Thanh Hóa nằm trong nhóm cao về xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh
Thanh Hóa là địa phương sớm ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 10/11/2021 về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số.
Sau khi có Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện nghị quyết, có 48/48 các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và 559/559 UBND cấp xã đã ban hành chương trình/kế hoạch/đề án chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số; thành lập ban chỉ đạo các cấp; chú trọng công tác kiểm tra với quyết tâm sớm hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, với quan điểm chuyển đổi số phải mang lại lợi ích thiết thực và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, qua 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết các chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết đề ra đã cơ bản hoàn thành.
Báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số DTI năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố cuối tháng 07/2023, Thanh Hóa nằm trong nhóm cao về xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành về chuyển đổi số. Cụ thể, Thanh Hóa xếp thứ 16 về mức độ xây dựng chính quyền số, xếp thứ 14 về kinh tế số và thứ 13 cả nước về các hoạt động xã hội số.
Huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư hạ tầng số
Trong những năm qua, hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên địa bàn tỉnh.
Hạ tầng, trang thiết bị CNTT trong các cơ quan, đơn vị tiếp tục được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại từ cấp tỉnh đến cấp xã nhằm phục vụ tốt công tác chuyên môn, chuyển đổi số; 100% cán bộ, công chức được trang bị thiết bị CNTT; 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có hạ tầng mạng LAN, kết nối Internet đảm bảo thông suốt, an toàn để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Các Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh tiếp tục được đầu tư đảm bảo cho việc duy trì, khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, các phần mềm ứng dụng cho các cơ quan Đảng và cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và luôn hoạt động ổn định, thông suốt, an toàn 24/7…
Chú trọng đến nguồn nhân lực chuyển đổi số
Nhân lực chuyển đổi số là một trong những yếu tố quyết định đến thành công của quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; trong thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các chương trình, kế hoạch tăng cường tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo sự thống nhất, quyết tâm chính trị cao trong triển khai thực hiện chuyển đổi số; tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên sâu và nâng cao về các công nghệ mới, kiến thức chuyển đổi số; lựa chọn các nền tảng số, hệ thống thông tin trong chuyển đổi số; kiến thức về đảm bảo an toàn thông tin trong các cơ quan Nhà nước.
Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số và bảm đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin.
Cụ thể, đã tổ chức tập huấn cho gần 10.000 cán bộ công chức của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh; 100% thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã; 4.233 Tổ công nghệ số cộng đồng; nội dung tập huấn chủ yếu là cung cấp các kiến thức cơ bản để về chuyển đổi số, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ chuyển đổi số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và thanh toán không dùng tiền mặt…; hàng năm, tập huấn về chuyển đổi số, an toàn thông tin cho gần 5.000 cán bộ công chức; 2.200 người lao động thuộc các doanh nghiệp; tổ chức các hội nghị tư vấn về lựa chọn mô hình, nền tảng số trong hoạt động, sản xuất kinh doanh cho hơn 6.500 doanh nghiệp…
Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử
Với quyết tâm thực hiện xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số; đổi mới phương thức làm việc; quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử trong các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã; trong thời gian qua, toàn tỉnh đã có nhiều sự thay đổi, đổi mới và hiện đại hóa nền hành chính.
Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) (tại địa chỉ https://lgsp.thanhhoa.gov.vn) được duy trì, hoạt động một cách thường xuyên, ổn định; hiện đang cung cấp 10 dịch vụ kết nối các phần mềm nội tỉnh và 11 dịch vụ kết nối bên ngoài; đã thực hiện khai báo mã định danh điện tử cho 2.588 đơn vị và đồng bộ lên hệ thống danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước
Việc trao đổi và xử lý văn bản hồ sơ liên thông trên môi trường mạng giữa các quan khối Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cả 03 cấp trên nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu của tỉnh; Thanh Hóa là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp. Tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống là 6.733.122 lượt văn bản (từ tháng 12/2021 đến tháng 11/2023); tỷ lệ ký số cơ quan đạt 97,8%; hệ thống phần mềm Phản hồi Thanh Hóa đã tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân với tỷ lệ xử lý đúng hạn đạt trên 99,3%; việc này nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền; nâng cao hiệu quả trong công tác phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Hiện nay, đã có 02 thành phố tiến hành xây dựng và triển khai các dịch vụ đô thị thông minh là thành phố Sầm Sơn và thành phố Thanh Hóa; thành phố Sầm Sơn đã đưa vào triển khai các dịch vụ đô thị thông minh với 09 phân hệ giám sát, gồm: Giám sát giao thông; giám sát an ninh; phản ánh hiện trường; tiện ích phục vụ du khách; cổng thông tin du lịch; cảnh báo thiên tai; cảnh báo cháy nhanh; giám sát thông tin báo chí và truyền thông.
Tập trung phát triển mạnh kinh tế số để phát triển kinh tế
Kinh tế số đã bước đầu đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, tỷ trọng đóng góp kinh tế số của tỉnh trong tổng quy mô nền kinh tế đạt 8,28%. Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoài tỉnh.
Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành chính sách để hỗ trợ các DNNVV (Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND ngày 13/04/2022), trong đó, lĩnh vực chuyển đổi số có 03 nội dung hỗ trợ. Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 77/KH-UBND về phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 làm cơ sở hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh; trong đó xác định đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 100 doanh nghiệp số; đến năm 2030, có ít nhất 150 doanh nghiệp số.
Đã có khoảng 6.500 doanh nghiệp được tiếp cận, thông tin, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ của tỉnh về phí tư vấn chuyển đổi số và mua, thuê giải pháp công nghệ số; hỗ trợ chuyển đổi số cho trên 840 doanh nghiệp thành lập mới; các hộ kinh doanh cá thể đã tham gia các sàn thương mại điện tử; sử dụng các nền tảng mạng xã hội (facebook, youtube, Zalo) để quảng bá, bán hàng. Một số sản phẩm đã được dán tem truy xuất nguồn gốc hơn (105.815 tem); có hơn 854.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu.
Tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; thực hiện kết nối triển khai công tác truyền thông lan tỏa, quảng bá các sản phẩm mũi nhọn; đã hỗ trợ 44.174 doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử voso.vn và portmart.vn; đưa 87.271 sản phẩm nông sản lên sàn, trong đó có 187 sản phẩm OCOP; tạo lập 114.396 tài khoản người mua; có tổng số 32.877 giao dịch qua sàn voso.vn và portmart.vn; tổng giá trị giao dịch qua 02 sàn là 13.570 triệu đồng...
Phát triển xã hội số nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân
Xác định chuyển đổi số lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm và là đối tượng thụ hưởng kết quả mà chuyển đổi số mang lại; thời gian qua các cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển xã hội số và hình thành công dân số.
Trong đó, tích cực tuyên truyền, tổ chức các đợt cao điểm về vận động, hướng dẫn, cán bộ, công chức, người lao động và Nhân dân làm thẻ căn cước công dân có gắn chíp; cài đặt phần mềm VNeID trên thiết bị di động thông minh để thuận tiện trong các giao dịch cơ bản như: khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT, BHXH; sử dụng dịch vụ công, dịch vụ giáo dục số, mua bán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt; hướng dẫn người dân các kỹ năng về an toàn, bảo mật thông tin cơ bản để có thể tự bảo vệ tài khoản, dữ liệu của mình trên không gian số; đồng thời khuyến khích người dân thực hiện mua/bán trên các thương mại điện tử, trong đó tập trung vào các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh, những sản phẩm đã được áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm tăng tỷ trọng của nông nghiệp số trong cơ cấu tỷ trọng của các ngành trên địa bàn tỉnh.
Hoàn thiện các dịch vụ số trên nền tảng chính quyền số, đô thị thông minh qua nhiều kênh giao tiếp giúp người dân có thể lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu như sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế thông minh, giáo dục thông minh, giao thông thông minh, thông tin bất động sản, việc làm, các tiện ích thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ…
Thanh Hóa quyết tâm hoàn thành mô hình địa phương mẫu về an toàn thông tin
Xác định, bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số toàn diện, khi mà các dữ liệu của các cơ quan, tổ chức, của các cá nhân đều được khai thác, vận hành trên không gian mạng, là yếu tố then chốt, mang tính “sống còn”, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đầu tư hạ tầng, thiết bị và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, tăng cường hợp tác về an toàn, an ninh thông tin, Thanh Hóa quyết tâm hoàn thành mô hình địa phương mẫu về an toàn thông tin.
Tỉnh đã thực hiện đầu tư thiết bị và phần mềm nhằm đảm bảo kiểm soát an toàn, an ninh mạng tại Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng của tỉnh để đảm bảo hệ thống thông tin của tỉnh và kết nối với hệ thống hỗ trợ, giám sát, điều hành an toàn mạng phục vụ Chính phủ số của quốc gia; thường xuyên đánh giá rủi ro, giám sát, phát hiện tấn công, cảnh báo sớm, ngăn chặn kịp thời và ứng cứu các sự cố liên quan đến an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh; đảm bảo sao lưu dữ liệu và an toàn, an ninh mạng trong mọi tình huống.
Công tác đảm bảo An toàn thông tin mạng được duy trì vận hành, trực đảm bảo hệ thống Trung tâm ANM&ATDL tỉnh Thanh Hóa hoạt động tốt 24/24; thường xuyên thực hiện công tác sao lưu dữ liệu website, phần mềm ứng dụng, dùng chung cho các cơ quan, đơn vị tại Trung tâm; tổ chức quản lý, hỗ trợ vận hành, tổng hợp theo dõi tình hình sử dụng phần mềm QLVB&HSCV; hỗ trợ khắc phục các lỗi trên phần mềm: Chữ ký số; báo cáo văn bản qua mạng; tra cứu dữ liệu....; báo cáo số liệu gửi nhận văn bản điện tử trên mạng của các đơn vị định kỳ hàng tháng; cập nhật người dùng cho các đơn vị sử dụng phần mềm. Quản lý vận hành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP).
Hoạt động giám sát an toàn thông tin tập trung cho các hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh và tại 10 cơ quan, đơn vị có các hệ thống thông tin quan trọng, lưu trữ, xử lý nhiều cơ sở dữ liệu chuyên ngành; triển khai hệ thống phòng chống mã độc tập trung cho toàn tỉnh với phạm vi bổ sung cài đặt mới thêm 1.500 phần mềm bản quyền trên các máy chủ, máy trạm cho 48/48 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thông tin, an ninh mạng và bảo mật thông tin.
Đến nay, 100% các hệ thống thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được chuyển đổi sang sử dụng địa chỉ IPv6; có 856/856 cơ quan, đơn vị có hệ thống thông tin được phân loại, xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin; trong đó, có 08 đơn vị có hệ thống camera giám sát được triển khai tích hợp trên hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng chung đã được phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin có sử dụng hệ thống camera giám sát.
Công tác chuyển đổi số của Thanh Hóa đạt được những bước đột phá quan trọng
Sau 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, đoàn thể, địa phương công tác chuyển đổi số của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, có bước đột phá cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; Cơ bản các chỉ tiêu được giao trong Nghị quyết đang được các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai thực hiện.
Các cấp, các ngành đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện công tác chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa, bước đầu đã có những thay đổi tích cực; về nhận thức số đã được tăng trưởng cao; công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng đã được chú trọng; các ứng dụng dành hỗ trợ cho người dân để thực hiện chuyển đổi số đã được quan tâm hơn.
Cơ bản các chỉ tiêu được giao trong Nghị quyết đang được các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai thực hiện; trong đó: Chỉ tiêu về Chính quyền số đã hoàn thành 05/06 chỉ tiêu; Chỉ tiêu về Kinh tế số đã hoàn thành 01/03 chỉ tiêu; chỉ tiêu về Xã hội số đã hoàn thành 02/02 chỉ tiêu.
Những kết quả đạt được trong 02 năm qua là rất đáng khích lệ và có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở, động lực cho việc phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đã đề ra.
Thời gian tới, Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tăng cường công tác tập huấn về chuyển đổi số an toàn thông tin cho các cán bộ công chức, người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu rà soát tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định, quy chế, chính sách đảm bảo điều kiện phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột “Chính quyền số”; “Kinh tế số”; “Xã hội số”.
Tập trung triển khai thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 06-NQ/TU và các Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết tại Quyết định số 176/QĐ-UBND ngày 10/01/2022 của UBND tỉnh. Tiếp tục có các chương trình, giải pháp tuyên truyền cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nâng cao hiệu quả tham gia chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tích cực ứng dụng các nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hợp đồng điện tử trong các giao dịch thương mại…
Hoài Thu