THCL Tại Đại hội IV Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa), Phó Thủ tướng Chính phủ, Vũ Đức Đam nêu: “Có ngành nghề học ra không xin được việc, có ngành nghề cứ thiếu, tại sao chúng ta không đào tạo được? Hiệp hội cần chú trọng hơn tới đào tạo cử nhân, kỹ sư và kết nối tạo điều kiện, cơ hội để lực lượng này phát triển”.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Vũ Đức Đam
Phó Thủ tướng nêu ra nghịch lý: “Tại sao vẫn có hàng trăm nghìn thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân thất nghiệp, trong khi ngành CNTT lại thiếu nhân lực?”.
“Hiện nay, có rất nhiều mô hình đào tạo mới trên nền tảng ứng dụng CNTT như học liệu mở, đào tạo từ xa... Tại sao chúng ta không dám nghĩ đến chuyện đào tạo CNTT cho những kỹ sư, cử nhân thất nghiệp? Chúng ta đã nhắc đến, nhưng chưa làm đến cùng vấn đề này?” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, cho rằng: “Thách thức lớn nhất đối với ngành CNTT đó là báo động đỏ về nguồn nhân lực. Hiện nay, mỗi năm, ra trường 9.000 kỹ sư CNTT, cả phần cứng và phần mềm. Thực tế, vấn đề thiếu hụt nhân lực cho ngành này đã có từ lâu - trở nên nghiêm trọng hơn khi thế giới đang bước vào cuộc cách mạng khoa học lần thứ tư”.
Theo báo cáo của Công ty Tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks về ngành CNTT ở Việt Nam thì trong 3 năm qua, số lượng công việc ngành CNTT - phần mềm đã tăng trung bình 47% mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng nhân sự trong ngành này chỉ tăng ở mức trung bình 8%. Ước tính, mỗi năm Việt Nam thiếu hụt khoảng 78.000 nhân lực CNTT, nếu cứ tiếp tục đà tăng trưởng nhân lực như hiện nay thì tới năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 1 triệu nhân lực IT.
Cũng tại hội nghị, liên quan tới vấn đề khuyến khích khởi nghiệp, Phó Thủ tướng nhận xét: “Chúng ta đã bàn nhiều về vấn đề này. Nhưng để phong trào khởi nghiệp phát triển thì vai trò của các trường đại học là rất quan trọng. Phải làm sao để mỗi trường đại học đều có không gian cho cộng đồng start-up, với rất nhiều ý tưởng sáng tạo, hoài bão. Ví dụ, dành không gian khoảng 1.000 m2 cho sinh viên làm start-up. Vì những start-up là sinh viên nhiều hoài bão, nhưng không có tiền. Nếu làm tốt việc này, sẽ góp phần thay đổi cách học trong trường đại học, khuyến khích tinh thần lập nghiệp ngay từ khi còn là sinh viên, những công nghệ hay ý tưởng cũng từ đó mà ra …”.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Cộng đồng khởi nghiệp rất cần đầu tư mạo hiểm ban đầu dưới hình thức các quỹ. Vấn đề này, Chính phủ cũng đã bàn. Chính phủ sẽ có một số chính sách tham gia - đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng trước hết, các hiệp hội, các doanh nghiệp lớn phải tích cực tham gia, phải làm nòng cốt. Chúng ta nói nhiều về quốc gia khởi nghiệp, song tôi cho rằng cần phải cụ thể, thiết thực.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, muốn phát triển thì không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh khoa học - công nghệ, trong đó, CNTT (gồm cả phần mềm và dịch vụ CNTT) là một trong những công cụ phải được đẩy mạnh.
“Để cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT phát triển nhanh hơn nữa, tình trạng thiếu nhân lực CNTT được khắc phục, Vinasa phải lớn nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, giữ vai trò quan trọng trong đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để đất nước tăng trưởng nhanh, bền vững”, Phó Thủ tướng kỳ vọng.
Phan Chinh