Văn bản nêu rõ: Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác xử lý, giải quyết các điểm phức tạp về ô nhiễm môi trường, nhất là tại địa bàn phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh; xã Văn Môn, huyện Yên Phong và xã Phú lâm, huyện Tiên Du, đạt hiệu quả cao, được nhân dân, các cơ sở sản xuất đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường còn tồn tại cục bộ tại một số địa bàn, làng nghề, Cụm công nghiệp (CCN)… chưa được kiểm soát, xử lý hiệu quả, triệt để; tác động ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, gây thiệt hại về kinh tế, làm suy giảm chất lượng cuộc sống và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự.

Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm chất thải ở Cụm công nghiệp làng nghề Đại Bái, huyện Gia Bình.
Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm chất thải ở Cụm công nghiệp làng nghề Đại Bái, huyện Gia Bình.

Để đánh giá thực trạng tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn toàn tỉnh, từ đó tiếp tục triển khai các giải pháp giải quyết hiệu quả, triệt để tình trạng ô nhiễm ô nhiễm môi trường một cách toàn diện, bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện Luật bảo vệ môi trường năm 2020; các Chỉ thị, Nghị quyết, quy định của pháp luật về công tác bảo vệ môi trường; tiếp tục tham mưu thực hiện Đề án Tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019 - 2025 và các chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề đến năm 2030. Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 171/KH-UBND của UBND tỉnh Bắc Ninh về tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát xử lý ô nhiễm môi trường, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại các làng nghề, CCN, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.

Tiến hành tổng rà soát, đánh giá, thu thập thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có phát thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn); theo dõi, giám sát hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, các khu, CCN chưa có hạ tầng xử lý nước thải tập trung gây ô nhiễm môi trường; các tổ chức, cá nhân có chức năng, nhiệm vụ thẩm định, cấp phép, tư vấn, quan trắc, vận hành, quản lý, phân bổ nguồn lực về bảo vệ môi trường có dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường; các tổ chức, cá nhân hoạt động tiếp nhận, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải hoặc thực hiện các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường có dấu hiệu vi phạm pháp luật; các địa điểm, khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; các khu, CCN chưa có hạ tầng xử lý nước thải tập trung. Kết thúc việc rà soát thống kê, lên danh sách theo các biểu mẫu báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh đồng gửi Công an tỉnh, trước ngày 15/4/2025.

Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh hoặc kiến nghị các ngành chức năng xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đảm bảo kịp thời, triệt để, không để vi phạm kéo dài. Xử lý, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề, CCN, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu đô thị đông dân cư và khu vực nông thôn gây ô nhiễm nghiêm trọng, trước ngày 30/4/2025. Trao đổi, cung cấp thông tin có dấu hiệu tội phạm về môi trường để Công an tỉnh xử lý theo thẩm quyền; kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ việc kiểm tra, xác minh, xử lý các vụ việc, vụ án liên quan đến môi trường, đất đai do Công an tỉnh chủ trì.

Công an tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch tổng rà soát, đấu tranh xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật và tham mưu giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm, khu vực, địa điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo chỉ đạo của Bộ Công an và Kế hoạch số 171/KH-UBND của UBND tỉnh. Kết thúc hoạt động tổng rà soát, phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện xử lý toàn diện, tổng thể các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai tại các địa bàn, khu vực ô nhiễm nghiêm trọng; phát hiện xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, an toàn điện, thuế, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, tham nhũng, lãng phí, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn… trong thẩm định, cấp phép, phân bổ nguồn lực về bảo vệ môi trường.

Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh rà soát, đôn đốc các dự án cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp hoàn thiện thủ tục pháp lý về môi trường; giám sát theo thẩm quyền việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, đặc biệt là việc xây dựng và vận hành thường xuyên các công trình xử lý chất thải.

Sở Xây dựng, Chi Cục thuế khu vực V phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, thuế và các vi phạm khác liên quan đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; cử lực lượng, phương tiện chuyên dụng phối hợp với Công an tỉnh trong xử lý các vụ việc nghiêm trọng, vụ án gây ô nhiễm môi trường.

Sở Tư pháp phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định đối với hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trong quá trình triển khai các kế hoạch xử lý toàn diện vi phạm pháp luật về môi trường và vi phạm khác liên quan tại các địa bàn, khu vực ô nhiễm nghiêm trọng; kịp thời phát hiện thiếu sót để chấn chỉnh, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo quy định.

Các cơ quan truyền thông thường xuyên cập nhật thông tin, đưa tin tuyên truyền về công tác xử lý ô nhiễm tại của các địa phương; tích cực phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm tạo sự đồng thuận và nâng cao nhận thức của toàn dân đồng hành cùng chính quyền trong công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, các cơ quan truyền thông nâng cao chất lượng các chuyên mục phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường; nguy cơ cháy nổ, các vấn đề về quy hoạch, xây dựng… tại các làng nghề và CCN làng nghề; tăng thời lượng phát sóng chương trình vào khung giờ cao điểm để doanh nghiệp, người dân có thể theo dõi, hiểu và nghiêm túc thực hiện.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát, đánh giá, thống kê các cơ sở, khu vực, địa điểm gây ô nhiễm môi trường tại địa phương, nhất là các cơ sở sản xuất nằm xen trong các khu dân cư, không phù hợp với quy hoạch, không đảm bảo về môi trường, phòng cháy chữa cháy, vi phạm về đất đai, thuế... không để hình thành điểm phức tạp mới về môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp trong các CCN, làng nghề thực hiện nghiêm các quy định về môi trường, đất đai, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, quy hoạch, xây dựng, thuế; công khai số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận các thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường tại địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết tâm thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh; rà soát, báo cáo đầy đủ, chính xác, trung thực các cơ sở gây ô nhiễm, khu vực, địa điểm ô nhiễm môi trường và kịp thời tham mưu hoặc tổ chức xử lý, giải quyết triệt để; kiểm điểm, xử lý nghiêm cán bộ buông lỏng quản lý, có hành vi can thiệp trái pháp luật hoặc bao che, bảo kê cho các đối tượng vi phạm. Lãnh đạo các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện.

Bá Đoàn