Nguyên vật liệu tăng cao

Năm 2022 vừa qua, nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng chịu tác động của việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu do COVID-19 và giá nguyên liệu, chi phí logistic tăng. Do đó, ảnh hưởng trực tiếp hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông lâm thủy sản, trong đó có sản phẩm chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Năm 2022, ngành chăn nuôi chịu tác động đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu do COVID-19 và giá nguyên liệu, chi phí logistic tăng.…
Năm 2022, ngành chăn nuôi chịu tác động đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu do COVID-19 và giá nguyên liệu, chi phí logistic tăng...

Theo lãnh đạo Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thì, năm 2022, ngành chăn nuôi phải đối mặt với không ít khó khăn khi nguồn thức ăn và con giống phụ thuộc vào nhập khẩu, chưa kể những hạn chế trong hoạt động giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi cũng như việc kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong ngành chăn nuôi vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định thị trường. Dự báo giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới còn tiếp tục tăng do giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới tăng cao, khiến người chăn nuôi càng thêm lo lắng.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, tuy ngành nông nghiệp nói chung năm qua gặp nhiều khó khăn nhưng, riêng ngành chăn nuôi lại có những kết quả đáng ghi nhận, kết quả này khẳng định vai trò của ngành chăn nuôi trong nông nghiệp. Đồng thời, có được những kết quả này thể hiện rõ vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp, vai trò của khoa học và vai trò của bà con nông dân.

Tính đến tháng 12/2022, tổng đàn lợn đạt khoảng 28,6 triệu con; đàn gia cầm khoảng 531 triệu con; đàn bò khoảng 6,53 triệu con (riêng đàn bò sữa 335 nghìn con). Sản lượng thịt hơi các loại khoảng 7,05 triệu tấn, tăng 4,8%; sản lượng sữa tươi gần 1,28 triệu tấn, tăng 10,2%; sản lượng trứng trên 18,3 tỷ quả (tăng 4,4%),…

Để tạo đà cho ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, cùng với việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ngành chăn nuôi cần tập trung giải quyết vấn đề về giống, nguồn thức ăn và cải thiện môi trường chăn nuôi.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, các địa phương cần tạo cơ chế, chính sách để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, các địa phương cần tạo cơ chế, chính sách để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi.

Các địa phương cần tạo cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi, đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Cùng với đó, cần áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển bền vững và có nhiều sản phẩm thịt chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Bộ đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi phối hợp với các địa phương tổ chức sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, bảo đảm an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, trong đó, chú trọng xây dựng, phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị sản phẩm; lấy doanh nghiệp làm yếu tố chủ đạo, hợp tác xã và tổ hợp tác là yếu tố kết nối nông dân.

Doanh nghiệp lớn “chìm” trong thua lỗ

Mặc dù trong năm 2022, ngành chăn nuôi được đánh giá có nhiều kết quả khả quan nhưng nhiều doanh nghiệp chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi lớn như: Dabaco, Masan và BaF lại “chìm” vào thua lỗ.

Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Dabaco), doanh thu quý IV/2022 đã ghi nhận lỗ hơn 79,1 tỷ đồng, nguyên nhân là do chi phí vốn tăng so với cùng kỳ năm 2021. Nhìn chung DBC đã tiết giảm được nhiều chi phí trong khâu bán hàng nhưng thực tế doanh thu đã sụt giảm, tình hình xấu đi bắt đầu từ quý III/2022.

Lượng hàng tồn kho của DBC đã tăng dần qua mỗi quý, tính đến quý IV đã tăng hơn 500 tỷ đồng so với đầu năm 2022. Các khoản phải thu của khách hàng cũng tăng, điều này cho thấy sức tiêu thụ của thị trường đã “chững” lại, nhiều chuỗi tiêu thụ có thể đã “đứt gẫy”.

Khấu trừ chi phí, DBC ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 79 tỷ đồng trong khi quý IV/2021 lãi gần 112 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên Dabaco báo lỗ kể từ quý II/2017.
Khấu trừ chi phí, DBC ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 79 tỷ đồng trong khi quý IV/2021 lãi gần 112 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên Dabaco báo lỗ kể từ quý II/2017. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2022 của Dabaco)

Báo cáo tài chính quý IV/2022 của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam ghi nhận 2.930 tỷ đồng tổng doanh thu, giảm 4% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp của công ty co hẹp từ 12% xuống còn 5%, dẫn đến lãi gộp lùi về gần 150 tỷ đồng, giảm 59%.

Dabaco đã thực hiện cắt giảm nhiều chi phí hoạt động như chi phí tài chính giảm 3,1% còn 49,2 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm 23,1% còn 89,7 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 7,1% còn 70,9 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2022, tổng doanh thu của Dabaco đạt 12.269 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 150,1 tỷ đồng, lần lượt tăng 13,5% và giảm gần 82% so với cùng kỳ 2021.

Năm 2022, công ty lên mục tiêu tổng doanh thu 22.558 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 918 tỷ đồng. Như vậy, Dabaco mới đạt 54% chỉ tiêu doanh thu, 16% kế hoạch lợi nhuận năm.

Theo DBC, năm 2022 tình hình kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng địa chính trị tại một số nước trên thế giới, ngành thức ăn chăn nuôi nói chung cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ do chi phí đầu vào, giá nguyên, nhiên, vật liệu và chi phí vận chuyển, logistic tăng cao. Ngành chăn nuôi vẫn còn khó khăn, do dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc chăn nuôi và nuôi tái đàn, doanh thu và lợi nhuận của các đơn vị chăn nuôi cũng giảm so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 của Dabaco giảm 60% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân được Dabaco lý giải là đối mặt với dịch bệnh phức tạp trên đàn gia súc gia cầm, giá nguyên liệu đầu vào và tỷ giá ngoại tệ tăng,…
Lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 của Dabaco giảm 60% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân được Dabaco lý giải là đối mặt với dịch bệnh phức tạp trên đàn gia súc gia cầm, giá nguyên liệu đầu vào và tỷ giá ngoại tệ tăng,… (Nguồn: BCTC Công ty mẹ quý IV/2022)

Năm 2022 cũng là năm thứ ba lợi nhuận Dabaco sụt giảm mạnh, sau khi đạt đỉnh cao hồi năm 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận DBC không chỉ mảng chăn nuôi, mà còn bao gồm lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất giống, dầu thực vật…. Đặc biệt, 2020 lợi nhuận tăng mạnh nhờ dự án mới của Công ty là nhà máy dầu thực vật, chế biến trứng ăn liền Devi.

Một cái tên đáng chú ý khác là Meat Deli (thương thiệu của Masan MeatLife - Công ty cổ phần Masan MeatLife, MCK: MML) ra mắt thị trường vào cuối năm 2019. Sau 3 năm ra mắt, sản phẩm Meat Deli đã có mặt rộng rãi trên hệ thống siêu thị Winmart và chiếm khoảng 2-3% thị phần.

Tình hình hoạt động của Công ty cổ phần Masan MeatLife (MML) cũng không nằm ngoài xu hướng chung của ngành chăn nuôi. Trong quý IV/2022, doanh thu bán hàng của MML đạt hơn 1.580 tỷ đồng, giảm 2.173 tỷ đồng (gần 60%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo lý giải của MML kể từ năm 2021 do không còn doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi nên đã dẫn đến lợi nhuận giảm 229 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra doanh thu từ hoạt động tài chính sau tái cấu trúc của MML cũng giảm 1.354 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu từ việc ngừng hợp nhất các công ty con do giao dịch hoán đổi cổ phần trong MNS Feed.

Doanh thu quý IV/2022 của Công ty Cổ phần Masan MeatLife.
Doanh thu quý IV/2022 của Công ty Cổ phần Masan MeatLife. (Nguồn: BCTC quý 4/2022 củaMML).

Kết thúc quý các khoản nợ phải trả của MML tăng nhanh so với đầu năm 2022, tổng dư nợ hơn 7.700 tỷ đồng (tăng hơn 26% so với đầu năm), trong đó có gần 3.100 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, và 4.600 tỷ đồng nợ dài hạn. Trong đó vay, trái phiếu và nợ thuê tài chính dài hạn hơn 3.479 tỷ đồng tăng so với quý I là 3.242 tỷ đồng. Tổng nợ/vốn chủ sở hữu của MML cũng tăng mạnh từ mức 1,06 lần lên 1,37 lần. Riêng chi phí lãi vay, hiện trung bình mỗi ngày MML phải khoảng 1,1 tỷ đồng. 

Mới đây, Masan cũng công bố kế hoạch phát hành trái phiếu ra công chúng để huy động 4.000 tỷ đồng. Các trái phiếu này không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không bảo đảm. Dự kiến sẽ có hai đợt phát hành vào quý I và quý II/2023. Thời hạn tối đa của trái phiếu là 60 tháng kể từ ngày phát hành, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, lãi suất khoảng hơn 10%/năm.

Bên cạnh MML, còn có một cái tên doanh nghiệp trong nước mới nổi khác ở lĩnh vực này là BAF (CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam). Ra mắt sản phẩm từ năm 2021, đến nay thịt thương hiệu của BAF đã có mặt tại 50 cửa hàng Siba Food và 250 cửa hàng Meat Shop. Hiện, BAF có quy mô đàn lợn hơn 200.000 con (bao gồm lợn thịt và lợn giống), hai nhà máy thức ăn chăn nuôi và 15 trang trại rộng khắp khu vực phía Nam. Kết thúc quý IV/2022, lợi nhuận sau thuế của BAF cũng sụt giảm mạnh chỉ còn 6,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu giảm, chi phí vốn tăng cao được xem là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm doanh thu của BAF. Ngoài ra chi phí quản lý bán hàng, quản lý doanh nghiệp của BAF đã “đội” lên so với cùng kỳ, tăng trung bình gấp 3 lần so với năm 2021. Nợ ngắn hạn  (2.468 tỷ) “tiệm cận” tài sản ngắn hạn (2.836 tỷ), trong khi đó các khoản vay dài hàn tăng thêm hơn 500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Kết thúc quý IV/2022, lợi nhuận sau thuế của BAF cũng sụt giảm mạnh chỉ còn 6,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước
Kết thúc quý IV/2022, lợi nhuận sau thuế của BAF cũng sụt giảm mạnh chỉ còn 6,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2022 của BAF.

Tháng 08/2022 Hội đồng quản trị BAF đã thông qua đợt đăng ký chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, hợp đồng phát hành với Công ty CP chứng khoán Eurocapital. Theo BAF toàn bộ 143.520.000 cổ phiếu lưu hành trong thời điểm chuyển đổi có giá 23.000/cp, toàn bộ nguồn vốn sẽ được bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh của Công ty và công ty con, công ty liên kết; thanh toán cho các khoản chi phí các bên liên quan bao gồm chi phí dịch vụ tư vấn và đại lý phát hành, lưu ký, chi phí kiểm toán và các chi phí liên quan.

Minh An – Lê Pháp