Tâm sự với cô giáo chủ nhiệm lớp, chị Xuân chia sẻ: “Sau này, khi có dịp chứng kiến và tìm hiểu nhiều giờ học trải nghiệm của các con trên lớp, tôi và nhiều phụ huynh khác mới hiểu ra rằng, người xây nên những ước muốn bình dị, đáng yêu ấy của con tôi, chính là các cô giáo Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu”.

Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu hướng dẫn các em học sinh làm đất trồng rau trong giờ trải nghiệm
Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu hướng dẫn các em học sinh làm đất trồng rau trong giờ trải nghiệm. (Ảnh: CTV)

 Năm học 2020-2021, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu triển khai mô hình vừa dạy học theo giáo trình của Bộ GD-ĐT, vừa tổ chức dạy trên mô hình thực nghiệm, nhằm giúp các em học sinh có những trải nghiệm thực tế hơn, hiểu và biết cách vận dụng vào thực tế.

Giáo viên vừa thiết kế bài giảng để dạy trên lớp, vừa triển khai xây dựng mô hình thực tế để các em thực hành, tạo không khí học tập, sôi động, hiệu quả. Một trong những mô hình thực tế đó là mô hình “Trồng rau xanh, trồng hoa trong khuôn viên trường học”.

Mô hình “Trồng rau, trồng hoa trong khuôn viên trường học” ra đời với mục đích tạo cho các em biết yêu lao động, làm quen với lao động, qua đó hiểu được giá trị của lao động cũng như các sản phẩm do mình tạo ra, đồng thời giúp các em hiểu biết giữ gìn môi trường xanh sạch đẹp trong khuôn viên nhà trường. Để có những giờ học thực hành hiệu quả, các cô giáo khối lớp một phân công nhau, người mua đất, người mua hạt rau, người mua dụng cụ làm vườn…Tận dụng các ô đất trống trong khuôn viên trường học, sân trường, các cô chia từng luống dự kiến trồng rau xanh, trồng hoa, trước mỗi buổi thực hành trải nghiệm.

Hoạt động trải nghiệm chăm sóc vườn rau của các em học sinh lớp một Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu
Hoạt động trải nghiệm chăm sóc vườn rau của các em học sinh lớp một Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu. (Ảnh: CTV)

 Vào giờ học, trước tiên cô chỉ cho các con cách cầm cuốc, cầm bay xới đất để đất tơi xốp, cách nhổ cỏ, cách phân luống nhỏ và chuẩn bị hạt giống, cách ngâm hạt giống vào nước ấm trước khi gieo hạt… Những bài học tưởng chừng như rất giản đơn ấy nhưng lại có sức cuốn hút kỳ diệu với các con. Khi xem lại những tấm hình, những Clip Video quay lại “Hoạt động trải nghiệm” của trường, nhìn thấy những nụ cười tươi trên khuôn mặt rạng rỡ của các con, những cử chỉ hào hứng, say mê, khi chính các con được tự tay làm đất, trồng cây, tưới nước… Tất cả phụ huynh các em đều rất vui, hào hứng, tất cả đều yên tâm vì đã gửi con em mình vào đúng nơi giáo dục tốt.

Giờ học trải nghiệm “trồng rau xanh” được bắt đầu như thế, nhưng không dừng lại ở đó. Những ngày tiếp theo, các cô hướng dẫn các em  chia theo tổ, thay nhau tưới nước, chăm sóc cây rau. Chỉ cho các em cách tưới nước sao cho nước thấm đều trên mặt luống. Khi cây rau mọc lên tươi tốt từ hạt, cô dạy các em cách phân biệt các loại rau thông thường: rau muống, rau mồng tơi, rau cải, cách phân biệt cây rau qua lá rau, thân rau, lá dài, lá tròn, lá mỏng, lá dày, cách phân biệt rau mầm và rau thu hoạch…

Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu hướng dẫn các em học sinh trang trí hoa đào ngày Tết trong giờ trải nghiệm
Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu hướng dẫn các em học sinh trang trí hoa đào ngày Tết trong giờ trải nghiệm. (Ảnh: CTV)

 Hoạt động trải nghiệm với mô hình “Trồng rau xanh trong khuôn viên trường học” chỉ là một trong nhiều mô hình trải nghiệm thành công của Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu.

Hoạt động trải nghiệm giúp học sinh đến gần hơn với thực tế.  Mỗi một chủ đề, hoạt động trải nghiệm sẽ giống như mỗi bước chân của các em khám phá một vùng đất mới. Các em luôn tự tin, háo hức trên mỗi bước đi, mỗi con đường. Hoạt động trải nghiệm được triển khai trong năm học 2020 - 2021 cho toàn học sinh khối 1 với tổng số 7 lớp. Thời lượng 105 tiết/ năm học.

Hoạt động trải nghiệm trang trí hoa mai ngày Tết của các em học sinh lớp một Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu
Hoạt động trải nghiệm trang trí hoa mai ngày Tết của các em học sinh lớp một Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu. (Ảnh: CTV)

 Cô giáo Nguyễn Thị Cúc Hoa (giáo viên chủ nhiệm lớp 1/5) chia sẻ: “ Thông thường, các giờ học trải nghiệm đòi hỏi đầu tư công sức, thời gian nhiều hơn các môn học khác. Để chuẩn bị cho giờ dạy học thực hành cắm hoa trước Tết Nguyên đán 2021, giáo viên phải nhờ một vài phụ cùng cô bảo mẫu sưu tầm đem đến lớp 4 cành cây, cho 4 tổ để các em thực hành trang trí. Vào giờ học, cô hướng dẫn các em từng động tác tỉ mỉ, cách gắn dây, gắn những bông hoa mai, hoa đào vào cành cây sao cho đúng và đẹp mắt… giáo viên vất vả hơn, vì vừa phải dạy, vừa phải làm công tác quản lý lớp, bảo đảm an toàn cho mỗi giờ lên lớp vì các em còn rất nhỏ, hiếu động”.

Hoạt động trải nghiệm trang trí hoa đào ngày Tết của các em học sinh lớp một Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu
Hoạt động trải nghiệm trang trí hoa đào ngày Tết của các em học sinh lớp một Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu. (Ảnh: CTV)

 Tuy nhiên, theo cô giáo Nguyễn Thị Phương (giáo viên chủ nhiệm lớp 1/6) thì bên cạnh những khó khăn vất vả, chúng tôi luôn thấy hào hứng, say mê, bởi các tiết học trải nghiệm bao giờ cũng sinh động, ngộ nghĩnh. Nhìn những khuôn mặt ngây thơ, trong sáng của các con, những bàn tay nhỏ xíu vụng về đáng yêu lần đầu tiên trong đời làm những công việc tỉ mỉ của người lớn… chúng tôi như quên đi những mệt mỏi, những áp lực công việc, thấy vui hơn, yêu nghề hơn…

Hoạt động trải nghiệm chăm sóc vườn rau của các em học sinh lớp một Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu
Hoạt động trải nghiệm chăm sóc vườn rau của các em học sinh lớp một Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu. (Ảnh: CTV)

 Ở bậc tiểu học, mục tiêu chính của hoạt động trải nghiệm là giúp hình thành cho học sinh thói quen tích cực trong cuộc sống hằng ngày, chăm chỉ lao động; thực hiện trách nhiệm của người học sinh ở nhà, ở trường và địa phương; biết tự đánh giá và tự điều chỉnh bản thân; hình thành những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hoá; có ý thức hợp tác nhóm và hình thành được năng lực giải quyết vấn đề.

Hoạt động trải nghiệm trồng rau xanh trong khuôn viên trường học của các em học sinh lớp một Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu
Hoạt động trải nghiệm trồng rau xanh trong khuôn viên trường học của các em học sinh lớp một Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu. (Ảnh: CTV)

 Trải nghiệm không chỉ là quan sát, chiêm ngưỡng hay nghe giảng giải mà học sinh cần được tự tay mình làm những công việc thường ngày của cuộc sống. Tuy có thể không thành thạo nhưng việc tự làm những công việc dù là nhỏ, các em sẽ cảm nhận được sự vất vả, khó nhọc và rèn luyện đức tính yêu lao động. Đối với trẻ, những hoạt động trải nghiệm thú vị, bổ ích luôn giúp các em hình thành và phát triển các giá trị và kỹ năng sống phù hợp.

Được trải nghiệm cũng là cơ hội để các em ý thức được tầm quan trọng của việc học tập và quyết tâm nỗ lực cố gắng hơn nữa trong các lĩnh vực hoạt động của bản thân. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo như một trò chơi khám phá thế giới bất tận, càng đào sâu càng say mê hơn. Vì thế, trong quá trình giáo dục trẻ, cha mẹ cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để thiết kế cho trẻ các chương trình giáo dục trải nghiệm vừa sáng tạo vừa hiệu quả.

Hoạt động trải nghiệm vẽ tranh tặng mẹ nhân ngày 8/3 của các em học sinh lớp một Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu
Hoạt động trải nghiệm vẽ tranh tặng mẹ nhân ngày 8/3 của các em học sinh lớp một Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu. (Ảnh: CTV)

 Cô Nguyễn Thị Thu Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu cho biết: “Tuy mang lại hiệu quả cao, nhưng việc tổ chức hoạt động học tập trải nghiệm tại mỗi trường lại là công việc không dễ thực hiện. Ngoài thời lượng rất ít trong chương trình chính khóa thì mỗi nhà trường cần phải xây dựng một chương trình, kế hoạch và phương pháp tổ chức thật sự khoa học và phù hợp để giúp học sinh được trải nghiệm đầy đủ và trọn vẹn mỗi nội dung chủ đề. Việc sắp xếp quỹ thời gian cho hoạt động trải nghiệm cần được nghiên cứu và phân bố hợp lý. Khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm, nếu không có sự chuẩn bị về tâm lý và phương pháp, các em học sinh dễ bị rơi vào sự thụ động khi tiếp cận đối tượng trải nghiệm…”

       Trịnh Thị Kim Cúc                                                       

                                                                                                                                                                             (GVCN lớp 1/7- Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.Vũng Tàu)