Dự án giúp người dân thoát nghèo
Những năm gần đây, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho các hộ nghèo tại các xã Phú Sơn, Phú Lâm, Tùng Lâm, Trường Lâm và Tân Trường… trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, có mục tiêu tổng quát trong thực hiện giảm nghèo bền vững, bao trùm, hạn chế để các hộ dân tái nghèo, cũng như phát sinh hộ nghèo.
Dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản cho người nghèo, hộ nghèo là để người dân vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, hỗ trợ các hộ nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn thoát khỏi tình trạng nghèo.
Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại thị xã Nghi Sơn, trong những năm gần đây, được đầu tư với kinh phí hàng tỷ đồng. Trong đó, trích một phần kinh phí để đầu tư, hỗ trợ bò sinh sản cho các hộ nghèo trên địa bàn cùng vốn đối ứng của các hộ dân tham gia dự án, mở hội nghị tập huấn kỹ thuật, hội nghị tổng kết dự án… với số bò cái sinh sản được đầu tư cho các hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Theo đó, những con bò giống thuộc dự án này đều phải qua tuyển chọn kỹ lưỡng, phải tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh; mỗi con bò sinh sản cấp cho các hộ nghèo phải có trọng lượng từ 125 - 130 kg, với trị giá trị kinh tế lớn. Kinh phí đối ứng của các hộ dân tham gia dự án, sau khi các hộ nghèo được hỗ trợ bò sinh sản, thì sau 2 - 3 năm, dự án sẽ nhân rộng mô hình; khi bò mẹ đẻ ra bê con đủ tiêu chuẩn làm bò giống sinh sản, các hộ dân có trách nhiệm luân chuyển lại cho Ban Quản lý Dự án để cấp tiếp cho hộ nghèo và hộ cận nghèo khác trong địa bàn.
Các hộ gia đình nhận bò phải cam kết thực hiện tốt dự án, cũng như cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho bò. Đồng thời, các hộ dân nhận bò sẽ được cấp thuốc khử trùng chuồng trại, hướng dẫn quy trình chăn nuôi, chăm sóc bò, đảm bảo đàn bò sinh sản được phát triển tốt.
Đọng lại nhiều tồn tại, hạn chế
Từ thực tế trên, nhận thấy Dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, để họ có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo là cần thiết, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững hiện nay.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện dự án, mới đây qua công tác thanh kiểm tra dự án, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện, chỉ ra những sai phạm và có dấu hiệu làm thất thoát ngân sách nhà nước.
Cụ thể, tại xã Phú Lâm (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa), Đoàn Thanh tra đã phát hiện Dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản năm 2018 không có hồ sơ chứng từ mua bán bò; không thực hiện công tác nghiệm thu, thẩm định chất lượng bò giống; không có giấy tiêm phòng dịch bệnh cho bò sinh sản theo quy định. Ngoài ra, dự án không thực hiện thu hồi, luân chuyển vốn số tiền 200 triệu đồng.
Tiếp đến, cũng Dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản năm 2019, Ban Quản lý Dự án không lưu giữ hồ sơ do UBND xã xây dựng (theo quy trình 4 bước); không thực hiện kiểm tra, nghiệm thu chất lượng bò giống theo quy định; chi hỗ trợ Ban Quản lý Dự án với số tiền 9.800.000 đồng và chi 2 hội nghị tập huấn kỹ thuật chăn nuôi với số tiền 4.200.000 đồng đều không có chứng từ, hồ sơ thanh toán.
Ngoài ra, Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi bò sinh sản năm 2019 cũng không thực hiện kiểm tra, nghiệm thu chất lượng bò theo quy định; chi Hội nghị tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò với số tiền 4.740.000 đồng và Hội nghị tổng kết Dự án NRMH chăn nuôi bò số tiền 5.260.000 đồng, nhưng chứng từ kế toán, chứng từ gốc không hợp pháp, không hợp lệ.
Đến năm 2020, cũng tại Dự án hỗ trợ bò sinh sản, chính quyền thị xã Nghi Sơn và UBND xã Phú Lâm thiếu nhất quán trong thẩm định, lựa chọn đối tượng được thụ hưởng. Xã đề nghị phê duyệt đối tượng thụ hưởng dự án là 5 hộ dân (bao gồm 2 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo và 1 hộ mới thoát nghèo). Nhưng, UBND thị xã Nghi Sơn lại phê duyệt đối tượng thụ hưởng dự án là 5 hộ nghèo; ngoài ra chi sai cho Hội nghị tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò số tiền 1.094.000 đồng và chi hỗ trợ ban chỉ đạo hướng dẫn Dự án chăn nuôi bò sinh sản số tiền 2.940.000 đồng, nhưng chứng từ kế toán, chứng từ gốc không hợp lệ.
Liên quan đến kết luận thanh tra dự án có dấu hiệu làm thất thoát ngân sách nhà nước, vừa qua, phóng viên có buổi làm việc với ông Cao Lương Ngọc, Chủ tịch UBND xã Phú Lâm.
Ông Ngọc phân trần: “Liên quan đến khoản tiền chi không đúng, có dấu hiệu làm thất thoát ngân sách nhà nước theo kết luận thanh tra, hiện tại xã chúng tôi là xã nghèo nên không có khoản nào để bù vào chỗ thất thoát đó. Chúng tôi đang vận động, kêu gọi anh em, những người đã nhận tiền trước đó của Ban Quản lý Dự án phải có trách nhiệm trả lại để nộp cho Nhà nước, những việc theo kết luận đó là chi cho tập thể, như họp hành, tổ chức hội nghị... để triển khai dự án, chứ không phải chi cho bất cứ cá nhân nào”.
Khi được hỏi về chất lượng bò giống cấp cho các hộ dân không đảm bảo, dự án kém phát triển, vì sau khi bò đẻ ra bê con, nhưng không được luân chuyển cho Ban Quản lý Dự án để cấp cho các hộ nghèo khác theo quy định, ông Ngọc nói:
"Trước khi thực hiện dự án, tinh thần thì đúng là như vậy. Sau khi bò đẻ ra bê con, chúng tôi phải có trách nhiệm thu hồi về cho Ban Quản lý Dự án, sau đó sẽ luân chuyển để cấp cho các hộ dân khác. Nhưng sau thanh tra, thị xã đã xác định và chủ động được nguồn vốn và sẽ hỗ trợ cố định luôn cho người dân, không phải xoay vòng, luân chuyển như đề án đề ra ban đầu.
Ngoài ra, xã chúng tôi là xã khó khăn, đang vận động bà con hiến đất, tạo điều kiện cho giải phóng mặt bằng cho các công trình trọng điểm của Nhà nước nên lãnh đạo thị xã thống nhất bỏ phần thu hồi bê con và cân đối lại"...
Không chỉ để xảy ra sai phạm tại Dự án hỗ trợ bò sinh sản cho các hộ nghèo, được biết, tại Dự án hỗ trợ nuôi cá lăng, bò sinh sản 3B thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019 - 2020, cũng chưa đạt hiệu quả cao...
Lê Nam