Sự chuyển hướng đúng, kịp thời chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 đã góp phần giữ ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, củng cố khả năng phục hồi của nền kinh tế. Tính chung cả năm 2021, dù tăng trưởng kinh tế (GDP) chỉ tăng 2,58% - không đạt mục tiêu đề ra - nhưng số liệu GDP qua các quý là minh chứng rõ nhất cho thấy sự đúng đắn và kết quả của sự nỗ lực phòng chống dịch của cả hệ thống chính trị, nhất là trong việc chuyển hướng chiến lược ứng phó với dịch Covid-19 của Chính phủ.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng đầu tiên của năm 2022 ghi nhận nhiều điểm khởi sắc, tích cực. Trong đó, tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật; Chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025… Đây là những quyết sách có ý nghĩa lớn trong tháo gỡ các vướng mắc đầu tư, sản xuất kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Xuất khẩu nông sản, yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế năm 2022. Ảnh minh họa internet
Xuất khẩu nông sản, yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế năm 2022. Ảnh minh họa internet.

Trong tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường cao nhất từ trước đến nay, lần lượt tăng 28,9% và 194% so với cùng kỳ năm 2021, thể hiện kỳ vọng và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế và những giải pháp hỗ trợ được ban hành. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cũng tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 2,8%. Hoạt động dịch vụ tăng cao; lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá do thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế và khôi phục một số đường bay. Sức cầu của nền kinh tế đang tăng trở lại, nhất là thời gian cận Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được giữ vững. Ngân sách Nhà nước đáp ứng các nhiệm vụ chi, nhất là chi phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng chính sách.

Tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo không đồng đều, chưa vững chắc và có thể thấp hơn năm 2021; rủi ro bất ổn thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Rủi ro địa chính trị và thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế. Sức ép giá cả, lạm phát ở mức cao, một số nước bắt đầu thu hẹp các gói hỗ trợ, tăng lãi suất - đây là vấn đề Việt Nam chúng ta cần hết sức lưu tâm.

Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của doanh nghiệp và người dân giảm sút. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó lường… Trong bối cảnh đó, đòi hỏi các cấp, các ngành phải tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn trong năm 2022.

Ngày 08/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022. Trong đó để phát huy được hiệu quả của các động lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, chúng tôi xác định 05 nhóm giải pháp trọng tâm cần triển khai: Tiếp tục vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung thực hiện hai Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế để tháo gỡ ngay các điểm nghẽn trong phòng, chống dịch bệnh, các quy định cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh;

Việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường huy động nguồn lực, thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội, nhất là đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xúc tiến, thu hút nguồn vốn FDI có chọn lọc cần được thực hiện bài bản. Duy trì, tạo điều kiện thích ứng và phục hồi, phát triển các ngành nghề du lịch, dịch vụ, hỗ trợ khu vực dịch vụ phù hợp với từng bước mở cửa và phục hồi nền kinh tế; Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, làm cơ sở và dư địa cho việc triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.

Q.N (t/h)