Gìn giữ tinh hoa làng nghề thêu truyền thống Minh Lãng
Nghề thêu tay xuất hiện ở xã Minh Lãng vào khoảng đầu thế kỷ thứ XIX. Thời kỳ đầu, người dân chủ yếu làm những sản phẩm thêu phục vụ trang phục của quan lại, vua chúa và lễ hội với các hình thêu trên xiêm y, mũ áo rồng phượng cho phường hát tuồng, chèo. Giai đoạn 1946-1954, chuyển sang thêu khăn trải bàn, đồ lót bát đĩa cho nhà dệt Kinh Tự Doanh và một số hãng thêu của người Pháp sinh sống tại Hà Nội.
Những năm sau giải phóng đến cuối thập niên 80 là thời kỳ cực hưng thịnh của nghề thêu Minh Lãng, việc ký hợp đồng với Liên Xô và một số nước Đông Âu đã làm cho Minh Lãng lúc ấy thực sự trở thành xưởng thêu lớn, 3 hợp tác xã thêu được thành lập thu hút trên 2.000 lao động. Lúc đó, trong làng nhà nào ít nhất cũng có 2 khung thêu, nhà nhiều thì 4-5 khung. Cả làng từ thiếu niên, nam thanh nữ tú đến người già từ 60-70 tuổi đều thêu.
Sau năm 1990, thị trường các nước XHCN sụp đổ nên nhiều người dân bỏ nghề. Đến năm 1995, các cơ sở sản xuất khôi phục lại do tìm được thị trường đầu ra là các nhà xuất khẩu phía Nam. Sản phẩm thêu cũng thay đổi từ thêu trên nền vải trắng sang thêu chăn, ga, gối, tranh và đặc biệt thêu trên áo Kimono cho Nhật Bản, áo Hanbok cho Hàn Quốc.
Hiện nay, xã có hơn 4.000 thợ thêu với 10 công ty, 60 xưởng, tổ hợp sản xuất. Không những thế, nghề thêu còn giúp tạo công ăn việc làm cho hơn 30.000 lao động cho người dân của tỉnh Thái Bình. Nhằm tạo nên bản sắc riêng cho sản phẩm, thay vì dùng chỉ nhập ngoại, nhiều cơ sở thêu của Minh Lãng đã tự sản xuất và nhuộm màu chỉ từ sợi tơ tằm để phục vụ sản xuất.
Ông Hoàng Đình Chiêm, xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư, bộc bạch: Năm 1988, Ông và 2 người anh đã cùng nhau chung vốn thành lập Công ty thêu, tuyển thợ thêu vào làm việc. Thời điểm ban đầu, đã quy tụ vài chục tay thêu, sau đó là trên một trăm người. Có thời điểm hưng thịnh, năm 1992 là gần 500 thợ thêu trong và ngoài tỉnh làm việc cho Công ty.
Tuy nhiên, đến năm 1996, 3 anh em tách ra thành 3 Công ty riêng và cũng từ đó Công ty TNHH thêu xuất khẩu Tuấn Dương do ông Hoàng Đình Chiêm làm giám đốc chính thức được thành lập. Đánh dấu bước đi mới cho sự phát triển nghề thêu của gia đình và quê hương. Ông là người duy nhất ở đại phương có đủ điều kiện xây dựng một Công ty để đưa sản phẩm thêu tay của Minh Lãng ra nước ngoài.
Định hướng phát triển chủ yếu là thêu theo đơn đặt hàng của Tổng Công ty ở Hà Nội, để xuất khẩu sang Ý, Pháp. Thời điểm đó, Công ty có khoảng 100 tay thêu, bình quân từ những sản phẩm lớn nhỏ như khăn mặt, khăn trải bàn, khăn lau tay,… là mấy chục nghìn sản phẩm thêu tay mỗi tháng.
Trên đà phát triển đó, ông Chiêm nhìn thấy sự phát triển của nghề thêu tay, năm 2002, ông đã tìm đến các đối tác mới để mở rộng và nâng cao số lượng các đơn đặt hàng. Ban đầu các đơn hàng thêu xuất khẩu cho 1 Công ty ở Miền Nam. Sau dần, là đơn hàng thêu trên áo Kimono của Nhật Bản và trên áo Hanbok cho Hàn Quốc.
Ông Hoàng Đình Chiêm chia sẻ: Nghề thêu đòi hỏi sự tỉ mỉ, cảm thụ tinh tế về đường nét, màu sắc, thẩm mỹ thì mới có thể thêu lên được những bức thêu sống động có hồn. Nghề thêu tay vì thế đòi hỏi thợ thêu đều rất yêu nghề. Bởi, để thêu lên được 1 bức tranh, 1 trang phục truyền thống của Nhật Bản, Hàn Quốc… có khi phải mất từ 15-20 ngày mới xong. Có khi phải hàng tháng trời.