Lao đao vì “cơn sốt” thép
Thép không chỉ là vật liệu xây dựng mà còn là “lương thực” của các ngành công nghiệp nặng. Ngành thép luôn được Nhà nước xác định là ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển trong quá trình phát triển đất nước. Sự tăng trưởng của ngành thép đi đôi với sự tăng trưởng của ngành công nghiệp và nền kinh tế.
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá sắt thép trong nước đã tăng 40 - 50% khiến nhiều chủ thầu, người xây nhà gặp khó do đội vốn. Đỉnh điểm là đầu tháng 5 vừa qua, giá thép trong nước đã chạm ngưỡng kỉ lục trên 17.000 đồng/kg, tăng lên đến 40-50% so với quý IV/2020.
Dù vậy, việc thép tăng giá không khiến sức mua của thị trường trong nước sụt giảm đáng kể. Theo bản tin Hiệp hội Thép tháng 6/2021, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong nước 5 tháng đầu năm 2021 tăng khá so với những nhận định trước đó. Cụ thể, sản xuất thép các loại đạt hơn 13,4 triệu tấn, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2020. Bán hàng thép các loại đạt hơn 11,9 triệu tấn, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt gần 2,8 triệu tấn, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thép về Việt Nam là 5,02 triệu tấn với trị giá trên 3,73 tỷ USD, tăng lần lượt 12,84% về lượng và 37,32% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.Trong đó, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc là hơn 2,62 triệu tấn, với trị giá nhập khẩu hơn 1,82 tỷ USD, chiếm 52,33% tổng lượng thép nhập khẩu và 49,01% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Về xuất khẩu, trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu thép đạt 3,9 triệu tấn, với trị giá đạt 2,79 tỷ USD đến hơn 30 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó, các thị trường xuất khẩu chính là ASEAN, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc…
Theo Báo cáo cập nhật ngành thép năm 2021 của Mirae Asset Việt Nam, chúng ta đang bước vào siêu chu kỳ hàng hóa toàn cầu. Ngoài yếu tố về cuộc chiến tranh thương mại, sự phục hồi kinh tế thế giới sau năm 2020 trì trệ đã khiến cho toàn bộ các nguyên liệu đều tăng giá. Trong đó, Bắc Mỹ là nơi dẫn dắt cho sự tăng giá vượt kiểm soát của ngày thép, khi giá thép cuộn cán nóng giao dịch ở Bắc Mỹ trong tháng 5/2021 đã đạt mức USD1,492/tấn, tăng 233% so với tháng 8/2020, thời điểm xảy ra đỉnh dịch ở Mỹ.
Ngoài ra, theo Mirae Asset Việt Nam, các yếu tố về thiếu hụt nguồn cung container và việc Trung Quốc thúc đẩy đầu tư công đã cùng nhau tạo ra mức tăng vượt ngoài dự báo của mọi loại hàng hóa. Việc nền giá vận tải tiếp tục leo cao hứa hẹn sẽ tiếp tục đẩy giá hàng hóa tăng cao trong 6 tháng cuối năm 2021.
Mirae Asset Việt Nam cho rằng trong quý 3/2021, chỉ giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng cao khi các nước trên thế giới dỡ bỏ dần lệnh giãn cách xã hội nhờ tỷ lệ tiêm vaccine dần tiến tới mức 70% dân số, tạo nên miễn dịch cộng đồng. Đến quý 4/2021, giá hàng hóa sẽ có xu hướng giảm và dần ổn định do các nước sẽ siết dần chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
Vượt qua khó khăn
Xuất khẩu trong năm 2020 ngành thép Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn khi có thêm 5 quốc gia đang thực hiện điều tra chống bán phá giá lên sản phẩm tôn mạ và ống thép Việt Nam, trong đó có 2 quốc gia trong khu vực thị trường chính Đông Nam Á là Malaysia và Philippines.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến hoạt động xây dựng thị trường xuất khẩu và việc giao thương, vận chuyển giữa các quốc gia gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tại Indonesia, một trong những thị trường khá quan trọng của mảng thép dẹt Việt Nam, do một số rủi ro khách quan từ dịch Covid, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước không có được giấy phép nhập khẩu nên không thể xuất khẩu sang quốc gia này từ đầu năm đến thời điểm tháng 7/2020.
Trong năm 2021, dự báo chỉ gia tăng tối đa 1 triệu tấn phôi thép dài (billet) từ việc đi vào hoạt động của nhà máy thép Pomina từ quý 4/2020. Áp lực nguồn cung năm 2021 được Vietcombank Securities (VCBS) đánh giá là ít hơn nhiều so với năm 2020 với sự đi vào thương mại mạnh mẽ từ các nhà máy Dung Quất giai đoạn 1 (2 triệu tấn/năm), Nghi Sơn giai đoạn 1 (1 triệu tấn/năm) và TungHo (1 triệu tấn/năm), Tuệ Minh (0,4 triệu tấn/năm).
VCBS nhận định, với việc dự báo nguồn cầu triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2021 so với tốc độ tăng nguồn cung, kỳ vọng mảng ngành thép nói chung và thép dài nói riêng sẽ tăng trưởng tích cực.
Trong năm 2021, VCBS dự báo nguồn cung thép cuộn cán nóng nội địa sẽ tăng thêm khoảng 2 triệu tấn từ việc tối đa công suất thiết kế của nhà máy Dung Quất giai đoạn 2-Hòa Phát đã đi vào thương mại từ tháng 10/2020.
Ở thời điểm hiện tại, mảng thép dẹt trong ngước đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung nguyên liệu thép cuộn cán nóng. Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) nhu cầu thép cuộn cán nóng và thép cán nguội nội địa hàng năm vào khoảng 11-12 triệu tấn, tuy nhiên ước tính năm 2020 trong nước duy nhất chỉ có Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh sản xuất thép cuộn cán nóng với sản lượng cung 5 triệu tấn (năm 2020, trong đó xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn), chỉ mới đáp ứng khoảng 41% nhu cầu trong nước.
Do đó, năm 2021, Hòa Phát dự kiến sản xuất 2-2,4 triệu tấn, nâng tổng công suất nguồn cung nội địa lên đến 7-7.5 triệu tấn, ước tính mới đáp ứng được 65-70% nhu cầu trong nước.
VCBS dự báo trong năm 2021, nhu cầu thép trong nước vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực từ động lực đầu tư công và sự phục hồi ngành bất động sản cả nước. Theo đó, sự cải thiện của tiến độ đầu tư công kỳ vọng sẽ hỗ trợ tốt cho ngành thép nội địa trong năm 2021. Bên cạnh đó, theo CBRE, trong năm 2021 dự báo nguồn cung căn hộ sơ cấp tại thị trường Hà Nội và Hồ Chí Minh sẽ được cải thiện với mới tăng trưởng lần lượt khoảng 65% và 13% sẽ khiến nhu cầu về thép tăng mạnh.
Còn Mirae Asset Việt Nam dự báo, nhu cầu lớn từ cả thị trường xuất khẩu lẫn trong nước giúp sản lượng của ngành thép tăng trưởng nhanh hơn kỳ vọng. Theo đó, sản lượng mảng thép xây dựng, ống thép và tôn mạ năm 2021 được dự báo lần lượt đạt 11.23 triệu tấn (tăng 11%), 2.73 triệu tấn (tăng 9%) và 5.14 triệu tấn (tăng 15%). Tổng sản lượng thép năm 2021 dự báo đạt 30.6 triệu tấn (tăng 18% so với cùng kỳ).
Dù vậy, đơn vị này vẫn cảnh báo rủi ro từ việc tăng giá vật liệu xây dựng, vốn dẫn dắt bởi thép có thể khiến ngành xây dựng năm 2021 tăng trưởng rất nhẹ hoặc trong trường hợp xấu nhất là suy giảm. Trên thực tế đã có rất nhiều doanh nghiệp đã quyết định tạm hoãn thi công để chờ quyết định bù trừ giá vật tư, có thể khiến tiến độ chậm hơn từ 6-18 tháng.
Hưng Khánh