Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 có công suất 1.200MW, số giờ vận hành cực đại là 6.500 giờ/năm, điện năng sản xuất 7.800 GWh/năm và điện năng thương phẩm 7.301 GWh/năm
Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 có công suất 1.200MW, số giờ vận hành cực đại là 6.500 giờ/năm, điện năng sản xuất 7.800 GWh/năm và điện năng thương phẩm 7.301 GWh/năm.

Dự án sử dụng công nghệ siêu tới hạn đầu tiên của tổng thầu Việt

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 được đầu tư xây dựng tại ấp Phú Xuân, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Dự án do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Sông Hậu 1 (Ban QLDA) làm đại diện chủ đầu tư, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) làm tổng thầu EPC.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 nằm trong Quy hoạch chung của Trung tâm Điện lực sông Hậu được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 6722/QĐ-BCT ngày 23/12/2008 và quy hoạch đấu nối các truyền tải điện lực vào hệ thống điện quốc gia tại Quyết định số 6949/QĐ-BCT ngày 30/12/2010. Đây là dự án trọng điểm trong Quy hoạch điện VII, áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù theo Quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ và có ý nghĩa quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng.

Dự án có công suất 1.200 MW, số giờ vận hành cực đại - Tmax là 6.500 giờ/năm, điện năng sản xuất 7.800 GWh/năm và điện năng thương phẩm 7.301 GWh/năm. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 43.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 2 tỷ USD.

Dự án nằm trong hệ thống truyền tải điện lưới Sông Hậu, là công trình cấp 1, được lắp đặt theo công nghệ lò hơi kiểu lò than phun thông số siêu tới hạn, trực lưu, đốt trực tiếp, quá nhiệt trung gian 1 lần.

Đây là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam sử dụng công nghệ vòi đốt giảm phát thải khí NOx, tua bin kiểu tua bin ngưng hơi truyền thống, quá nhiệt trung gian 1 cấp, trích hơi gia nhiệt nước cấp, thông số hơi đầu vào siêu tới hạn.

Đáng chú ý, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 sử dụng công nghệ hiện đại nên dù sản xuất điện than nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các chỉ tiêu về môi trường.

Vượt đại dịch, hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ

Khi bắt đầu khởi công từ tháng 05/2015, khu vực xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu chỉ là một vùng đất sình lầy rộng 150 ha, phủ kín lau sậy và sú vẹt. Nhưng với bàn tay của những người thợ lắp máy LILAMA, vùng đất sình lầy ngày xưa đã mọc lên một trong những nhà máy nhiệt điện hiện đại nhất Việt Nam, với những giàn thép cao hàng chục mét vươn lên trời xanh.

Ngày 12/05/2022, dự án đã tiến hành phát điện thương mại và dự kiến mỗi năm đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng cho ngân sách. Ngày 16/07/2022, chủ đầu tư PVN đã tổ chức khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 sau hơn 07 năm thi công.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, nhưng với tinh thần chủ động sẵn sàng ứng phó, chủ đầu tư PVN và tổng thầu EPC LILAMA vẫn đề ra hàng loạt giải pháp để hoàn thành dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 đúng tiến độ, tiết kiệm hơn 500 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt.

Có thể nói, dự án này đã đánh dấu sự trưởng thành về cả bàn tay lẫn khối óc của kỹ sư và công nhân LILAMA trong việc thi công các dự án nhiệt điện.

Kỹ sư Vũ Trọng Thiết - Giám đốc Ban dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 cho biết: Các chi tiết như lò hơi, tua bin, cảng, vận chuyển nhiên liệu… là những hạng mục khó nhất của nhà máy nhiệt điện vì tập trung nhiều thiết bị quan trọng, thi công khó và cần nhiều thời gian. Ngoài hệ thống cọc móng khổng lồ, việc lắp đặt thành công kết cấu thép lò hơi và giàn ống sinh hơi trọng lượng hơn 10 nghìn tấn là minh chứng sinh động nhất thể hiện khả năng làm chủ công nghệ của thợ lắp máy Việt Nam. Với thiết bị tua bin máy phát nặng hơn 1.000 tấn, người thợ máy đã phải tính toán sử dụng hệ thống kích rút thủy lực để nâng hạ cấu kiện nặng vào vị trí móng cao 18 m bảo đảm tuyệt đối chính xác.

Không những thế, dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 còn ghi nhận khối lượng công việc khổng lồ được hoàn thành đúng tiến độ. Trong thời gian bùng nổ đại dịch Covid-19, đội ngũ kỹ sư và công nhân của LILAMA vẫn cố gắng bám trụ công trường để lao động nhằm hoàn thành công việc đúng tiến độ, nhưng vẫn tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch với phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Tổng giám đốc LILAMA Lê Văn Tuấn cho biết: Từ khi khởi công nhà máy đến nay, LILAMA và các nhà thầu đã lắp đặt khoảng 100 nghìn tấn thiết bị, hơn 270.000 m3 bê tông cốt thép với 25 triệu giờ vận hành, thi công an toàn. Tất cả các hạng mục đều đáp ứng đầy đủ tiêu chí kỹ thuật và thông số bảo đảm theo đúng yêu cầu của hợp đồng EPC. Trong đó, tỷ lệ nội địa hóa đạt hơn 30% đối với khâu thiết kế, chế tạo vật tư thiết bị trong nước. Một số gói thầu thậm chí đạt tỷ lệ 55% do các đơn vị trong nước sản xuất được.

Từ chỗ phải thuê tư vấn nước ngoài trong các dự án điện than đầu tiên, đến nay LILAMA đã hoàn toàn làm chủ công nghệ để hoàn thành các gói thầu lớn. Đây là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của các nhà thầu trong nước, tiêu biểu là LILAMA.

Nhà thầu trong nước đủ sức thực hiện các dự án lớn

Chia sẻ trong lễ khánh thành nhiệt điện Sông Hậu 1, Tổng giám đốc LILAMA Lê Văn Tuấn cho biết: Trong những năm qua, LILAMA đã khẳng định được vai trò là tổng thầu EPC các dự án nhiệt điện lớn trong nước như nhiệt điện Uông Bí mở rộng, Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 1 và 2, Vũng Áng 1... và mới nhất là nhiệt điện Sông Hậu 1. Những thành tích này đã khẳng định năng lực của các nhà thầu trong nước đối với các dự án nhiệt điện lớn.

Việc hoàn thành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 một lần nữa chứng minh đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc phát huy tối đa nội lực để phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khánh thành nhiệt điện Sông Hậu 1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá: Dự án được thực hiện hoàn toàn bởi tổng thầu EPC của Việt Nam. Điều này đã cho thấy sự trưởng thành của các doanh nghiệp trong nước để góp phần vào công cuộc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Thành công của dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 càng chứng minh sự đúng đắn của Chính phủ khi kiên định xây dựng một nền công nghiệp tự chủ như công nghiệp năng lượng, vật liệu…, trong đó có làm chủ về công nghiệp sản xuất trang thiết bị về năng lượng.

Với sự trưởng thành của những công ty và tập đoàn lớn ở trong nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các chủ đầu tư mạnh dạn giao các dự án lớn cho các nhà thầu của nước nhà để hoàn toàn tự chủ và tiết kiệm.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, dù có thể đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự tổ chức, quản lý tốt của Nhà nước, kèm theo các quy định rõ ràng, các nhà thầu trong nước vẫn có thể hoàn thành các dự án lớn đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.

Hữu Mạnh