Là một người khuyết tật, nhưng chị Đặng Thị Ngọc Ánh, sinh năm 1968, đã nghị lực vươn lên thoát khỏi cảnh nằm liệt trên giường, trở thành vận động viên Paragame môn cầu lông đứng. Đặc biệt, 27 năm qua, chị Ánh còn nuôi dưỡng và dạy nghề may thêu cho những người khuyết tật khác.

Trong mọi hoàn cảnh, chị Ánh luôn là điểm tựa, là động lực và niềm tin cho các em ở Tâm Thiện

Nằm lọt thỏm trong khu dân cư trên đường Bùi Thị Xuân, Đà Nẵng, là căn nhà lợp tôn cũ kỹ, 4 bức vách được che chắn tạm bợ, chắp vá bằng tôn và ván ép. Đó là cơ sở của doanh nghiệp Tâm Thiện, là nơi sinh hoạt và làm việc của 62 người khuyết tật dưới sự dìu dắt của chị Ánh.

Với những người lành lặn, việc quản lý một doanh nghiệp đã rất khó,với người bị liệt hai chân như chị Ánh thì công việc chăm sóc bản bản thân đã chẳng đơn giản chứ chưa nói đến việc quản lý, lãnh đạo cơ sở Tâm Thiện và còn hướng dẫn cho những em khuyết tật hiểu việc và biết cách tạo ra sản phẩm. Từ không biết, dần dần các em cũng quen với môi trường sống và sinh hoạt tại đây. Đặc biệt, nhiều em chỉ một thời gian ngắn đã có thể hòa nhập, làm quen nhanh với nghề may hoặc làm tranh thêu.

Sản phẩm mà các em ở Tâm Thiện làm ra chủ yếu là quần áo bảo hộ lao động và tranh thêu. Phần lớn, Tâm Thiện nhận gia công chứ chưa thể tự lực nhận khách hàng vì 100% các em đều là khuyết tật nên rất khó khăn trong việc đi lại, giao tiếp khách hàng. Từ ký kết hợp đồng đến tìm đầu ra cho sản phẩm đều do chị Ánh đảm trách. Khó khăn là vậy nhưng được cái các em biết tiếp thu, học hỏi, làm việc tỉ mỉ, cẩn trọng. Chỉ có khoảng 46 em có thể tạo ra mức thu nhập khiêm tốn khoảng chỉ từ 1 – 1,5 triệu đồng/1em/1 tháng. Chị Ánh nghẹn lời khi nhắc đến “thu nhập” của các em. Với mức thu nhập ít ỏi nhưng các em không sử dụng cho riêng mình mà đều góp chung để lo cho mái ấm Tâm Thiện, lo cho các em nhỏ bị bại liệt tay chân, bại não, thần kinh không lao động được.

Các trẻ khuyết tật ở Tâm Thiện không chỉ là người ở TP. Đà Nẵng mà còn đến từ những nơi khác như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Gia Lai…Một số em sau khi học xong không chịu về quê mà nằng nặc đòi ở lại để giúp chị Ánh. Các em xem công ty như ngôi nhà chung của mình, xem chị Ánh như người Mẹ. Chị Ánh cho biết, đến nay đã có 7 em từ mái ấm của chị đã lập gia đình, sinh được 9 cháu.

Từ một đứa trẻ bị liệt đôi chân từ lúc mới sinh, nhưng ngay từ nhỏ, chị Ánh đã không muốn mình là một gánh nặng của gia đình. Chị Ánh tự tập đứng, tập đi, dần dà, đôi chân bị liệt ngày nào cũng đã bị khuất trước ý chí vươn lên của chị. Chị có thể đi lại, chơi cầu lông. Học xong lớp 9 chị lặn lội vào thành phố Hồ Chí Minh làm thuê kiếm sống nhưng không ai dám nhận vì thấy chị yếu ớt. Được sự bảo bọc, cưu mang của các anh chị bán vé số ở bến xe miền Đông, chị được nhận vào làm việc nhà. Nhờ cần cù và chịu khó, chị được chủ nhà thương mến tạo điều kiện để chị tranh thủ học thêm văn hóa, học nghề may vá vào ban đêm. Nhiều năm trôi qua, cuối cùng, chị Ánh cũng đã tốt nghiệp cấp 3 và có trong tay nghề may để về quê “lập nghiệp”.

Thoát được cảnh phải nằm liệt trên giường là một động lực vô cùng lớn lao, luôn thúc đẩy tôi phải tự khẳng định bản thân và giúp đỡ người cùng cảnh ngộ. Mặc dù rất khó khăn nhưng chị vẫn dang rộng vòng tay đón nhận những đứa trẻ, những người già đồng cảnh ngộ. Chị tâm niệm, cần làm việc gì đó để giúp họ, nhất là tạo niềm tin và động lực để họ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Với những em có khả năng lao động, chị bày vẽ tận tình, dạy cho các em nghề may thêu để các em có thể tự lao động, kiếm tiền, nuôi sống bản thân.

Các em khuyết tật yên tâm sống dưới mái nhà chung Tâm Thiện không chỉ là niềm hạnh phúc của chị, mà còn giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Nhưng hiện nay, Tâm Thiện đang rất cần sự quan tâm trợ giúp của xã hội. Ngoài căn nhà tạm bợ, vừa là chỗ ở, vừa là nơi sản xuất; 14 chiếc máy may trong xưởng đều là thiết bị được Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Đà Nẵng và Hội liên hiệp phụ nữ phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng cho mượn sắp đến kỳ trả lại.

Ngay cả các chủ trương, chính sách hỗ trợ về dạy nghề cho người khuyết tật, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tìm đầu ra cho sản phẩm, việc làm, chữa bệnh… cũng là vấn đề hết sức nan giải không chỉ với Tâm Thiện mà với chính quyền sở tại. Do các em là người từ các địa phương khác nhau nên khó xin được chính sách hỗ trợ. Chính vì khó đèo khó, nên mái ấm Tâm Thiện cứ tự gồng gánh để vượt khó thôi, chị Ánh cho hay.

Chúng tôi cũng mong muốn chính quyền thành phố nhanh chóng giải quyết các thủ tục hành chính như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất 485m2 trên đường Phan Huy Chú, bản vẽ thiết kế, chứng nhận phòng cháy chữa cháy… để công trình xây dựng Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật mà chúng tôi vừa mới khởi công tiếp tục được hoàn thiện; Mong các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân giúp đỡ về cơ sở vật chất, trang thiết bị để trung tâm sớm đi vào hoạt động; Tạo điều kiện cho các em khuyết tật có cơ hội tìm được việc làm, có cuộc sống ổn định và hội nhập với cộng đồng - Chị Ánh cho biết thêm.

Đối với Công ty TNHH Tâm Thiện của chị Ánh, mục đích kinh doanh và lợi nhuận không phải là mục đích chính. Theo như lời chị, đây chỉ là mái nhà chung để các trẻ khuyết tật tìm thấy niềm vui, được có bạn bè và có một nghề để lao động, để kiếm sống. Tuy nhiên, do nguồn lực không có nên công ty hiện đang rất cần sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của xã hội.

“Chúng tôi rất cần xã hội hỗ trợ cho chúng tôi những chiếc “cần câu” chứ không phải là những “con cá”.

Thu Hằng