Tất cả những điều tưởng chừng như nhỏ nhoi ấy, sẽ như những hạt bụi phấn tan vào hư vô qua năm tháng thời gian…

Nhưng không, đó chính là những câu chuyện đẹp, những kỷ niệm không thể phai mờ trong ký ức tuổi thơ của mỗi học trò, là hành trang các em mang theo suốt cuộc đời. 

Hoa Phượng
Hoa Phượng (Ảnh: Internet)

Năm 1997, trong giờ lên lớp, tôi đón nhận một cậu học trò có tên Hiếu đi cùng mẹ và cô văn thư dẫn đến lớp 4C - Trường Tiểu học Thắng Tam, TP. Vũng Tàu (lớp tôi chủ nhiệm) nhập học. Đó là một cậu bé khuyết tật ở chân, dáng người nhỏ thó, rụt rè bước vào lớp với điệu nhảy lò cò. Mẹ em cho biết, em bị tật nguyền từ khi mới sinh, nên đi lại rất khó khăn.

Cha cháu mất sớm, tôi phụ bán quán ăn, công việc không ổn định, nhưng tôi sẽ cố gắng lo cho cháu ăn học. Nhờ cô quan tâm giúp đỡ cháu.

Câu giới thiệu ngắn ngủi ấy của mẹ em đã làm tôi xúc động. Tôi động viên mẹ Hiếu và hứa sẽ giúp đỡ em nhiệt thành.

Hiếu chăm học và thông minh. Mỗi khi tiếng trống tan trường vang lên, cậu bé rất nhanh nhẹn thu xếp sách vở vào cặp, rồi khoác lên vai, nhảy lò cò xếp hàng cùng các bạn trong lớp và vội vã ra về…

Hình ảnh ấy sẽ chẳng có gì đặc biệt, nếu như không có một buổi tan trường, tôi vô tình gặp em đạp xe xiêu vẹo trên đường… Tôi lặng im đi theo phía sau em và thật bất ngờ, tôi thấy em dừng xe trước một quán cafe ven đường, lấy ra một tập vé số mời chào mọi người.

Tôi đứng ở một góc xa quan sát một lúc lâu, rồi tiến lại gần em hỏi nhỏ:

Hàng ngày, con vẫn đi bán vé số như thế này sao?

Hiếu giật mình khi nhìn thấy tôi, một thoáng bối rối, rồi em gật đầu:

Dạ thưa cô, con bán vé số kiếm tiền phụ giúp mẹ con đóng tiền học phí và lo ăn hàng ngày cô ạ.

Tôi lặng người. Cũng bằng tuổi Hiếu, nhưng hầu hết các bạn cùng lớp sống trong sự đùm bọc, lo toan đủ đầy của cha mẹ. Vậy mà một cậu bé khuyết tật 10 tuổi, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” ấy đã phải vất vả kiếm sống mưu sinh, nhọc nhằn…

Tôi dịu giọng nói với em:

Hiếu, con về nhà học bài đi, hôm nay cô sẽ mua hết vé số cho con.

Hiếu lúng túng vài giây, ngước mắt nhìn tôi:

Con cám ơn cô, con không bán cho cô đâu – Rồi em chạy vụt đi.

Hình ảnh cậu học trò gầy gò, khuyết tật, lớp 4C giữa trưa hè nắng gắt, mồ hôi nhễ nhại, mưu sinh bằng tập vé số trên tay luôn ám ảnh tôi suốt năm học ấy và để lại trong tôi những suy tư trăn trở.

Tôi thường xuyên quan tâm đến em hơn, giúp em giải quyết bài tập ngay tại lớp. Những ngày sau đó, tôi quyết định trình bày với ban giám hiệu nhà trường, hội cha mẹ học sinh về hoàn cảnh của Hiếu, và đề nghị nhà trường giúp đỡ. Ban giám hiệu nhà trường đồng ý miễn học phí cho em. Cá nhân tôi cũng trích tiền lương của mình tặng mẹ em 200 ngàn đồng và mua tặng em một ít dụng cụ học tập. Hội cha mẹ học sinh cũng quyên góp tiền tặng em sách vở, đồ dùng học tập, tặng quà Tết…

Những món quà nho nhỏ ấm áp tình nghĩa ấy đã giúp em có thêm động lực vượt qua khó khăn, vững niềm tin để vươn lên trong cuộc sống.

Thời gian trôi qua thật nhanh, hàng phượng vĩ trước sân trường đã nở bông đỏ rực, báo hiệu một năm học đã kết thúc. Bằng sự nỗ lực của bản thân cùng với sự giúp đỡ động viên của cô giáo và bạn bè, Hiếu đã đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Trong ngày lễ phát thưởng, nhìn em rụt rè, ngượng ngập, đôi mắt ánh lên niềm vui đứng trên sân khấu nhận thưởng, tôi như trẻ lại, lòng tràn ngập một niềm vui sướng hãnh diện về em.  

Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, Tp. Vũng Tàu nơi cô Hoa đang công tác
Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP. Vũng Tàu, nơi cô Hoa đang công tác (Ảnh: PV)

Tôi đã giúp em vượt qua những tháng ngày gian khó và cũng chính tôi đã ngộ ra được rất nhiều điều giá trị trong cuộc sống, đó là bài học về lòng tự trọng và nhân cách làm người… trong một hoàn cảnh rất khó khăn, em vẫn từ chối sự giúp đỡ của tôi, kiên quyết không bán vé số cho cô giáo của mình hôm đó.

Tôi chỉ dạy Hiếu một năm, sau đó em theo mẹ về Đaklac sinh sống. Thế nhưng, tôi không thể quên cậu học trò ấy. Tôi vẫn dõi theo từng bước đi của em qua các bạn học sinh cũ của trường.

Rồi một ngày hạnh phúc thật bất ngờ, em đến thăm tôi ngày 20/11. Cậu bé lớp 4C năm nào giờ đã là một chàng trai trưởng thành, có việc làm ổn định. Đón nhận bó hoa tươi thắm của em tặng tôi hôm ấy, tôi hiểu rằng, em đã không quên tôi. Không quên “người lái đò” đã đưa các em “qua sông” ngày ấy…

27 năm gắn bó với sự nghiệp cao quý “trồng người”, đã có hàng ngàn học sinh thân yêu của tôi trưởng thành ra đi từ mái trường này, hàng ngàn học sinh thân yêu đã từng được sống trong vòng tay yêu thương của các thầy cô giáo. Và cũng như tôi, chắc chắn những kỷ niệm tuổi thơ với niềm vui, niềm hạnh phúc ngọt ngào ấy sẽ theo các em suốt cuộc đời.

Nguyễn Thị Cúc Hoa, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP. Vũng Tàu