Chuyển đổi số trong giáo dục từ việc khai thác thế mạnh của Công nghệ thông tin
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số. Thực hiện Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Tại Thái Bình, thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 29/05/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về “Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành Giáo dục và đào tạo Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện cho từng năm; chỉ đạo các Phòng GDĐT, các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX và phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, việc thực hiện các nhiệm vụ Chuyển đổi số trong Ngành Giáo dục Thái Bình gắn với các nhiệm vụ của Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030).
Tiến sĩ Nguyễn Viết Huy, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình cho biết: “Ngay trong thời gian dịch bệnh Covid-19, Sở GD&ĐT Thái Bình đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình thực hiện dạy học trên truyền hình với nội dung là các chuyên đề, chủ đề ôn tập thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thi tốt nghiệp THPT và bài mới với 224 tiết dạy; phối hợp Sở Thông tin Truyền thông xây dựng kho học liệu để hỗ trợ tài liệu cho giáo viên và giúp học sinh tự học tập tại nhà với 7.527 tài liệu pdf, 3.035 tài liệu video. Thời điểm đó, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh nhanh chóng chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến; trực tiếp kết hợp trực tuyến; dạy học trên truyền hình và hướng dẫn kiểm tra bằng hình thức trực tuyến, đảm bảo việc dạy học và kiểm tra, đánh giá không bị gián đoạn, kể cả trong thời gian học sinh không được đến trường do dịch bệnh.
Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, Ngành Giáo dục Thái Bình đã tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như hoàn thiện mô hình quản lý trường học trong các cơ sở giáo dục; thực hiện thu, nộp học phí không dùng tiền mặt trong các nhà trường; đăng kí thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học bằng hình thức trực tuyến toàn trình; triển khai Hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến; thí điểm học bạ số cấp tiểu học; triển khai thí điểm các phần mềm hỗ trợ soạn giảng giáo án điện tử; tổ chức các hội nghị trực tuyến tới các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh. Việc đẩy mạnh Chuyển đổi số trong quản lý, giảng dạy, kiểm tra đánh giá đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục toàn diện; thực hiện có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Ngành Giáo dục Thái Bình Chủ động bắt nhịp, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục
Trường THCS xã Phú Xuân, là 1 trong 3 trường được lựa chọn là trường điểm của giáo dục Thành phố Thái Bình về Chuyển đổi số trong giáo dục. Cũng là ngôi trường nhiều năm trở lại đây luôn có thành tích học tập khá tốt. Hiện ngôi trường đang có trên 900 học sinh theo học ở 4 khối lớp. Trường THCS Phú Xuân luôn mạnh dạn trong đầu tư cơ sở vật trường học để các em và thầy cô có một môi trường học tập tốt nhất.
Ngay từ 6 năm trước, nhận thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy là xu hướng tất yếu. Ban giám hiệu nhà trường, đặc biệt là bà Bùi Thị Thuý, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Xuân đã rất tâm huyết để sớm đưa những ứng dụng Công nghệ thông tin vào trường học. Thông qua đó, chuyển đổi số trong nhà trường đã được hình thành từ khá sớm. Hiệu quả giảng dạy của nhà trường ngày một nâng cao.
Bà Bùi Thị Thuý, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Xuân, thành phố Thái Bình, trao đổi: “Trường THCS Phú Xuân đã mạnh dạn đầu tư đưa máy chiếu vào hỗ trợ giảng dạy. 5 năm trước, hầu hết các lớp học đã được trang bị máy chiếu, có kết nối Internet. Và 3 năm nay, THCS Phú Xuân cũng là ngôi trường đi đầu của giáo dục thành phố Thái Bình trong việc chuyển đổi từ giáo án truyền thống sang giáo án điện tử. Giáo viên soạn và sử dụng giáo án điện tử qua phần mềm, được Ban giám hiệu nhà trường quản lý qua phần mềm rất chặt chẽ và tiện dụng; đồng thời, tăng cường việc kiểm tra đột xuất tại các tiết học. Bên cạnh đó, nhà trường còn đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý hồ sơ sổ sách, giáo án…;
Từ những bước tiếp cận sớm đó, đã góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng hiệu quả giảng dạy, tiếp thu kiến thức của học sinh. Đồng thời, tạo hứng thú, thúc đẩy năng lực của học sinh trong từng tiết học, từng môn học.
Trường THCS Phú Xuân, thành phố Thái Bình, cũng luôn chú trọng để học sinh vừa học vừa thực hành. Riêng bộ môn Tin học, nhà trường đầu tư 1 phòng học Lab với 24 máy tính, kết nối Internet. Các bộ môn khác như Khoa học tự nhiên, Địa lý …, tất cả lớp học đều có máy chiếu có kết nối Internet, thuận lợi để thầy cô và học sinh khai thác kho học liệu số. Đặc biệt, tại đây, Nhà trường đã được đầu tư 1 Phòng học thông minh, trang bị đầy đủ máy tính bàn, máy chiếu, ti vi. Máy tính, máy chiếu của thầy, cô kết nối trực tiếp với Máy tính cá nhân của từng học sinh. Do đó giáo án bài học các em có thể theo dõi trực tiếp và tiếp thu qua máy tính riêng.
Bà Bùi Thị Thuý, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Xuân, thành phố Thái Bình, khẳng định: “Chuyển đổi số trong giáo dục là hướng đi rất cần thiết. Và để đạt hiệu quả tối ưu nhất, thì phải đồng bộ từ tư duy của người Quản lý, từ cơ sở vật chất cho đến đội ngũ giáo viên ở mỗi nhà trường.”
Minh chứng cho hướng đi nhanh nhạy, kịp thời đổi mới trong giáo dục, mà Trường THCS Phú Xuân luôn có thành tích nổi bật. Đã 6 năm liền, tỷ lệ học sinh giỏi của Trường luôn đứng thứ 2, 3 trong tổng số 19 trường của thành phố Thái Bình. Về tỷ lệ đỗ vào THPT hàng năm đều đứng Nhất, Nhì, Ba. Năm 2021, 2022 Trường THCS Phú Xuân vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ Tướng chính phủ. Nhiều năm liền nhận cờ thi đua của UBND Tỉnh. Đặc biệt, năm học 2022 - 2023 Trường dẫn đầu khối THCS được UBND tỉnh tặng cờ thi đua.
Về Chuyển đổi số giáo dục ở huyện Thái Thuỵ, Trường Tiểu học Thị Trấn Diêm Điền, cũng là một trong số nhà trường đi đầu tiên phong tại đây. Cô Giang Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ, cho biết: “Năm học 2023 -2024, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số theo giai đoạn. Về phía Nhà trường, đã trang bị hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, 100% các phòng học đều trang bị ti vi kết nối internet. Thầy cô phụ trách các tổ chuyên môn đều được trang bị chữ kỹ số, số hoá hồ sơ: Toàn bộ hệ thống hồ sơ giáo án, giáo án ký số được lưu trữ trên google drive, giáo viên sử dụng máy tính trong giảng dạy, nhà trường từng bước bồi dưỡng thêm các kỹ năng: cập nhật phần mềm đánh giá học sinh, phầm mềm Temis…”
Ngoài ra, về phía thầy cô giáo thì ngay từ đầu năm học Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức tập huấn kỹ năng thực hành công nghệ thông tin cho đội ngũ giáo viên. Có thực hành đánh giá đầu năm học: Soạn thảo văn bản, tìm tư liệu dạy học, Số hoá hồ sơ, giáo án điện tử…, căn cứ kết quả kiểm tra, để tiếp tục bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ giáo viên.”
Chuyển đổi số dần hiện hữu trong các khối học, mỗi thầy cô và học trò. Không chỉ tạo chuyển biến tích cực trong Ngành Giáo dục, chuyển đổi số còn là cơ hội để trường học xóa dần khoảng cách trong tiếp cận công nghệ, tri thức cho học trò.
Thầy Phí Quang Hoá, giáo viên bộ môn Toán tại trường Tiểu học Thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình, cho hay thầy đã ứng dụng chuyển đổi số vào trong giảng dạy từ 3 năm nay. Qua đó, học sinh hứng thú với bài học hơn, chất lượng giáo dục chuyển biến rõ rệt.
“Ngoài soạn giáo án trên máy tính, thầy Hoá còn ứng dụng công nghệ thông tin vào các tiết dạy qua việc sưu tầm, lồng ghép hình khối, hình vẽ 2D 3D, công thức… nhằm tăng tính sinh động, hấp dẫn cho bài giảng. Cụ thể với bài giảng về không gian vẽ hình, hình khối theo phương pháp truyền thống trước đây học sinh không nhìn được trực quan, hoặc chưa hiểu rõ thì nay sử dụng hình khối vẽ hình học ở bài giảng điện tử thì học sinh dễ hình dung và dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn. Bên cạnh đó Thầy Hoá còn kết hợp kiểm tra bài trực tuyến qua google drive, google Meet và các phần mềm dạy học trực tuyến OLM, ZOOM...”
Theo thầy Hoá, 100% giáo viên trong trường Tiểu học Thị trấn Diêm Điền đã soạn giáo án thuần thục trên máy tính và ứng dụng công nghệ thông tin nhuần nhuyễn vào giảng dạy. Đồng thời, sử dụng thành thạo việc đánh giá, nhận xét học sinh bằng học bạ điện tử… qua đó cho thấy chuyển đổi số đã và đang hiện hữu rõ nét.
Từ việc chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin tiến tới chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác giảng dạy tại nhà trường. Chính vì thế, nhiều năm qua thành tích giảng dạy của trường Tiểu học Thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình, luôn dẫn đầu thành tích thi đua. 2 năm học vừa qua, 2 năm liền Nhà trường đều được nhận cờ thi đua của UBND tỉnh Thái Bình trao tặng.
Nhiều năm qua, khi Bộ GD&ĐT Thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, theo đó phương pháp giảng dạy ứng dụng công nghệ thông tin cũng được nhiều nhà trường chuyển đổi thực hiện.
Nói về chuyển đổi số giáo dục, cô Bùi Thị Ánh, giáo viên môn Vật Lý tại trường THPT Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cho rằng đây cũng là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp và hình thức dạy học của giáo viên: Riêng bộ môn Vật lý là môn học ứng dụng nhiều trong đời sống, là một môn học thực nghiệm nên chuyển đổi số là 1 lợi thế để học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng hơn. Trong tiết học sử dụng phầm mềm trình chiếu Powerpoint, phầm mềm sơ đồ tư duy để tóm tắt bài học bằng sơ đồ tư duy, sau mỗi tiết học thì sử dụng phần mềm Plickers để kiểm tra nhận biết của học sinh, có thể biết học sinh trả lời đúng sai rõ ràng hoặc sử dụng phần mềm SHub Classroom trong kiểm tra trực tuyến”.
Thầy Dương Thế Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cho biết: “Nhà trường đã và đang triển khai 1 số phần mềm phục vụ trong công tác quản lý và giảng dạy. Cụ thể như Phầm mềm lưu trữ hồ sơ giáo viên, hồ sơ học sinh... Phần mềm Odoc, phầm mềm giảng dạy trực tuyến OLM, cũng bao gồm kho chứa học liệu giúp cung cấp thêm tư liệu trong giảng dạy cho giáo viên. Đặc biệt, trong năm học tới, nhà trường sẽ đưa việc điểm danh học sinh bằng phần mềm điện tử, thông qua camera hình ảnh.”
Kết quả đáng khích lệ từ sự quyết liệt trong công cuộc Chuyển đổi số Ngành Giáo dục Thái Bình
Đến nay, toàn Ngành Giáo dục Thái Bình đã thực hiện giải quyết mức độ 3,4 đối với hầu hết các thủ tục hành chính. Đa số các cuộc họp của ngành được thực hiện qua hình thức trực tuyến. 774/774 cơ sở giáo dục Thái Bình có kết nối internet cáp quang băng thông rộng hoặc 4G. Các cơ quan quản lý giáo dục được trang bị đầy đủ máy tính, hạ tầng CNTT để quản lý, chỉ đạo, điều hành trên nền tảng số. 100% trường Tiểu học, THCS, THPT triển khai hồ sơ điện tử đối với nhà trường: Học bạ; sổ theo dõi và đánh giá học sinh, sổ đăng bộ; đối với giáo viên, sổ theo dõi và đánh giá học sinh.
Ngành Giáo dục Thái Bình có 551 giáo viên phổ thông cốt cán, 81 cán bộ quản lý phổ thông cốt cán và hơn 14.000 giáo viên phổ thông đại trà đã được bồi dưỡng, tập huấn và được cấp chứng chỉ các modul từ 1 đến 9 phục vụ Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó có lồng ghép các kỹ năng về ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học và kiểm tra đánh giá.…
Cùng với đó, chuyển đổi số đã giúp tăng cường hiệu lực hiệu quả trong hoạt động của các nhà trường, giúp công tác quản lý được chặt chẽ, nhanh gọn và lưu trữ tốt; học sinh hứng thú và chủ động hơn với mỗi bài học, đáp ứng tốt hơn theo yêu cầu đổi mới của chương trình mới.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Huy, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình: “Ngoài những nhiệm vụ Chuyển đổi số mà Ngành Giáo dục Thái Bình đã triển khai trong 02 năm qua, trong thời gian tới, Ngành sẽ triển khai sử dụng đại trà Học bạ số từ cấp Tiểu học, THCS, THPT ở các khối lớp đầu cấp từ năm học 2024-2025. Tổ chức các Cuộc thi trên Internet tới cán bộ, giáo viên, người lao động và học sinh trong Ngành Giáo dục Thái Bình như: Cuộc thi trắc nghiệm trên Internet tìm hiểu về “Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn, 1726-1784”; Cuộc thi tìm hiểu về Luật Căn cước... Đồng thời, tập huấn, hướng dẫn sử dụng và khai thác phần mềm quản lý, điều hành, dạy học, an toàn thông tin mạng. Tăng cường Thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo toàn tỉnh. Từ đó, sẽ tiến hành tổ chức đánh giá, công bố chỉ số chuyển đổi số đối với cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục Thái Bình.”
An Nhiên - Phương Thuý