Lần 1 là từ ngày 12/6/2017 đến ngày 14/7 năm 2017. Lần 2 là từ ngày 20/7 đến ngày 9/8/2017 (gia hạn thêm 15 ngày). Lần 3 từ ngày 23/8 đến ngày 22/9/2017 (gia hạn thêm 30 ngày).

Tuy nhiên, các lần tổ chức bán đấu giá trên đã không thành công do không có nhà đầu tư tham gia đấu giá.

Để xử lý những tồn tại hiện nay của Nhà máy Bột giấy Phương Nam, ngày 11/11/2017, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 12067/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, yêu cầu “Bộ Công thương chỉ đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam tiếp tục bán đấu giá và xử lý tài sản đấu giá không thành công của Dự án theo quy định của pháp luật hiện hành”.

Nhà máy Bột giấy Phương Nam: Sau ba lần đấu giá, thanh lý vẫn không có ai mua - Hình 1

Nhà máy Bột giấy Phương Nam

Vướng mắc lớn nhất hiện nay của Dự án là chưa có văn bản pháp lý nào của Nhà nước hướng dẫn việc điều chỉnh khởi điểm để tiếp tục bán đấu giá trong trường hợp bán đấu giá lần đầu không thành.

Trong lần đầu giá đầu tiên của Nhà máy, giá khởi điểm được đưa ra là 1.885,412 tỷ đồng.

Tháng 2/2018, Bộ Công thương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù tương tự cơ chế tại Nghị định 61/2017/NĐ-CP của Chính phủ trong việc bán đấu giá tài sản dự án.

Theo đó, khi đấu giá không thành công, cho phép giảm giá khởi điểm 10% để tiếp tục tổ chức đấu giá, số lần giảm tối đa không quá 2 lần.

Trường hợp sau 2 lần giảm giá mà việc tổ chức bán đấu giá vẫn không thành công, đề nghị cho phép Tổng công ty tổ chức định giá từng phần của Dự án để tiếp tục tổ chức bán đấu giá dự án, báo cáo Chính phủ.

Hiện mức giá mà Tổng công ty Giấy Việt Nam đề nghị đấu vẫn là 1.855,412 tỷ đồng. Bộ Công Thương cũng hy vọng sẽ hoàn thành việc đấu giá dự án này trong năm 2018.

Tính đến nay, Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã bước sang năm thứ 14 kể từ khi được duyệt dự án, nhưng vẫn chưa hoàn thành. Do đây là một trong những dự án vay vốn nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và có khó khăn tài chính, nên nằm đắp chiếu, không trả được nợ các kỳ, từ năm 2008 đến nay, Quỹ tích lũy đã phải tạm ứng trả nợ thay với tổng số tiền lên đến 75 triệu Erro và đã có nợ quá hạn với Quỹ.

Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi - tên giao dịch ở thời điểm đó là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6, do ông Phan Thanh Nam làm Tổng giám đốc) làm chủ đầu tư. Vào tháng 10/2003, Dự án đã được UBND tỉnh Long An phê duyệt báo cáo khả thi, với tổng mức đầu tư là 1.487 tỷ đồng, dùng công nghệ PR - C - APMP, thiết bị được chế tạo đồng bộ, mới 100% và hình thức triển khai là chìa khóa trao tay. Sau 5 năm trời Tracodi không hoàn thành được nhà máy, năm 2008, UBND tỉnh Long An chủ động chuyển nhà máy về cho SCIC (Bộ Tài chính) quản lý.

Tiếp đó, đến năm 2009 được giao về Tổng công ty Giấy Việt Nam làm chủ đầu tư dự án. Sau khi tiếp nhận dự án, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã phê duyệt tổng mức đầu tư mới của dự án là 3.409 tỷ đồng. Như vậy, tính từ khi dự án được duyệt lần đầu vào năm 2003 (1.487 tỷ đồng), tổng mức đầu tư của dự án đã tăng gấp 2,3 lần. Đối lập với sự chậm chạp của tất cả các công đoạn, thì việc tiêu tiền cho mua máy móc thiết bị của Tracodi lại rất nhanh nhẹn!

Theo kết quả kiểm toán độc lập, gói thầu mua sắm thiết bị được ký với nhà thầu Andritz đã được thực hiện đầy đủ, toàn bộ thiết bị đã được tập kết về mặt bằng nhà máy và “hầu hết vẫn còn nguyên đai, nguyên kiện, chưa được kiểm tra thực tế” và tất nhiên chưa được lắp đặt, chạy thử, nhưng Tracodi đã ký biên bản nghiệm thu và thanh toán 100% giá trị hợp đồng cho nhà thầu Andritz. Toàn bộ giá trị thanh toán đó lên tới 57,097 triệu euro.

Bảo Ngọc T/h