Phối cảnh bến xe Yên Sở tại đường Vành đai 3 sau khi hoàn thành
Hà Nội “đá” cục tắc này về điểm nghẽn khác
UBND thành phố Hà Nội gửi Thường trực Thành uỷ Hà Nội báo cáo về Đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trung tâm đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Theo đó, các bến xe khách liên tỉnh được bố trí tại khu vực các trục đường hướng tâm giao với vành đai 4; từng bước thay thế toàn bộ các bến xe hiện có đang khai thác sử dụng nằm sâu trong khu vực nội đô (Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Nước Ngầm).
Tại tờ trình ngày 28/12/2017 của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội gửi Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, về Đồ án Quy hoạch bến xe Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, dự kiến sau năm 2025 sẽ chuyển các bến xe hiện có của Hà Nội ra khu vực vành đai 4.
Trong đó, bến xe Gia Lâm và Giáp Bát sẽ di chuyển sau năm 2020, bến Mỹ Đình và Nước Ngầm di chuyển sau năm 2025. Bến Giáp Bát, Nước Ngầm sẽ chuyển về bến xe Ngọc Hồi (bến phía Nam).
Sở GTVT Hà Nội xác định, Yên Sở là bến xe “trung hạn”, nằm trong lộ trình thay thế các bến xe khách cũ trong vành đai 3 và hỗ trợ cho bến Giáp Bát, Gia Lâm trong giai đoạn 2017-2020.
Tuy nhiên, gọi là “trung hạn”, bến xe “tạm” Yên Sở được cấp phép cho hoạt động 50 năm, trong khi các bến khác đang hoạt động trong nội đô lại phải chuyển đi. Hà Nội rõ ràng đang cho thấy cách làm bất nhất và thiếu hợp lý.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, sau khi đầu tư xong bến xe khách Yên Sở và bến xe khách Cổ Bi, sẽ tổ chức nghiên cứu các bến xe khách liên tỉnh đang khai thác tại bến xe Giáp Bát về 2 bến xe này nhằm giảm tải giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A hiện nay. Về lâu dài thì bến xe Yên Sở và bến xe Nước Ngầm sẽ được đồng thời chuyển đổi thành đầu mối trung chuyển vận tải hành khách công cộng kết hợp bãi đỗ xe.
Ý đồ của cơ quan chức năng là như vậy, nhưng không ít ý kiến của các chuyên gia và người dân bày tỏ băn khoăn, quan ngại về kế hoạch, chủ trương phê duyệt đầu tư xây dựng bến xe mới tại Yên Sở của Hà Nội để làm gì?
Theo đó, bến xe khách Yên Sở, chỉ cách nút giao Pháp Vân - vành đai 3 khoảng 1km, cách bến xe Nước Ngầm hơn 1km. Hiện nút Pháp Vân - vành đai 3 đang là điểm nghẽn giao thông lớn của Hà Nội, đang phải tìm nguồn vốn để mở rộng, giảm ùn tắc.
Trong khi đó, vừa qua thành phố Hà Nội tiến hành điều chuyển hàng loạt các tuyến phía Nam từ Mỹ Đình về Giáp Bát, Nước Ngầm. Điều này đang khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì “ế khách”. Tới đây lại tiếp tục điều chuyển về Yên Sở thì đây sẽ là “cú sốc” mà ít doanh nghiệp nào có thể chịu đựng được.
Theo tìm hiểu, trước đây khi thấy bất cập trong quy hoạch bến xe, Hà Nội đã loại khỏi quy hoạch 2 bến xe khách “trung hạn” khác nằm trong nội đô (tương tự bến xe Yên Sở), gồm bến xe Xuân Phương và Vân Trì. Năm 2013, Sở GTVT Hà Nội cũng từng đề xuất xây dựng thêm Bến xe khách Khuyến Lương (Hoàng Mai), cách Bến xe Yên Sở khoảng 2km, cùng nằm trên đường vành đai 3.
Bến xe tạm Pháp Vân cũng được đề xuất xây dựng, nhưng tất cả phải dừng lại vì không hợp lý, nguy cơ thêm ùn tắc giao thông. Mới đây, Hà Nội cũng chuyển Bến xe Lương Yên vì nằm trong nội đô.
Theo Quy hoạch bến xe Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050, thành phố đã xác định chuyển các bến xe hiện có ra khu vực vành đai 4. Nhưng giờ Hà Nội lại xây thêm bến xe Yên Sở trong khu vực nội đô, lọt giữa khu dân cư, ngay điểm đen về ùn tắc giao thông rõ ràng không hợp lý.
Xét về quy hoạch, dù bến xe Yên Sở có trong quy hoạch, nhưng nếu quy hoạch không phù hợp thực tế pháp luật đều cần chỉnh sửa.
Các chuyên gia và người dân nói gì về chủ trương xây dựng bến xe Yên Sở
Trả lời báo chí, TS Ðào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Ðô thị Hà Nội (nguyên kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội) cho rằng, hiện giao thông Thủ đô còn rất nhiều vấn đề nóng bỏng cần quyết, như quỹ đất cho giao thông thấp, xe cá nhân nhiều, giao thông công cộng bất cập... Do đó, theo ông Nghiêm, Hà Nội không nên chú trọng vào các giải pháp mang tính cục bộ, ngắn hạn.
Ðặc biệt, việc xây dựng bến xe khách liên tỉnh ở khu vực vành đai 3 sẽ gây thêm ách tắc cho khu vực nội đô, đặc biệt nút giao Pháp Vân- vành đai 3 là cửa ngõ phía Nam của Hà Nội. “Thêm bến xe mới ở vành đai 3 là không hợp lý, khi chúng ta đang muốn giảm áp lực giao thông cho nội đô”, ông Nghiêm nói.
“Chúng ta đã có quy hoạch, tầm nhìn đưa bến xe khách liên tỉnh ra khu vực vành đai 4 thì cứ theo đó làm. Nội đô nên đầu tư vận tải công cộng, bãi đỗ xe tĩnh, những thứ Hà Nội đang rất thiếu. Không nên làm bến xe liên tỉnh ở khu vực vành đai 3 nữa”, ông Nghiêm đề xuất.
Còn theo ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, “Tôi ủng hộ chủ trương di dời các bến xe ra vành đai 4, tuy nhiên quy hoạch này lại sinh ra một hạt sạn khi cho lập thêm một bến xe mới trong nội đô. Bến xe Yên Sở này gần công viên Yên Sở, tôi lo ngại chỉ 1, 2 năm sau khi khu vực này phát triển, đô thị hóa lên thì bến xe này lại nằm trong khu dân cư. Hơn nữa đây là bến xe trung hạn nhưng lại được cấp phép hoạt động 50 năm là điều vô lý, vì đến năm 2030 các bến xe phải di dời ra khỏi nội đô rồi”.
Cũng theo chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, một vấn đề nữa nảy sinh đó là vấn đề ùn tắc giao thông, vì khu vực đó có cả bến Giáp Bát và Nước Ngầm, trên đường vành đai này mật độ giao thông đã rất cao, giờ lại tập trung thêm bến xe vào đây thì việc giảm ùn tắc sẽ không có hiệu quả. Ông Liên cho rằng, cơ quan chức năng nên xem xét, điều chỉnh vấn đề này, không nên để bến xe khách trên đường vành đai 3 vì nó đi ngược lại các tiêu chí.
Cho rằng, sự xuất hiện của bến xe sẽ gây ách tắc giao thông trong khu vực, ảnh hưởng đến môi trường sống của nhiều người dân, bà Trần Nguyệt Minh (trú tại tòa nhà Hateco Hoàng Mai) bày tỏ quan ngại, vừa dọn về đây sống chưa được bao lâu, thông tin Hà Nội xây bến xe liên tỉnh tại khu vực này khiến gia tôi hết sức lo lắng. Bến xe khách liên tỉnh mà nằm trong khu vực nội đô, khu dân cư đông đúc ngoài việc giao thông bị đảo lộn, thì chắc chắn môi trường sống, sự phát triển con trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Là doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh, ông T. cho biết, doanh nghiệp chưa kịp “hoàn hồn” vì chỉ đạo điều chuyển hoạt động về bến xe phía Nam. Trước nhiều chuyến xuất bến với cái xe không, vừa mới túc tắc có khách trở lại thì gặp ngay “cú sốc” lớn, là xây dựng bến xe Yên Sở. Với tình trạng này chắc chúng tôi không chịu nổi phải phá sản mất.
Cũng ý kiến một số chuyên gia, người dân và doanh nghiệp kinh doanh vận tải, chủ trương Hà Nội di dời hết các bến xe ra khỏi nội đô thì một sai lầm và trên thế giới không nước nào họ làm như vậy. Ở các nước phát triển đều đặt trong thành phố, thậm chí có những bến xe tồn tại hàng trăm năm, nhưng vẫn đảm bảo thuận tiện nhất cho hoạt động vận tải và giảm thời gian đi lại của người dân.
Có hay không việc di dời bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình ra ngoài, nhưng sau đó khu đất “vàng” sau chuyển đổi sẽ được sử dụng để làm gì? Di dời bến xe sẽ tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng, gây thất thoát nhiều tiền của và thay đổi hoàn toàn thói quen đi lại của người dân. Nếu thời gian di chuyển bến xe nhiều hơn thời gian nhu cầu đi lại của người dân thì đó là sự bất hợp lý.
Ngoài ra, việc Hà Nội cấp phép cho bến xe Yên Sở hoạt động đến 50 năm cũng được cho là điều bất thường. Do đó, UBND thành phố phải đảm bảo công bằng, khi các bến xe khác phải ra khỏi nội đô thì bến xe này cũng không thể là ngoại lệ.
Bên cạnh đó, khi đã đầu tư vào bến xe Yên Sở thì sẽ không có ai mặn mà đầu tư vào bến xe phía Nam ngoài vành đai 4. Vì vậy, để tránh gây thất thoát, lãng phí khi thực hiện xây dựng bến xe Yên Sở UBND thành phố Hà Nội cần có những lý giải cụ thể, hợp lý và minh bạch đối với chủ trương này.
Theo tapchimattran.vn