Sáng 29/03, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức cuộc họp nghe và cho ý kiến về đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025.

Quảng cảnh cuộc họp nghe và cho ý kiến về Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025
Quảng cảnh cuộc họp nghe và cho ý kiến về Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025.

Sau 04 năm triển khai, đến nay Chương trình OCOP đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh và đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, bứt phá. Qua đó, góp phần đưa sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của tỉnh dồi dào về số lượng, phong phú về thể loại; chất lượng, giá trị, thu nhập người dân ngày càng cao, góp phần đưa diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh Nghệ An có 403 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên
Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh Nghệ An có 403 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên.

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 403 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên, chiếm 4,6% số sản phẩm đạt hạng sao cả nước. Trong đó: 43 sản phẩm đạt 4 sao; 359 sản phẩm đạt 3 sao và có 01 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao đã trình Trung ương đánh giá công nhận (trong số sản phẩm 3 sao có 9 điểm du lịch nông thôn). Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận. Qua đó, đã góp phần từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng NTM.

Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận
Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận.

Chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 - 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Đặc biệt, phát huy vai trò phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường của địa phương.

Ông Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trình bày đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025.
Ông Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trình bày đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025.

Theo đề án, mục tiêu đến hết năm 2025, Nghệ An phấn đấu có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 4 sản phẩm đạt hạng 5 sao. Củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng tương đương 134 sản phẩm; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm. Có ít nhất 10% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Trong đó, ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Có ít nhất 5% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.

Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại; phấn đấu mỗi đơn vị cấp huyện có 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Lãnh đạo huyện Yên Thành cho rằng, các sản phẩm OCOP đa số là nông nghiệp, theo mùa vụ, trong khi để vào được siêu thị, các hệ thống thì mặt hàng phải đảm bảo quanh năm có mặt trên kệ hàng, đây là khó khăn, thách thức trong sản xuất các sản phẩm OCOP theo hướng bền vững...
Lãnh đạo huyện Yên Thành cho rằng, các sản phẩm OCOP đa số là nông nghiệp, theo mùa vụ, trong khi để vào được siêu thị, các hệ thống thì mặt hàng phải đảm bảo quanh năm có mặt trên kệ hàng, đây là khó khăn, thách thức trong sản xuất các sản phẩm OCOP theo hướng bền vững.

Ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những thành quả trong việc thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Đối với Đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025, ông Nguyễn Văn Đệ yêu cầu các ban ngành, cơ quan soạn thảo văn bản tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đề án để sớm ban hành, đảm bảo căn cứ để thực hiện. Về chương trình mỗi xã một sản phẩm trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đệ yêu cầu các ban, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình thực hiện. Trong đó, việc nâng hạng sao các sản phẩm OCOP, nâng cao chất lượng sản phẩm quan trọng hơn hơn so với việc tăng số lượng sản phẩm.

Ngoài ra, Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và PTNT cần làm việc với nhau để thống nhất kinh phí thực hiện chương trình trong những năm tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đề nghị cần lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu, nâng cao chất lượng sản phẩm
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đánh giá cao những thành quả trong việc thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, dự thảo Đề án cũng đã đưa ra 8 nội dung trọng tâm thực hiện, gồm: Tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng; chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP; quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu; xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP; nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ triển khai Chương trình; tăng cường chuyển đổi số; xây dựng các mô hình để nhân rộng tạo động lực phát triển sản phẩm.

Được biết, tổng nguồn vốn huy động cho Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025 là 200.189 triệu đồng.

Lê Quyết