Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy, đồng thời là Tổ trưởng Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19), từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về nghiên cứu các giải pháp công nghệ phòng chống dịch Covid-19, chúng ta đã có những sản phẩm ứng dụng công nghệ AI được đánh giá là hỗ trợ đắc lực cho đội ngũ phòng, chống dịch.
Đơn cử như ứng dụng AI trong việc truy vết người tiếp xúc đã phát huy hiệu quả khi có ổ dịch hoặc ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, giúp đội ngũ y tế điều tra lịch trình, lấy thông tin dịch tễ. Ðặc biệt, khi số lượng ca lây nhiễm trong cộng đồng lớn, việc nhập liệu từ các bản khai giấy mất nhiều thời gian, dễ nhầm lẫn, công nghệ chuyển hình ảnh thành văn bản với sự hỗ trợ của AI đã giúp số hóa toàn bộ tờ khai, phiếu điều tra dịch tễ và đưa lên hệ thống. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, AI đã hiện hữu ngay trong các khu cách ly, bệnh viện với robot tự động giúp khử khuẩn, giao hàng, đưa thuốc cho người bệnh...
Hệ thống bản đồ dịch tễ, phần mềm đánh giá nguy cơ lây nhiễm cũng phát huy hiệu quả tại các địa phương có dịch. Trên bản đồ này, người dùng theo dõi được nơi người bệnh đã đến, các khu vực cách ly, khu vực bệnh viện... một cách trực quan.
Trước tình hình dịch bệnh ở Bắc Ninh, Bắc Giang phức tạp trong thời gian qua, Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 cũng sử dụng công nghệ AI để gọi điện và ghi nhận khai báo y tế của công nhân, tìm ra các trường hợp có nguy cơ phát sinh rủi ro để chỉ điểm khoanh vùng kỹ hơn.
Từ ngày 17/5, Bắc Giang kích hoạt phần mềm đánh giá nguy cơ lây nhiễm, hỗ trợ cho khu vực có nhiều doanh nghiệp và các khu công nghiệp. Hằng ngày, các doanh nghiệp truy cập vào trang web để khai báo trực tuyến các đánh giá về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại doanh nghiệp. Hệ thống sẽ tính toán nguy cơ lây nhiễm, sau đó xếp hạng hoặc khuyến cáo. Ðiều này giúp các doanh nghiệp tổng hợp, theo dõi, chỉ đạo kịp thời để bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp.
Sắp tới, AI có thể được chứng minh hiệu quả lớn hơn nữa như ứng dụng camera AI vào việc xác định các đối tượng nhập cảnh trái phép; theo dõi hoạt động giãn cách ở những nơi công cộng, trong các khu cách ly; phát hiện người không đeo khẩu trang, những nơi đông người tụ tập. Từ dữ liệu có được qua các đợt dịch bệnh, AI có thể phân tích, đưa ra những dự đoán về quy mô tiếp theo của đợt dịch, đưa ra các kịch bản theo thời gian thực, giúp cơ quan chức năng chủ động ứng phó, khoanh vùng dịch bệnh.
Mới đây, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Phạm Xuân Đà (Khoa Y, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng đã giới thiệu Giải pháp “Công nghệ IoT kết hợp trí tuệ nhân tạo AI nhằm kiểm soát đồng thời nhóm người tại khu vực cách ly, bệnh viện, khu công nghiệp, cửa khẩu, khu tập trung đông người trong phòng chống dịch Covid-19”.
Hệ thống theo dõi được thiết kế dưới dạng những cabin đặt ở nơi mọi người phải đi qua như cổng chung cư, cổng bệnh viện, cửa ra vào các cao ốc văn phòng, khu vực cách ly, khu vui chơi giải trí… Cabin này trang bị hệ thống giúp nhận dạng khuôn mặt và kiểm tra thân nhiệt nhiều người cùng một lúc.
Theo PGS.TS Phạm Xuân Đà, hệ thống này rất có lợi nếu có chủ trương cách ly cả F1 tại nhà ở những địa phương có số ca bệnh đông, lượng F1, F2 rất lớn. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ IoT và trí tuệ nhân tạo là giải pháp phù hợp trong điều kiện phòng chống dịch hiện nay ở nước ta.
Không những thế, khi những khó khăn của Covid-19 thấm dần, các chuyên gia nhận định, chuỗi sản xuất kinh doanh có thể bị đứt gãy, ứng dụng AI cũng được kỳ vọng sẽ kết nối các doanh nghiệp trở lại, thúc đẩy nền kinh tế. Mặc dù ứng dụng AI là xu thế tất yếu, nhưng Việt Nam đang đối mặt với khá nhiều thách thức để phát triển lĩnh vực này.
Anh Minh