Từ đầu tháng 10 đến nay mới có 3 ngân hàng tăng lãi suất huy động bao gồm LPBank, Bac A Bank và Eximbank. Hiện lãi suất huy động cao nhất theo niêm yết của các ngân hàng hiện nay là 6,15%/năm của một ngân hàng TMCP. Còn một số ngân hàng khác đang niêm yết lãi suất huy động từ 6% trở lên như: Dong A Bank niêm yết lãi suất 6%/năm (kỳ hạn 13 tháng) và 6,1%/năm (kỳ hạn 18-36 tháng). HDBank theo niêm yết lên tới 6% đến 6,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 15 và 18 tháng. Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) niêm yết lãi suất lên đến 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18-36 tháng.
Ngân hàng SHB niêm yết cho tiền gửi trực tuyến kỳ hạn từ 36-60 tháng với mức lãi suất tiền gửi 6,1%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiết kiệm được Saigonbank niêm yết cho kỳ hạn 36 tháng. Saigonbank còn niêm yết lãi suất 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 13-24 tháng. BVBank tiếp tục duy trì 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 18-24 tháng. Mức lãi suất này cũng được BaoViet Bank niêm yết cho kỳ hạn 18-36 tháng.
Ngoài mức lãi suất trên 6%/năm đang được một số ngân hàng niêm yết cho các kỳ hạn tiền gửi dài, một số ngân hàng vẫn duy trì chính sách “lãi suất đặc biệt” dành cho một số kỳ hạn nhất định.
Ngân hàng PVCombank đang dẫn đầu thị trường về mức “lãi suất đặc biệt” khi khách hàng gửi tiền tại quầy, với mức 9,5% cho kỳ hạn 12-13 tháng, cao nhất thị trường hiện nay. Tuy nhiên, điều kiện để được trả mức lãi suất lên đến 9,5%/năm là khách hàng phải có số dư tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
Một số ngân hàng khác như DongA Bank, ACB, MSB,... cũng đang duy trì lãi suất đặc biệt. Cụ thể, tại MSB, lãi suất đặc biệt đã giảm từ 8,5%/năm xuống còn 7%/năm, với điều kiện khách hàng cần có số dư tiền gửi tối thiểu 500 tỷ đồng và gửi tiền kỳ hạn 12-13 tháng. Tuy nhiên, MSB còn áp dụng chính sách “lãi suất đặc biệt” dành cho khách hàng “bình dân” khiến người gửi tiền có thể lĩnh lãi suất thực cao hơn từ 0,3-0,5%/năm so với lãi suất huy động trực tuyến được ngân hàng công bố.
Tiền có kỳ hạn trực tuyến sản phẩm “lãi suất đặc biệt” được MSB niêm yết lãi suất 5,1%/năm cho kỳ hạn 6 tháng, 5,7%/năm cho các kỳ hạn 12 tháng, 15 tháng và 24 tháng.
Trong khi đó, HDBank niêm yết "lãi suất đặc biệt" với tiền gửi kỳ hạn 13 tháng lên tới 8,1%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 7,7%/năm. Các mức lãi suất ngân hàng này cao hơn từ 2,3%-2,5%/năm so với lãi suất huy động tại quầy áp dụng với khách hàng thông thường. Điều kiện để được nhận lãi suất trên là khách hàng gửi tiết kiệm từ 500 tỷ đồng trở lên và lĩnh lãi cuối kỳ.
Dong A Bank cũng là một trong số các ngân hàng trả “lãi suất đặc biệt” tới 7,5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng, cao hơn 2,2%/năm so với lãi suất huy động thông thường được ngân hàng này niêm yết. Người gửi tiền chỉ cần có số dư tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên.
Hạn mức tiền gửi 200 tỷ đồng cũng là điều kiện để Ngân hàng ACB cho khách hàng được hưởng “lãi suất đặc biệt” khi gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, mức lãi suất này thấp hơn so với lãi suất thông thường tại nhiều ngân hàng khác, chỉ ở mức 5,9%/năm và 5,7%/năm nếu chọn hình thức lĩnh lãi đầu kỳ.
PV (t/h)