Thông tin trên vừa được Kiểm toán Nhà nước đưa ra vào ngày 26/09, về kết quả kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (Quỹ) giai đoạn 2020 - 2022 tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và thành phố Hải Phòng.

Theo đó, từ khi thành lập Quỹ đến ngày 31/03/2023, các địa phương này đã phê duyệt phương án thu tiền trồng rừng thay thế để chuyển đổi 5.470,01 ha rừng (rừng tự nhiên 170,09 ha, rừng trồng 5.299,92 ha) sang mục đích khác, diện tích rừng phải trồng thay thế là 5.607,54 ha, diện tích rừng đã trồng thay thế 3.341,64 ha, mới bằng 60% so với diện tích phải trồng; diện tích còn phải trồng rừng thay thế ở Quảng Ninh là 2.065,69 ha; Hải Dương 28,05 ha; Bắc Giang 128,12 ha; Hải Phòng 52,21 ha.

Ảnh minh họa.
Trồng rừng ở Bắc Giang. Ảnh internet.

Qua công tác kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước xác nhận: Tỉnh Hải Dương đã quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê toàn bộ diện tích đất rừng, bao gồm cả diện tích đất rừng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế với 02 dự án. Hai tỉnh Hải Dương, Bắc Giang chưa ban hành Quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 40 dự án đã nộp tiền trồng rừng thay thế (Hải Dương 05 dự án, Bắc Giang 35 dự án) theo quy định.

Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương thực hiện chuyển loại rừng đặc dụng với 3,9624 ha sang loại rừng sản xuất trước khi chuyển mục đích sử dụng 3,9624 ha rừng sản xuất sang mục đích khác (thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với quốc lộ 37 thành phố Chí Linh). Đến thời điểm kết thúc kiểm toán, địa phương chưa thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng diện tích rừng đặc dụng 3,9624 ha do đã chuyển loại rừng đặc dụng thành rừng sản xuất trước khi chuyển mục đích sử dụng rừng như nêu trên.

UBND tỉnh Bắc Giang trình, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác cho Công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Á Cường khai thác khoáng sản (quặng vàng gốc) đối với diện tích rừng 2,5 ha để khai thác khoáng sản thuộc khu vực cấm khai thác khoáng sản trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.

Tại báo cáo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, tỉnh Bắc Giang và thành phố Hải Phòng, khi quyết định phương án chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế, địa phương đã không xác định rõ thuộc trường hợp UBND tỉnh bố trí đất để trồng rừng thay thế trên địa bàn theo quy định. Các địa phương đã chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế, đã thu tiền trồng rừng thay thế nhưng đến thời điểm kết thúc kiểm toán chưa giao kế hoạch trồng rừng thay thế cho toàn bộ diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng rừng, diện tích rừng trồng thay thế (Quảng Ninh 1.913,64 ha chưa giao kế hoạch; Bắc Giang 128,12 ha chưa giao kế hoạch).

Số tiền trồng rừng thay thế đã quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày chủ dự án nộp tiền nhưng địa phương không bố trí được, hoặc chưa bố trí đủ diện tích đất trồng rừng thay thế cần phải chuyển tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế tại địa phương khác theo quy định (Quảng Ninh 248.933 triệu đồng; Bắc Giang 23.249 triệu đồng; Hải Phòng 3.136 triệu đồng).

Trồng rừng ngập mặn ở Hải Phòng. Ảnh internet
Trồng rừng ngập mặn ở Hải Phòng. Ảnh internet

Ngoài ra, đơn giá trong phương án trồng rừng thay thế được phê duyệt còn tính thiếu một số hạng mục chi phí. Cụ thể, Quảng Ninh giai đoạn từ 30/08/2021 đến hết năm 2022 thiếu công cụ dụng cụ, chi phí dự phòng; Hải Dương thiếu chi phí dự phòng; Bắc Giang thiếu chi phí chung, chi phí khác, chi phí dự phòng; Hải Phòng thiếu chi phí khác, chi phí dự phòng. Tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng áp dụng văn bản không còn phù hợp để tính toán, phê duyệt đơn giá thu tiền trồng rừng thay thế.

Bên cạnh đó, có 2/4 địa phương được kiểm toán chưa thực hiện xác định ranh giới lưu vực và diện tích rừng trong lưu vực nằm trong địa giới hành chính của tỉnh để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định (tỉnh Hải Dương), chưa hoàn thành việc xây dựng bản đồ lưu vực nơi cung ứng dịch vụ môi trường rừng, chưa xác định diện tích rừng được chi trả và đối tượng được chi trả tiền cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo quy định (thành phố Hải Phòng)

Các tỉnh chưa thực hiện rà soát, xác định xem các tổ chức có thuộc đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định; chưa ký kết hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 76 về Nhiệm vụ của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh để đưa các đối tượng theo quy định vào quản lý thu (tỉnh Hải Dương); chưa rà soát, xác định đối tượng, ký hợp đồng ủy thác chi tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2020 đối với các đơn vị được ký hợp đồng bắt đầu từ năm 2021 (Quảng Ninh); Công ty Nhiệt điện Uông Bí (Quảng Ninh) chưa thống nhất ký hợp đồng ủy thác thu dịch vụ môi trường rừng, chưa đăng ký kế hoạch, chưa nộp tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng các năm 2020, 2021, 2022.

Tại tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương còn tình trạng một số đơn vị được phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế chưa nộp, chậm nộp tiền trồng rừng thay thế.

Trước tình trạng nêu trên, Kiểm toán Nhà nước đề nghị UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát để khắc phục, xử lý, xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan để xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, báo cáo Chính phủ xem xét ban hành bổ sung quy định để xử lý việc chậm nộp tiền trồng rừng thay thế của các chủ dự án khi được phép chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác và quy định tính lại đơn giá thu tiền trồng rừng thay thế tại thời điểm chủ dự án nộp tiền trồng rừng thay thế…

Minh An(T/h)