Sau cú giảm sốc đầu tháng Năm, những ngày này, giá cà phê đã tăng trở lại và hướng tới đỉnh lịch sử khi các nhà rang xay toàn cầu vẫn trông vào nguồn hàng của Việt Nam.
Sau khi tăng dựng đứng và đạt đỉnh lịch sử 134.000 đồng/kg hồi cuối tháng Tư năm nay, tới đầu tháng Năm, giá cà phê nhân ở nước ta bất ngờ giảm sốc, về mốc 95.000 đồng/kg. Tức chỉ trong 1 tuần, giá loại hạt này đã “bốc hơi” gần 39.000 đồng/kg, tương đương giảm 28,5%.
Nông dân, doanh nghiệp và các chuyên gia cho biết, đây là đợt giảm giá mạnh nhất trong lịch sử khi có phiên ghi nhận biên độ giảm 15.300 đồng mỗi cân. Khi đó, nhiều người còn dùng cụm từ “rơi tự do” để nói về đà giảm giá cà phê.
Tuy nhiên, đến nửa cuối tháng Năm, đà giảm đã ngừng lại và giá cà phê bắt đầu hồi phục. Sau nhiều phiên tăng mạnh liên tiếp, ngày 30/5, cà phê nhân xô ở nước ta được thu mua với giá 121.000-122.200 đồng/kg.
Giá cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên ngày 31/5 tiếp tục tăng 2.000 đồng/kg. Hiện giá cà phê khu vực đang dao động trong khoảng 122.000 - 123.200 đồng/kg, giá bán trung bình 122.900 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê cũng duy trì đà tăng. Hiện giá cà phê Robusta trên sàn London tăng vọt 228 USD/tấn, lên mức 4.120 USD/tấn. Kỳ hạn giao tháng Chín cũng tăng 219 USD, lên 4.025 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng 206 USD, lên mức 3.915 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica trên sàn New York cũng tăng rất mạnh. Cụ thể, kỳ hạn tháng Bảy tăng 279,4 USD lên 5.090 USD/tấn, kỳ hạn tháng Chín tăng 273,9 lên 5.070 USD/tấn, tháng 12 tăng 271,7 lên 5.030 USD/tấn.
Thị trường đang tập trung đánh giá triển vọng sản lượng cà phê của một số quốc gia có lượng cà phê xuất khẩu lớn.
Tại Brazil, nông dân nước này dần bước vào vụ thu hoạch kéo dài từ tháng 5-9 hàng năm. Tuy nhiên, một số dự báo sớm cảnh báo hiện tượng La Nina có thể quay lại, thay cho hiện tượng El Nino, từ tháng Bảy tới đây với các đợt mưa lớn sẽ cản trở quá trình thu hoạch tại Brazil.
Cơ quan khí tượng Somar Meteorologia lưu ý, giá cà phê thế giới tiếp tục tăng cao bởi khu vực Minas Gerais của Brazil, nơi sản xuất khoảng 30% cà phê Arabica của Brazil, đã trải qua qua bốn tuần không mưa liên tiếp.
Hiện, Việt Nam vẫn là nguồn cung cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Thế nhưng, những tháng gần đây, lượng cà phê xuất khẩu có chiều hướng sụt giảm.
Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 5/2024, nước ta xuất khẩu khoảng 833 nghìn tấn cà phê, thu về 2,9 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê xuất khẩu giảm 3,9%, nhưng giá trị tăng mạnh 44,1% do giá cà phê tăng và neo ở mức cao.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê Arabica của Brazil niên vụ 2023-2024 sẽ tăng 12,8% so với niên vụ trước, đạt 44,9 triệu bao nhờ năng suất cao hơn và diện tích trồng tăng. Sản lượng cà phê Arabica của Colombia dự kiến cũng tăng 7,5%, đạt 11,5 triệu bao... Trong khi dự báo sản lượng cà phê Robusta toàn cầu giảm 3,3%, còn 74,1 triệu bao.
Nhà kinh doanh cà phê Volcafe tính toán mức thâm hụt cà phê Robusta toàn cầu năm 2024-2025 là 4,6 triệu bao. Mức này dù thấp hơn mức đã bị thâm hụt đến 9 triệu bao niên vụ 2023-2024 nhưng là năm thứ tư liên tiếp thâm hụt cà phê Robusta.
Carsten Fritsch - một nhà phân tích hàng hóa của Commerzbank Đức - cho rằng, các xung đột địa chính trị đang gây thách thức tới thị trường cà phê, nhất là với cà phê Robusta vì nguồn cung chủ yếu từ khu vực Đông Nam Á. Do đó, giá cà phê Robusta có thể tăng đột ngột.
Hiện các quỹ đầu cơ gia tăng vị thế mua ròng, với dự báo nguồn cung Robusta từ Việt Nam tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới. Điều này thúc đẩy giá cà phê nội địa Việt Nam đi lên, khi nhu cầu của các nhà rang xay thế giới với Robusta vẫn rất cao.
Hải Dương (t/h)