Non Bộ Trầm Hương
Ngày xưa rừng núi Việt Nam có rất nhiều cây Dó Bầu mang Trầm thiên nhiên. Nhưng đã bị khai thác bị cạn kiệt. Hiện nay, cây Dó Bầu do người dân trồng từ những năm 1990 đến nay khá nhiều. Vì vậy, nguồn Trầm hương từ Dó Bầu trồng vẫn khá dồi dào.
Về nguyên lý hình thành Trầm: Cây Dó Bầu khi bị thương (vết thương do bão gió cây gãy; do sâu bọ, kiến đục thân; Do con người khoan đục, chặt…) sẽ tiết nhựa ngay tại vết thương. Nhựa Dó ngấm vào phần gỗ xung quanh. Gỗ Dó Bầu có ngấm nhựa khi bị thương chính là Trầm. Như vậy, cây Dó là cây tạo ra Trầm, nhưng có cây Dó không có Trầm. Gỗ Dó màu trắng, khi ngấm nhựa sẽ chuyển sang màu khác.
Trầm hương từ gốc cây Dó Bầu trồng trong vườn trên 30 năm tuổi
Về chất lượng Trầm: Phụ thuộc vào chất lượng nhựa (dầu) nó mang. Cây thiên nhiên, lâu năm, khi bị thương nhựa tiết ra nhiều, chất lượng cao. Kỳ Nam là Trầm có chất lượng cao nhất. Trong Kỳ Nam cò phân biệt Bạch Kỳ, Thanh Kỳ, Hùynh Kỳ, Hắc Kỳ. Giá Kỳ Nam trên thị trường lên tới trên 20 tỷ/1kg. Loại dưới Kỳ Nam gọi là Trầm Hương (Trầm). Trầm cũng có nhiều loại, giá trị tuỳ thuộc hàm lượng dầu: Dưới 25%, 25- 40%, 40- 60%, 60- 80%;,,...,Màu sắc, hương vị, hình dáng, trọng lượng, xuất xứ… Từ đó có tên gọi: Trầm mắt tử, Trầm mắt đảo, Trầm điệp trai, Trầm kiến xanh, Trầm kiến lọn…(Trầm rục, Trầm sanh, trâm thiên nhiên, trầm trồng vườn…). Loại dưới Trầm gọi là Tốc, nhiễm dầu ít; Có đến vài chục loại Tốc: Tốc kiến, tốc đá, tốc cá ngừ, tốc hương, tốc lọn, tốc dây, tốc đỉa… Nhưng được xếp cao hơn trong các loại Tốc là: Tốc bông, Tốc đỉa, Tốc dây, Tốc hương, Tốc pi…
Về thú chơi Trầm, có rất nhiều kiểu chơi: Trầm phong thuỷ; Trầm trang sức; Trầm lấy hương. Dưới nhiều dạng hiện vật, như:
Trầm cục nguyên khối: Tuỳ theo mức độ quý hiếm, cục Trầm có thể to hay nhỏ, hình hài không nhất thiết phải hấp dẫn, nhưng chất lượng càng cao càng quý. Trầm cục có thể được cất trong nhà như đồ gia bảo, có thể đặt trên bàn thờ (phật, chúa, tổ tiên, thần tài thổ địa)…Để ngôi nhà có thêm linh khí.
Trầm tiểu cảnh, Non Bộ, gốc Trầm cảnh…: Tiểu cảnh, Non Bộ loại nhỏ thường là Trầm nguyên khối. Những với Non Bộ lớn, gốc Trầm lớn, thường là Trầm ghép phong thuỷ. Non Bộ trầm hoặc gốc Trầm lớn được ghép thêm những khúc trầm, mảnh trầm, nhằm tạo dáng, thậm trí thợ Trầm có thể chế tác thêm vân cho đẹp, nhìn bắt mắt… giống như gỗ mỹ nghệ. Loại Trầm này ngoài chất lượng, khối lượng, còn phải đẹp, có ý nghĩa, như: Mẹ bồng con, Phụ tử, huynh đệ, Ngũ phúc, Ngũ hành sơn,….Thường được đặt tại vị trí trang trọng của đền, chùa, nhà ở. Vừa tốt về phong thủ, vừa có tính trang trí.
Tượng Trầm: Từ nguyên liệu Trầm, thường là loại trầm Tốc, người ta chế tác thành các bức tượng: Phật Thích Ca, Phật bà quan âm; Đức chúa Jesu, Đức mẹ Maria, Quan công…Tượng Trầm được đặt trên bàn thờ, tủ kính gia đình, Đình, Chùa, Nhà thờ…mang tính tâm linh, trang trọng.
Tượng Phật Bà quan âm bằng Trầm (Tốc)
Các vật thờ cúng bằng Trầm: Trang thờ ông địa, bàn thờ, bình bông, chân đèn, đĩa đựng đồ thờ cúng… đặt trên bàn thờ, tôn thêm sự linh thiêng, mang tính tâm linh.
Vòng Trầm, mặt dây chuyền, dây chuyền Trầm: Theo phong tục: Vòng Trầm đeo tay có 15 hạt; Dây chuyền Trầm có 108 hạt (hạt tròn, vuông, hình trụ, mắt tử…), ngoài ra có thể làm tuỳ số lượng theo yêu cầu của người đặt hàng (thao tuổi, theo năm sinh…). Mặt dây chuyền thường làm nhỏ, hình đức phật, Phật bà quan âm, Đức chúa Jesu, Đức bà Maria…Mặt và hạt dây chuyền trầm có thể bao thêm vàng…vừa mang tính tâm linh, vừa là đồ trang sức có giá trị.
Hương, nhang Trầm: Nhang cây, nhang nụ, nhang vòng, trầm vụn đốt trong lư nhang…Gia đình có điều kiện sử dụng thường xuyên, không thì chỉ dùng trong ngày Tết, dỗ…Tăng thêm tính tâm linh, trang trọng.
Miếng trầm mang theo người: Bỏ trong ví, treo vào chùm chìa khoá xe…cũng là cách chơi khá phổ biến, nhằm cầu mong sự an lành, may mắn, thuận lợi trong giao dịch mua bán.
Rươu Trầm: Được ngâm hoặc chiết suất từ Trầm. Về y học có tác dụng chữa một số bệnh hiểm nghèo. Về tâm linh giúp trị ma tà quỷ quái xâm nhập, bùa ám…
Với đặc tính tâm linh và y học của Trầm như vậy, có rất nhiều cách chơi khó mà kể hết.
Trầm tiểu cảnh đặt trên nóc tủ trong nhà
Ngày nay, Trầm thiên nhiên rất hiếm, quý, giá cao; Phổ biến là Trầm lấy từ cây Dó Bầu được trồng trong vườn, trên rãy. Khi cây được 8- 10 năm tuổi, người ta khoan tạo vết thương, bơm hoá chất, kích thích cây tiết nhựa tạo trầm. Khi cậy khoảng 15- 20 năm tuổi thì thu hoạch, về xưởng đục bỏ dát gỗ, lấy phần gỗ có dầu (trầm).
Có thể nói: Trầm rất quý vì đặc tính tâm linh và y học của nó. Chơi Trầm là cách chơi đậm chất tâm linh, phong thuỷ, mang đến may mắn, an lành, phúc thọ. Nhưng hiện nay giá Trầm khá cao, chơi Trầm cũng là kiểu chơi thời thượng, tốn kém.
Trần Minh Ngọc