoảng 108 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết và số tiền thực từ chối thanh toán là 1,5 tỷ đồng.
Riêng thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tính đến ngày 26/02/2019, đã có 49/50 bộ, cơ quan trung ương và 63/63 địa phương gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2019 được giao đến Bộ Tài chính. Trong đó, tổng số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ cho các chủ dự án đạt 332.201 tỷ đồng, bằng 93,3% kế hoạch được giao.
Những kết quả tích cực của ngành ngân hàng đã đang và sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Với vị thế là một thị trường tiếp nhận nhiều vốn FDI, Việt Nam có thể được hưởng các tác động tích cực từ các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA, cũng như có cơ hội làm việc với các công ty nước ngoài và được hỗ trợ trong việc thực hiện theo các thông lệ quốc tế, tăng cường khả năng của các công ty nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hướng tới gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tiếp tục phát triển kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019, Chính phủ yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến kinh tế trong nước và thế giới, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, điều hành đồng bộ các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô, tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo thêm dư địa chính sách, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của tình hình thế giới, thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, toàn diện hơn và bền vững hơn.
Từng bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh; chủ động ứng phó trước tác động bất lợi từ bên ngoài; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2019 của bộ, ngành mình theo từng quý, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2019.
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì thanh khoản hợp lý; tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước. Mở rộng tín dụng gắn với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng.
Quan tâm phát triển các sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng và tài chính vi mô, đáp ứng kịp thời nhu cầu chính đáng của người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và hạn chế tín dụng đen.
Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ; triển khai quyết liệt công tác thu ngân sách và các giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2019. Tập trung thực hiện các giải pháp phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, dịch vụ tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp huy động trực tiếp nguồn vốn với chi phí thấp.
Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án công nghiệp quy mô lớn; tập trung xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng, nhất là Dự án lọc hóa dầu Bình Sơn, Long Sơn, Nghi Sơn, dự án nguồn điện Thái Bình 2, Vân Phong. Có giải pháp giảm dần tỷ lệ gia công, lắp ráp, tăng tỷ lệ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các chương trình đổi mới công nghệ; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện hiệu quả Hiệp định thương mại tự do CPTPP.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tăng cường phối hợp kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp theo dõi và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của bộ, cơ quan, địa phương mình quản lý.
Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tập trung triển khai các công việc, nhiệm vụ cần thiết theo kế hoạch hoạt động của Tiểu ban kinh tế - xã hội; làm tốt nhiệm vụ tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và nghiên cứu chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Với những thuận lợi về kinh tế, vị thế chính trị, Việt Nam có thể coi là một điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã và đang xây dựng, triển khai thực hiện một loạt các nội dung liên quan như hoàn thiện thể chế, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa… để đẩy nhanh khả năng tận dụng cơ hội đột phá phát triển kinh tế đất nước; đồng thời, tốc độ chuyển động và thay đổi của cơ chế chính sách nói chung, lĩnh vực tài chính, tiền tệ, ngân hàng nói riêng cần phù hợp với diễn biến của thị trường.
Hà Trần