Đã 40 năm qua, ngày 20/11 được chọn làm Ngày nhà giáo Việt Nam. Nhưng ít ai biết được bối cảnh ra đời của ngày lễ hết sức ý nghĩa này.

Để hiểu hơn về ngày lễ ý nghĩa này, Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có đã có trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - người đề xuất lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục (ảnh giaoduc.net).
Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục (ảnh giaoduc.net).

Theo ông Trần Xuân Nhĩ, cách đây hơn 40 năm vào năm 1981, ông được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình điều động từ Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn ra làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Khi đó, Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp còn chưa nhập lại thành Bộ Giáo dục và Đào tạo như ngày nay.

Ông Trần Xuân Nhĩ được phân công phụ trách mảng cơ sở vật chất và chăm lo đời sống của giáo viên. Chính vì vậy, khoảng thời gian đó, lúc nào ông cũng suy nghĩ, trăn trở muốn chăm lo, cải thiện đời sống giáo viên.

Có thể nói, những năm thập kỷ 80 của thế kỷ trước đất nước ta tuy đã thống nhất nhưng đời sống nhân dân còn rất khó khăn, ngành giáo dục cũng trong tình cảnh khó khăn chung đó nhưng giáo viên đều rất cố gắng thực hiện lời dạy của Bác Hồ trước đây: “Dù khó khăn đến mấy cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.

Nhận thấy tinh thần đáng quý đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã gặp và trao đổi với ông Trần Xuân Nhĩ - người phụ trách việc chăm lo đời sống giáo viên. “Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình trao đổi với tôi có cách gì để giáo viên trụ vững để vượt qua khó khăn.

"Tôi nghĩ rằng, muốn cải thiện đời sống giáo viên thì trước hết phải cải thiện tiền lương. Tuy nhiên, trong lúc nền kinh tế còn đang khó khăn chung như vậy, việc đề xuất tăng lương là không khả thi.

Số lượng giáo viên đông đảo, tăng cho mỗi người vài nghìn đồng tiền lương thì khi thống kê lại cũng trở thành một khoản tiền không nhỏ đè nặng ngân sách nhà nước. Thế rồi, tôi suy nghĩ, ngành giáo dục phải tìm kiếm động lực tinh thần để động viên nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhân dân giao phó” - ông Trần Xuân Nhĩ nhớ lại

Với cương vị là Thứ trưởng Bộ Giáo dục, ông Trần Xuân Nhĩ đã tìm hiểu lịch sử ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo, thấy rằng đây là nguồn cội động lực tinh thần mà ngành giáo dục nên tận dụng và phát huy.

“Tôi đã báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình về suy nghĩ của mình và đề xuất: Tuy ngày 20/11 - ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo đã kết thúc do Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng nó đã hoàn thành nhiệm vụ của mình từ cuối những năm 1970, nhưng ở Việt Nam tinh thần của Bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương, vẫn được ngành giáo dục và toàn xã hội quan tâm thực hiện.

Hàng năm ngành Giáo dục đào tạo và Nhân dân vẫn chào đón ngày 20/11 như một trong các ngày truyền thống lớn của cả nước. Nên chăng Bộ Giáo dục cùng với Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp làm tờ trình lên Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đề nghị lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam, để rồi hằng năm tổ chức để động viên các thầy cô giáo, coi đây là động lực tinh thần tiếp sức cho ngành giáo dục” - ông Trần Xuân Nhĩ cho biết.

Đề xuất này đã được Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đồng ý, Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ được giao chủ trì trao đổi với các bộ, ngành liên quan, với Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Sau khi có sự đồng thuận của các bên, soạn thảo văn bản, tờ trình gửi Hội đồng Bộ trưởng xem xét phê chuẩn.

Thể theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của các tổ chức như Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em và Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Hội đồng Bộ trưởng nhất trí và đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982 do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp ký, quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Như vậy, một sự kiện có tính quốc tế sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, đã được Việt Nam lưu giữ và phát huy, trở thành ngày truyền thống của đất nước.

“Từ đó đến nay, mỗi khi đến ngày 20/11, nhà giáo luôn là đối tượng được tôn vinh, được tặng hoa, tặng quà nâng cao tinh thần để cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, làm tốt nhiệm vụ dạy và học.

Sau 40 năm triển khai, tôi nhận xét là năm sau bao giờ cũng tốt hơn năm trước. Phụ huynh, học sinh, mọi người trong xã hội đều rất háo hức khi đến ngày này và coi đó như một lễ hội”, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam hạnh phúc chia sẻ.

Cũng theo ông Trần Xuân Nhĩ, việc đề xuất có ngày nhà giáo Việt Nam là ông cùng với lãnh đạo mong muốn toàn xã hội quan tâm đến giáo dục, quan tâm tới thầy cô để giáo viên có động lực phát triển nghề nghiệp.

Theo congluan.vn