Coi chừng tạo tiền lệ xấu!

Ngày 23/6/2017, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc đã ký Giấy phép số 1517/GP-BTNMT (có hiệu lực kể từ ngày ký và hết hạn vào ngày 31/10/2017), chấp thuận cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm 918.533 m3 bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận). Trong đó, có 20% bùn, 80% cát, vỏ sò, cát pha, cát kết phong hóa, sét, bùn trầm tích...

Xung quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia lo ngại, sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường biển.

Nhận chìm bùn thải (Bình Thuận): Sẽ tác động xấu tới môi trường biển - Hình 1

Nhiệt điện Vĩnh Tân đang gây ra nhiều tác động ảnh hưởng đến môi trường

PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, giảng viên cao cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam cho rằng, việc nhận chìm chất thải này tồn tại nhiều vấn đề.

Theo thông lệ quốc tế, nếu nhận chìm thì chất thải phải thỏa mãn yêu cầu xây bờ be, xây khung hoặc đóng gói, bao bì chất thải phải kiểm duyệt chặt chẽ và độ sâu phải tính bằng độ cao nhất của đỉnh đổ thải, chứ không phải độ sâu của đáy biển hiện tại để tránh phân tán ra toàn bộ vùng biển xung quanh. Bên cạnh đó, làm rõ xả thải chỉ một lần hay nhiều lần và mỗi lần bao nhiêu?

Nếu chọn thời gian biển lặng để nhận chìm, phải có căn cứ như thế nào để kiểm soát, bởi sang mùa biển động, rất có thể xảy ra tác động?

“Với việc nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận - sẽ gây tác động đến môi trường như thế nào thì Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) không đề cập, mà chỉ chứng minh các vật chất đó không gây ô nhiễm là chưa đúng.

Việc này, sẽ tạo tiền lệ xấu, nếu áp dụng dễ dàng thì sắp tới tất cả khái niệm chất thải được chuyển thành chất nhận chìm, như vậy là hợp thức hóa cho mọi nguồn thải”, PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi nêu quan điểm.

TS. Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học bổ sung, về mặt kỹ thuật, hoạt động nạo vét, nhận chìm phải xem xét ở cả 3 giai đoạn.

Thứ nhất, nạo vét như thế nào, chưa thấy đề cập đến trong giấy phép; về mặt khoa học đã được chấp thuận chưa? Thứ hai, nhận chìm chỉ nói chung chung vận chuyển và xả thải bằng sà lan hình phễu, chưa thấy có phân tích, đánh giá chi tiết. Thứ ba, quan trọng là vùng nhận chìm vật liệu xả thải nằm ở độ sâu nào? Vùng biển có giá trị gì? Nếu có giá trị lớn về mặt hải dương học, tài nguyên, di sản quốc gia thì rõ ràng hoạt động nhận chìm là không ổn, vậy tại sao được cấp phép?

“Theo tôi, nếu xem xét cả 3 khía cạnh nêu trên thì giấy phép của Bộ TN&MT cấp không có giá trị gì về mặt khoa học”, TS. An nói.

Nguy cơ mất hệ sinh thái

Mới đây, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc cho biết: Khu vực đáy biển nơi xả thải chỉ có cát, không có các hệ sinh thái, sinh vật biển sinh sản, cũng như các loại san hô hay cỏ biển.

Nếu có thì Bộ không bao giờ cấp phép. Bên cạnh đó, hoạt động nhận chìm đã có ĐTM, được Hội đồng thẩm định thông qua, nếu có sự cố sẽ dừng ngay.

Trước phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc, TS. An cho rằng: Bộ TN&MT cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển, cũng giống như việc giao thông trên đường. Nếu thấy nguy cơ mất an toàn, nhưng không cho xe dừng lại mà đợi đến khi tai nạn xảy ra mới dừng lại thì đã chậm rồi. Vậy, tại sao không xem xét thật kỹ rồi mới tiến hành?

Mặt khác, giải thích của Thứ trưởng Ngọc không khoa học, bởi vùng biển Bình Thuận không những là vùng nước trồi độc nhất vô nhị, mà còn là ngư trường gần bờ lớn nhất của Việt Nam. Điều này có nghĩa, đây là vùng biển rất quan trọng và có nhiều giá trị về tự nhiên cần phải được bảo tồn.

“Là khu vực động lực nước trồi (mạnh nhất là từ tháng 6 – 9) nên luôn luôn xáo trộn. Việc nhận chìm được thực hiện vào thời điểm có động lực mạnh nhất là hoàn toàn không ổn. Tôi khẳng định, về mặt khoa học, việc cấp phép không có cơ sở nào. Trước đây, người dân khai thác thủy sản tầng đáy bằng cào công suất lớn, nhưng hoạt động này bị cấm vì gây xáo trộn hệ sinh thái tầng đáy.

Bây giờ, vì cấp phép xả thải lại nói “tầng đáy chỉ có cát” là điều hết sức vô lý. Không chỉ vậy, việc doanh nghiệp chỉ ra dùng lưới để ngăn phát tán bùn, thật sự không tưởng tượng được gần 1 triệu m3 dưới đáy biển, trên diện tích 30 ha thì ngăn lọc kiểu gì?”, TS. An bức xúc.

Theo PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi: Vùng biển Nam Trung Bộ rất có giá trị cả về mặt sinh thái và kinh tế; có khu bảo tồn biển Hòn Cau tuy bé nhưng tác động lan tỏa, hiệu ứng phát tán nguồn lợi và dinh dưỡng ra bên ngoài vùng biển không hề nhỏ. Vấn đề đáng lo hơn chính là hoạt động nhận chìm - sẽ tạo tiền lệ cho các nhà máy Vĩnh Tân 2; 3… và hàng loạt “Vĩnh Tân” ở những nơi khác.

“Bất kỳ loại chất thải nào đổ ra biển, dù ô nhiễm hay không cũng sẽ làm mất vĩnh viễn hệ sinh thái nền đáy. Việc nhận chìm này cần được xem xét kỹ. Về mặt khoa học, biển đang bị đầu độc, hậu quả đã thấy rõ, nguồn thủy hải sản đã bị suy giảm mạnh, chúng ta không nên đầu độc thêm nữa”, PGS. TS. Chu Hồi khẳng định.

PGS. TS. Trần Văn Quang, Trưởng Khoa Môi trường (Đại học Bách khoa Đà Nẵng) nhấn mạnh tới yếu tố dòng hải lưu và việc nạo vét trầm tích tại khu vực biển Tuy Phong, sẽ gây mất cân bằng sinh thái. Về nguyên tắc, phải phân tích cụ thể lớp trầm tích được nạo vét lên?

Liệu rằng, trong báo cáo môi trường của phía Điện lực Vĩnh Tân 1 đã đề cập đến việc này chưa? Nếu không thì làm… liều, làm ẩu giống như vụ Formosa, hậu quả không thể lường hết được!

TS. Nguyễn Thành Sơn, nguyên Giám đốc Ban quản lý Các dự án than đồng bằng sông Hồng (thuộc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam) nhận định, nếu muốn đổ chất thải trong quá trình nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dụng phục vụ cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 thì cần phải xây đường kè ở bên ngoài chặn lại, sau đó mới xả thải ở trong.

“Đối với các chất thải rắn không độc hại, ảnh hưởng của nó chỉ là bồi lấp, chiếm đất. Thế nhưng, đối với dạng lọc dầu hoặc như Formosa thì liên quan đến hóa học và đi kèm theo có chất thải lỏng nguy hiểm. Nếu cho phép doanh nghiệp thải chất rắn, họ cũng sẵn sàng thải cả chất lỏng ra ngoài.

Chất lỏng, chất rắn có thể hòa với nhau, đưa ra biển, quy trình hiện tại, không kiểm soát được, sẽ dẫn tới thảm họa...”, TS. Sơn cảnh báo.

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo: “Với khu nhiệt điện Vĩnh Tân, tôi đã xem qua Báo cáo dự án nhận chìm ở biển. Quan điểm của tôi đã phát triển là phải có tác động đến môi trường nhưng vấn đề là phải quản lý thế nào để tác hại nằm trong giới hạn cho phép và khả năng tự phục hồi.

Hoan Nguyễn