Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2014, tổng sản lượng thủy sản đạt 6,3 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2013; năm 2015, đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt 6,65 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2014…

Những chuyển biến tích cực

Tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 của Tổng cục Thủy sản mới đây tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhận định, năm 2014, ngành thủy sản phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thời tiết, dịch bệnh, các rào cản thị trường, những biến động trên biển Đông…, nhưng ngành đã nỗ lực vượt qua và giành thắng lợi lớn, đóng góp quan trọng vào những kết quả khá toàn diện của ngành.

Theo đó, nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng, có sự chuyển dịch khá rõ nét trong điều chỉnh cơ cấu giữa các đối tượng nuôi (nhất là đối với tôm thẻ chân trắng và tôm sú), phát huy được thời cơ, lợi thế của sản xuất tôm Việt Nam.

Tận dụng bối cảnh thị trường một số nước chưa hồi phục, các địa phương tiếp tục phát triển mạnh nuôi tôm chân trắng, tôm vụ 3 thâm canh ở những vùng phù hợp. Do vậy, cơ cấu tỷ lệ nuôi tôm sú và tôm chân trắng có sự dịch chuyển khá lớn. Tỷ lệ diện tích nuôi tôm chân trắng và tôm sú tương ứng là 12,5% và 87,5%, trong khi tỷ lệ về sản lượng tôm chân trắng và tôm sú tương ứng đạt 56,9% và 43,1%.

Năm 2014, cả nước ước thả nuôi được 685.000 ha tôm nước lợ (đạt 102,2% kế hoạch), trong đó, tôm sú đạt 590.000 ha, tôm thẻ chân trắng 95.000 ha, sản lượng thu hoạch 660.000 tấn (đạt 120% kế hoạch và tăng 20,4% so với năm 2013).

Sự phát triển của tôm chân trắng đóng góp lớn trong việc tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản trong năm 2014. Ngành nuôi tôm cả nước có sự phát triển vượt bậc, là điểm sáng trong các mặt hàng nông sản nói chung và thủy sản nói riêng…

Tăng cường xúc tiến thương mại

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, đến năm 2015, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt 6,65 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2014. Để đạt được mục tiêu này, Tổng cục Thủy sản sẽ phải tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, trong đó, kiểm tra sát sao các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chất lượng thức ăn, kháng sinh, xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng và con giống. Ngành thủy sản tập trung triển khai các nhiệm vụ theo định hướng, mục tiêu, nội dung của Chiến lược Phát triển ngành thủy sản đến năm 2020.

Hướng tới mục tiêu năm 2015 của ngành thủy sản, Bộ NN&PTNT sẽ chủ động xây dựng các chương trình nhằm triển khai các điều ước và thỏa thuận quốc tế song phương, đa phương và hội nhập đã và sẽ ký kết; thực thi đầy đủ cam kết của Việt Nam trong WTO và các FTA khu vực.

Cùng với đó, Việt Nam tham gia tích cực đàm phán các hiệp định tự do thương mại, tăng cường các hoạt động phát triển thị trường; cập nhật những thông tin về chính sách thương mại của các đối tác, các quốc gia khác và diễn biến của từng thị trường để xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng giá trị gia tăng cao.

Bộ NN&PTNT cũng sẽ đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ với mục tiêu chung là nâng cao chất lượng và uy tín thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam trên thị trường; đồng thời, phát hiện nhanh và giải quyết kịp thời những rào cản thương mại, rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật từ các nước nhập khẩu để mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Nhằm vượt qua rào cản kỹ thuật, thúc đẩy xuất khẩu, ông Nguyễn Bình Giang (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương), cho rằng, giải pháp căn cơ đối với các doanh nghiệp là phải đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng định hướng dài hạn để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nêu quan điểm, mặc dù nhu cầu nhập khẩu thủy sản từ Mỹ, EU, Nhật Bản... rất lớn, nhưng giải pháp để cạnh tranh quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đó là cần tập trung cạnh tranh bằng chất lượng, có như vậy mới duy trì được mức tăng trưởng, duy trì được hàm lượng giá trị gia tăng

Hoan Nguyễn