
Giá gạo thế giới giảm sâu
Theo hãng tin Bloomberg, giá gạo thế giới đã bắt đầu tăng từ vài năm trước do hiện tượng thời tiết El Nino nóng và khô gây thiệt hại sản lượng của loại cây trồng phụ thuộc nhiều vào nước này. Sản lượng gạo giảm khiến Ấn Độ công bố lệnh cấm xuất khẩu nhằm củng cố nguồn cung trong nước, dẫn tới tình trạng thiếu hụt gạo toàn cầu càng thêm phần trầm trọng.
Lượng mưa dồi dào trong năm ngoái đã giúp thúc đẩy sản lượng gạo ở khu vực châu Á và theo dự báo, hiện tượng El Nino sẽ không phát triển trong thời gian mùa mưa từ tháng 6 - 9/2025 ở Ấn Độ. Dự báo này thúc đẩy kỳ vọng rằng giá gạo thế giới sẽ tiếp tục giảm. Hơn nữa, việc quốc gia Nam Á này gần đây đã nới lỏng các hạn chế xuất khẩu gạo để ngăn chặn tình trạng dư thừa gạo trong nước sẽ giúp tăng thêm nguồn cung toàn cầu.
Ông Peter Timmer, giáo sư danh dự tại Đại học Harvard, người đã nghiên cứu về an ninh lương thực trong nhiều thập kỷ nhận định: “Là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, Ấn Độ rất muốn giành lại các thị trường mà họ đã phải từ bỏ trong thời gian áp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu gạo”.
Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) trong tháng 3 này đã tăng dự báo sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2024 - 2025 thêm 3,6 triệu tấn lên 543 triệu tấn, chủ yếu phản ánh triển vọng mùa màng bội thu ở quốc gia trồng lúa gạo lớn thứ hai thế giới là Ấn Độ. Tổ chức này cho biết việc trồng lúa trái vụ nhiều hơn dự kiến cũng đã thúc đẩy triển vọng sản lượng gạo ở Campuchia và Myanmar. Nhờ đó, lượng gạo tồn trữ toàn cầu vào cuối niên vụ có thể tăng lên 206 triệu tấn, từ mức khoảng 200 triệu tấn trong niên vụ 2023 - 2024.
“Tôi không còn phải lo về việc kiếm miếng ăn cho con cái”, cô Yassine Toure - bà chủ một gia đình có hàng chục thành viên ăn hết 25 kg gạo mỗi tuần ở Dakar, Senegal - cho biết. Cô cho biết gạo - loại lương thực chủ đạo của hơn một nửa dân số toàn cầu - đã từng đắt đỏ đến mức ở một số thời điểm, mua gạo được coi là một việc xa xỉ. “Bây giờ, chúng tôi đã có thể thở phào nhẹ nhõm”, người phụ nữ 32 tuổi nói với Bloomberg.
Mặc dù là tin tốt cho người tiêu dùng, nhưng lượng gạo tồn trữ dồi dào và giá gạo giảm đang gây ra nhiều thách thức cho nông dân sản xuất lúa gạo và biên lợi nhuận của họ. Theo ông Shirley Mustafa, một nhà kinh tế tại FAO, nếu giá gạo giảm quá nhiều, người nông dân có thể trồng ít lúa hơn trong niên vụ sắp tới, đặt ra nguy cơ giảm nguồn cung.

Tháng trước, nông dân trồng lúa gạo ở Thái Lan đã biểu tình phản đối giá gạo giảm xuống thấp và kêu gọi Chính phủ nước này tăng cường hỗ trợ sau khi một kế hoạch trợ cấp 56 triệu USD không đáp ứng được nhu cầu của họ.
Vào tháng 1 năm nay, cơ quan thu mua lương thực của Indonesia đã tăng cường thu mua lúa gạo từ nông dân trong nước với mức giá được đảm bảo. Đây là một trong số nhiều quốc gia sản xuất gạo, bao gồm cả Ấn Độ, có cơ chế bảo vệ người trồng trọt khỏi biến động của giá gạo.
Áp lực cạnh tranh lớn
Cập nhật giá gạo xuất khẩu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo Việt Nam đã nối dài chuỗi sụt giảm liên tục kể từ tháng 12/2024 đến nay. Cập nhật giá gạo ngày 30/3, giá gạo tiêu chuẩn 5% ở mức 400 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 369 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 325 USD/tấn.
So với thời điểm giá gạo Việt Nam lập đỉnh vào giữa tháng 8/2023 (khoảng 700 USD/tấn), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tụt dốc và xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Không chỉ vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ chỗ cạnh tranh trực tiếp, thậm chí nhiều thời điểm vượt qua Thái Lan để đứng đầu thế giới, hiện tại đang lùi lại khá xa, thấp nhất trong nhóm các quốc gia xuất khẩu gạo lớn.
Bà Phan Mai Hương, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo lập luận, cần phải nhìn vào thực tế rằng, giá gạo Việt Nam tăng nhanh và đạt đỉnh ở thời điểm năm 2023 và nửa đầu năm 2024 một phần lớn đến từ việc “vua” gạo thế giới là Ấn Độ dừng xuất khẩu.
Giai đoạn đó, cuộc đua thị trường và giá cả gần như chỉ dành cho Việt Nam và Thái Lan; trong những thời điểm khách hàng cần mua vào đã đẩy giá gạo Việt Nam vượt lên. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn, trước thời điểm sốt giá, mặt bằng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đều ở quanh mức 400 USD/tấn với gạo trắng, 500-600 USD/tấn với gạo thơm. Chỉ số ít gạo đặc sản và có thương hiệu riêng xuất khẩu được giá cao hơn. Như vậy, giá gạo Việt Nam hiện nay dù giảm sâu so với năm 2023 - 2024 nhưng cũng không phải là quá thấp trong bối cảnh Ấn Độ quay lại sân chơi xuất khẩu.

Theo bà Phan Mai Hương, dựa trên quy luật thị trường, giá lúa gạo thế giới giảm khi nguồn cung dồi dào như hiện nay không có gì bất ngờ và đã được dự báo từ cuối năm 2024. Theo đó, từ sau khi cho xuất khẩu gạo trở lại vào tháng 9/2024, Ấn Độ tích cực bán ra lượng lớn gạo tồn kho với giá rẻ.
Dự báo tình hình sản xuất của các quốc gia khác trong năm 2025 cũng thuận lợi, được mùa giúp sản lượng tăng hơn so với năm trước. Những thông tin này giúp các nước nhập khẩu yên tâm về nguồn cung trong năm 2025 nên dù có nhu cầu họ không vội mua vào. Thời điểm này, mặc dù giá gạo đang thấp nhưng nhà nhập khẩu vẫn án binh bất động, tiếp tục chờ với mong muốn mua được với giá càng rẻ càng tốt.
Cùng góc nhìn, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vrice cho rằng, giá gạo xuất khẩu thế giới bị chi phối bởi sản lượng dồi dào từ các quốc gia cung ứng, đặc biệt là Ấn Độ. Việc này tạo nên áp lực cạnh tranh lớn cho các nước xuất khẩu gạo còn lại - trong đó có Việt Nam.
Giá gạo liên tục giảm khiến những doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán sớm từ cuối năm 2024 rơi vào thế “mắc kẹt” khi một số khách hàng yêu cầu đàm phán lại giá trị đơn hàng với giá thấp hơn hoặc dừng nhận hàng để ép giá. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã thỏa thuận giá thu mua lúa với nông dân từ trước, nếu hạ giá thì không mua được hàng. Giao dịch lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vì vậy rất trầm lắng.
Áp lực lên vựa lúa lớn nhất cả nước là vụ Đông - Xuân đang chuẩn bị thu hoạch ồ ạt với sản lượng cao nhất trong năm. Trong khi người dân địa phương có tập quán bán lúa tươi ngay tại ruộng vì không có điều kiện sấy khô và kho chứa. Còn doanh nghiệp không có đơn hàng xuất khẩu thì không có đủ tài chính thu mua số lượng lớn cho dự trữ.
Giá gạo trong nước vẫn ổn định
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phân tích, giá gạo xuất khẩu giảm, nhưng giá gạo trong nước không có biến động là do mặt hàng này không được điều chỉnh giá.
“Xuất khẩu gạo vẫn có lãi nên giá gạo trong nước không được điều chỉnh giảm theo và cũng chưa cần điều chỉnh. Nếu điều chỉnh giá bán trong nước xuống thì người trồng lúa gạo sẽ không được khuyến khích. Chỉ khi nào giá gạo thế giới tiếp tục giảm, gây sức ép với giá gạo trong nước thì mới có thể được xem xét điều chỉnh giảm”, TS. Lê Đăng Doanh nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích: “Gạo xuất khẩu giảm nhưng giá gạo trong nước không giảm do khâu trung gian khống chế. Bên cạnh đó, thông thường phải 2 - 3 tháng giá gạo nội địa mới hạ theo đà của thị trường xuất khẩu”.
Theo PGS. Thịnh, lúa thu hoạch theo vụ nên khi vào vụ các doanh nghiệp phải đầu tư số tiền lớn mua hàng trăm, hàng nghìn tấn lúa về dự trữ cho đủ gạo bán trong nửa năm hoặc cho đến khi vào vụ thu hoạch vào tháng 4-5 tới. Vì thế doanh nghiệp có thể phải ứng trước tiền cho bà con từ khi lúa mới bắt đầu vào hạt.
Thị trường nội địa, theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang ngày 29/3, giá lúa Đài Thơm 8 (tươi) dao động ở mốc 6.600 - 6.700/kg; giá lúa OM 18 (tươi) dao động ở mốc 6.600 - 6.700 đồng/kg; giá lúa OM 5451 (tươi) dao động mốc 5.800 - 5.900/kg; giá lúa IR 50404 (tươi) dao động ở mức 5.600 - 5.700 đồng/kg; lúa OM 380 (tươi) dao động ở mốc 5.500 - 5.800 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 ở mức 6.300 - 6.500 đồng/kg.
Tại nhiều địa phương hôm nay, ghi nhận nguồn ít, giao dịch mua chậm. Cụ thể, tại Sóc Trăng, nhu cầu có khá, giao dịch chủ yếu lúa thơm, giá ổn định. Tại Đồng Tháp, lúa thơm nông dân chào giá vững, giao dịch mua bán chậm hơn hôm qua, giá ít biến động; Tại Sóc Trăng, nguồn lúa Đông Xuân giảm nhiều, nhu cầu có khá, giao dịch chủ yếu lúa thơm, giá vững. Tại Hậu Giang, lúa vãn đồng, nguồn ít dần, đa số thương lại đã cọc.
Với mặt hàng gạo hôm nay tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá gạo các loại tương đối bình ổn. Theo đó, giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động ở mức 7.700 – 7.800 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 dao động ở mức 7.500 - 7.600 đồng/kg; gạo nguyên liệu 5451 dao động ở mức 8.600 - 8.750/kg; gạo thành phẩm OM 380 dao động ở 8.800 - 9.000 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 dao động ở 9.500 - 9.700 đồng/kg.
Tại các địa phương hôm nay, ghi nhận lượng khá, các kho mua đều gạo thơm dẻo, gạo các loại vững giá. Cụ thể, tại An Giang, kho vẫn mua đều gạo thơm, giá nhích nhẹ với gạo đẹp. Tại Lấp Vò (Đồng Tháp), lượng lai rai, kho mua đều, giá bình ổn; Kênh chợ Sa Đéc (Đồng Tháp), lượng lai rai, kho mua vào đều, dễ giao dịch, giá vững. Tại An Cư (Cái Bè, Tiền Giang), lượng ít, giao dịch mua bán chậm, giá ổn định.
Ghi nhận thị trường giá gạo nội địa tại các chợ truyền thống, siêu thị ở TP. HCM. Tại các chợ, đa số giá gạo... vẫn không giảm.
Cụ thể, tại chợ Tân Định (quận 1, TP. HCM), gạo nở có mức 16.000 - 17.000 đồng/kg, gạo thơm Mỹ 19.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa dao động 23.000 - 24.000 đồng/kg, gạo Tám Thái 20.000 đồng/kg; cao nhất là 38.000 đồng/kg gạo ST25.

Tương tự, tại siêu thị trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) bán rất nhiều loại gạo với khoảng từ 17.000 đồng đến gần 40.000 đồng/kg. Còn các loại gạo thơm ST25 có mức 189.000 - 230 đồng/túi 5kg.
Tại một số chợ truyền thống ở Hà Nội như: Chợ Đại Kim (Hoàng Mai); chợ Láng (Đống Đa); chợ Tứ Hiệp (Thanh Trì), gạo Bắc Hương và tám Hải Hậu giá 19.000 đồng/kg; tám Điện Biên, tám Thái đỏ cùng có giá 20.000 đồng/kg. Giá một số loại gạo như Séng Cù hạt tròn, ST hữu cơ lần lượt là 23.000 đồng/kg và 38.000 đồng/kg.
Bùi Quyền