Đại dịch COVID-19 đã khiến kinh tế toàn cầu lâm vào tình trạng đình trệ,xuất hiện cuộc khủng hoảng chưa từng thấy kể từ sau cuộc Đại suy thoái (Ảnh: NYT).
Khi kinh tế đình trệ, thị trường chứng khoán toàn cầu nhanh chóng lao dốc và chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones Industrial Average đã bị giảm 18% kể từ cuối tháng 2, cho dù gần đây đã có sự phục hồi. Trong quá trình này, giá trị của nhiều công ty ưu tú đã bị thu hẹp, giá trị thị trường đã bị bốc hơi hàng nghìn tỷ USD.
Kể từ giữa tháng 2, giá trị thị trường của Boeing, một công ty sản xuất máy bay toàn cầu và Airbus của Pháp, đã giảm gần 60%. Từ tháng 1 năm nay, giá cổ phiếu của tập đoàn dầu khí ENI Group của Italy và công ty khai thác khoáng sản lớn nhất của Australia BHP Group đã giảm tới 40%, thậm chí nhiều hơn. Nhiều công ty bị vướng vào tình trạng khốn khó về dòng vốn hoặc đang nếm trải khó khăn trong cảnh nợ nần.
Tờ South China Morning Post của Hồng Kông ngày 5/5 đưa tin, với việc giá trị tài sản của các công ty hàng không và năng lượng giảm; từ Mỹ, Ấn Độ đến Australia, các chính phủ trên thế giới đang thiết lập các rào cản để ngăn chặn việc các nước ngoài (đặc biệt là Trung Quốc) tung tiền thu mua các tài sản chiến lược quan trọng bị mất giá trong đại dịch.
Các chính phủ trên thế giới lo lắng rằng các công ty đang lâm vào tình trạng suy giảm giá trị và dòng tiền cạn kiệt có thể trở thành mục tiêu mua lại của các đối thủ như Trung Quốc. Họ đã đưa ra một cảnh báo cần phải ngăn chặn các ngành công nghiệp then chốt rơi vào tay đối thủ của họ và đã có hành động để bảo vệ các công ty có giá cổ phiếu bị ảnh hưởng nặng nề khỏi bị bán tháo với giá thấp.
Trong vài tuần qua, một số quốc gia đã đưa ra các biện pháp bảo vệ mới, tăng cường rà soát đầu tư nước ngoài và thậm chí đang xem xét liệu có nên đầu tư mua cổ phần một số công ty có ý nghĩa chiến lược hay không.
Theo Financial Times của Anh, Chuyên viên về cạnh tranh của EU Margrethe Vestager hồi tháng trước lên tiếng cho rằng các nước châu Âu nên xem xét việc mua cổ phần của một số công ty để tránh mối đe dọa từ việc Trung Quốc thu mua.
Vào ngày 25/3, Hội đồng Châu Âu (European Commission) đã ban hành hướng dẫn đầu tư nước ngoài mới, yêu cầu các quốc gia thành viên bảo vệ tài sản, đặc biệt là trong các lĩnh vực y tế, nghiên cứu điều trị, công nghệ sinh học và cơ sở hạ tầng. Các quy định mới yêu cầu các quốc gia thành viên hiện thiếu đánh giá đầu tư, như Hy Lạp và Bỉ thiết lập các cơ chế thẩm tra.
Ủy viên EU Phil Hogan nói: “Ngày nay, hơn bao giờ hết, cần có các công cụ sàng lọc phù hợp để cân bằng mức độ mở cửa của EU đối với đầu tư nước ngoài”.
Rod Hunter, Cố vấn đầu tư nước ngoài của Văn phòng luật Baker McKenzie có trụ sở tại Washington cho biết các chính phủ châu Âu không muốn người khác lợi dụng sự bất ổn của thị trường để chen vào.
Ông Rod Hunter, người từng làm việc trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói rằng đại dịch COVID-19 đã phơi bày một số khâu yếu trong nền kinh tế toàn cầu. Các nước trên thế giới lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt dược phẩm hoạt tính và phụ thuộc Châu Âu cho về mặt thiết bị y tế.
Ông chỉ ra rằng: “Việc nhận ra những điểm yếu này sẽ ảnh hưởng đến cách các chính phủ nhìn nhận đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư của Trung Quốc ở tất cả các khu vực”.
Đại dịch COVID-19 cũng nhắc nhở các nhà lãnh đạo chính phủ trên thế giới rằng các quốc gia của họ phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về các sản phẩm đơn giản nhưng rất quan trọng như khẩu trang và dược phẩm; nền kinh tế của họ bị kết dính quá chặt với Trung Quốc trong nhiều loại chuỗi cung ứng khác nhau.
Các chính phủ khác cũng đối mặt với cùng một vấn đề như thế, bắt đầu bắt chước Liên minh châu Âu. Vài ngày sau đó, chính phủ Australia yêu cầu tất cả các đề nghị mua lại của nước ngoài đều phải qua thầm tra xem xét, bãi bỏ ngưỡng giá trị đồng đô la và trình tự xem xét ban đầu được kéo dài từ 30 ngày thành tối đa là 6 tháng.
Ngày 17/4, Ấn Độ sửa đổi quy tắc đầu tư nước ngoài, bao gồm tất cả các quốc gia tiếp giáp với Ấn Độ.
Về vấn đề này, nhóm nghiên cứu của Brookings Institution đã báo cáo “động thái này rõ ràng nhằm vào Trung Quốc”. Báo cáo viết: “Cách tiếp cận của Bắc Kinh đã làm trầm trọng thêm các mối lo lắng chiến lược và kinh tế hiện có; trong đó có sự phụ thuộc quá mức Trung Quốc về công nghiệp. Do cuộc khủng hoảng này, nâng cao sản lượng trong nước hoặc đa dạng hóa các lựa chọn của Ấn Độ có thể sẽ được tăng cường”.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ellen Lord cảnh báo về việc các cơ sở công nghiệp quốc phòng bị dòng vốn của Trung Quốc tấn công
Reuters đưa tin, chính phủ Trung Quốc năm nay đang chuẩn bị một kế hoạch mới gọi là “China Standards 2035” (Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035) nhằm mục đích thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu để sản xuất, phân phối và sử dụng các công nghệ thế hệ mới như viễn thông và trí tuệ nhân tạo.
Vào tháng 3 năm nay, bà Ellen Lord, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách giám sát đầu tư nước ngoài, đã cảnh báo: “Chúng ta phải nhận ra rằng trong cuộc khủng hoảng này, (cơ sở công nghiệp quốc phòng) rất dễ bị tấn công bởi tư bản thù địch, điều này vô cùng quan trọng”. Tuy Ellen Lord không nói rõ tên, nhưng giới bình luận cho rằng bà muốn cảnh báo về nguy cơ đến từ dòng vốn của Trung Quốc./.
PV(t/h)