Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Doanh nghiệp xứ Thanh nắm bắt xu hướng chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là yêu cầu khách quan chung của sự phát triển. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã nhận thức được tầm quan trọng của xu thế này và đang từng bước thực hiện nhằm hướng đến sự hiệu quả rõ rệt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là yêu cầu khách quan chung của sự phát triển
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là yêu cầu khách quan chung của sự phát triển. Ảnh internet.

Chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng

Trước bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng phổ biến, mà còn là yêu cầu tất yếu, khách quan đối với mỗi quốc gia và trong mọi lĩnh vực.

Có nhiều định nghĩa và cách hiểu về chuyển đổi số. Theo Gartner, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Microsoft cho rằng chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới.

Còn theo quan điểm của FPT, chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)... thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời.

Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.

Xu hướng này đang từng bước thay đổi thế giới kinh doanh, không chỉ thay đổi cách doanh nghiệp được nhìn nhận mà còn thay đổi cả cách tổ chức hoạt động. Với mỗi một doanh nghiệp, quá trình chuyển đổi số sẽ diễn ra với lộ trình khác nhau. Từ đó, dẫn đến những thay đổi cơ bản đối với cách doanh nghiệp hoạt động và cách họ cung cấp giá trị cho khách hàng, hướng tới mục tiêu tối ưu hóa bộ máy quản lý doanh nghiệp, đem lại lợi nhuận và đưa tới nhiều cơ hội phát triển mới cho công ty.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số đang diễn ra trên quy mô lớn và với tốc độ nhanh chóng.

Tại Việt Nam, xác định, chuyển đổi số là phương thức quan trọng để thực hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước nhanh, bền vững. Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày Chuyển đổi số Quốc gia (10/10).
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2023. Ảnh: TTXVN

Năm 2023, Chuyển đổi số Quốc gia, đặc biệt dữ liệu số đã đạt được nhiều kết quả tích cực cả trong kết nối chia sẻ dữ liệu; khai thác dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng Dữ liệu số; số hóa dữ liệu.

Trong số đó, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia hoạt động hiệu quả, năng lực phục vụ được tăng cường với 1,6 triệu giao dịch hàng ngày; Cơ sở Dữ liệu Quốc gia dân cư tiếp nhận gần 1,2 tỷ yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin; Cơ sở Dữ liệu Quốc gia Bảo hiểm đã xác thực thông tin trên 91 triệu nhân khẩu với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư; Cơ sở Dữ liệu về Hộ tịch Điện tử đã có trên 45 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh; Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Cán bộ, Công chức, Viên chức đã kết nối, đồng bộ dữ liệu với 100% các bộ, ngành, địa phương; đồng bộ trên 2,1 triệu dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, đạt 95%.

Cùng với đó, Hệ thống thông tin của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối dữ liệu với 80 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và đã chia sẻ dữ liệu thử nghiệm hằng ngày, hằng tháng từ các bộ, ngành cho 15 địa phương để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

Các doanh nghiệp Công nghệ số hàng đầu Việt Nam như VNPT, FPT, Viettel... đã tiên phong trong triển khai các Cơ sở Dữ liệu Quốc gia, chuyên ngành, xây dựng nền tảng số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài chính, thanh toán và dịch vụ gia tăng góp phần thúc đẩy tăng trưởng Kinh tế số của Việt Nam thời gian qua.

Tại Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2023, với chủ đề "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị” do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức vào ngày 10/10 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh:

“Chuyển đổi số là xu thế, phong trào của thời đại; là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược để xây dựng và phát triển đất nước toàn diện, hiện đại, nhanh và bền vững. Chuyển đổi số là sự nghiệp của toàn dân, toàn xã hội và cả hệ thống chính trị; góp phần xây dựng nước Việt Nam độc lập, hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no, không ai bị bỏ lại phía sau. Chuyển đổi số phải trên tinh thần: Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên.”

Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành Quốc gia số, phát triển thịnh vượng, tiên phong ứng dụng các công nghệ mới và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện phương thức quản lý, điều hành của Chính phủ; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; lối sống, làm việc và học tập của người dân; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, bao trùm, rộng khắp.

Thanh Hóa xếp thứ 15/63 tỉnh, thành về chuyển đổi số

Tại Thanh Hóa, thời gian qua, tỉnh đã tập trung hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị, giúp người dân, doanh nghiệp bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ số, mang lại cuộc sống tốt đẹp, tiện ích hơn.

Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: “Chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược, xuyên suốt, vừa cấp bách, vừa lâu dài; cần phải có lộ trình, bước đi phù hợp, vững chắc, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi người dân; đồng thời, phải tận dụng tối đa cơ hội, điều kiện thuận lợi để đi nhanh, đi trước, không để bị tụt hậu”.

Tỉnh Thanh Hóa xác định chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính: chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, việc xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính phủ số đã có bước đột phá quan trọng. Báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số DTI năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố cuối tháng 7/2023, tỉnh Thanh Hóa xếp thứ 15/63 tỉnh, thành về chuyển đổi số. Cụ thể, Thanh Hóa xếp thứ 16 về mức độ xây dựng chính quyền số, xếp thứ 14 về kinh tế số và thứ 13 cả nước về các hoạt động xã hội số.

Có được kết quả này, Thanh Hóa đã không ngại “đi nhanh”, “đi trước” với nhiều mô hình chuyển đổi số nổi bật, như: TP. Thanh Hóa triển khai mô hình: “Ngày không bút”; mô hình chợ 4.0 tại chợ Điện Biên, chợ Quảng Thắng (TP. Thanh Hóa); mô hình “Thôn thông minh” tại xã Hoằng Thái (Hoằng Hóa) và xã Định Long (Yên Định); mô hình “3 không” triển khai thí điểm tại 5 xã, phường trong tỉnh; mô hình “Camera với an ninh trật tự” tại xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy); mô hình “Khám, chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn toàn tỉnh...

ãnh đạo Bộ TT-TT, tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan, đơn vị tham quan các gian hàng của các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm phục vụ chuyển đổi số
Lãnh đạo Bộ TT-TT, tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan, đơn vị tham quan các gian hàng của các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm phục vụ chuyển đổi số

Xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Xu hướng chuyển đổi số doanh nghiệp theo hướng kinh doanh một cách tự động hóa (còn gọi là BPA) là việc sử dụng phần mềm số kết nối với các cổng thông tin của doanh nghiệp để điều khiển tự động nhiều bước công việc trùng lặp nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu của từng công ty. Phương pháp này khá phức tạp và cần được triển khai trong thời gian dài để tự động hóa quy trình làm việc nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược đã đề ra, cải thiện hiệu năng làm việc, và mang đến trải nghiệm tốt cho khách hàng, xu hướng này trở thành đòi hỏi cấp bách, sống còn và là "chìa khóa" để thúc đẩy doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh và bứt phá. 

Các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng và từng bước thực hiện chuyển đổi số đã cho thấy những thay đổi căn bản và hiệu quả rõ rệt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 21.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Từ nhu cầu thực tế, việc chuyển đổi số đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm, coi đây là nền tảng quản lý doanh nghiệp thông minh và hiệu quả nhất trong việc tối ưu hoá năng suất lao động, minh bạch trong số liệu báo cáo cũng như trong vận hành doanh nghiệp. 

Đặc biệt, là xu hướng chuyển từ kinh doanh truyền thống, sang kinh doanh online, ứng dụng nền tảng thương mại điện tử, trang mạng xã hội để bán hàng đã đem đến nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp.

Qua đó, giúp gia tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp từ 30 – 40% thậm chí lên tới 100%.

Ghi nhận tại công ty Xăng dầu Thanh Hóa, từ 1/7/2023, Petrolimex đã thực hiện việc phát hành hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại tất cả các cửa hàng trực thuộc hệ thống, giúp công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp được chặt chẽ, minh bạch hơn và tiết kiệm nhiều chi phí, nguồn lực.

Ông Mai Thanh - Phó Giám đốc công ty Xăng dầu Thanh Hoá cho biết: "Hiện nay chúng tôi đã xây dựng lộ trình chuyển đổi số đến năm 2025, mục tiêu trong năm 2023 sẽ chuẩn hoá toàn bộ hệ thống, công ty cũng đã triển khai đông bộ giải pháp thứ nhất là tăng hệ thống đường truyền, công nghệ thông tin, tăng cường đào tạo để người lao động triển khai nhanh chóng phục vụ nhu cầu của khách hàng".

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị "Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa" được tổ chức vào hồi tháng 05/2022.

Cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, phía tỉnh Thanh Hóa cũng đã tập trung hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, đặc biệt, đây là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện việc kết nối, chia sẻ, trao đổi văn bản điện tử giữa chính quyền và doanh nghiệp.

Tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống là 1.723.214 lượt văn bản; tỷ lệ ký số cơ quan đạt 98,5%; hệ thống phần mềm Phản hồi Thanh Hóa đã tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân với tỷ lệ xử lý đúng hạn đạt trên 93%.

Cổng dịch vụ công tỉnh và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh hiện cung cấp 228 dịch vụ công trực tuyến một phần và 727 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 955 dịch vụ; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trước và đúng hạn đạt 98,02%...

Chuyển đổi số không còn là một lựa chọn, mà sẽ trở thành vấn đề sống còn với doanh nghiệp. Trong bối cảnh phục hồi kinh tế hiện nay, chuyển đổi số sẽ là con đường ngắn nhất để tạo ra giá trị mới, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh

Chuyển đổi số là một hành trình dài hơi

Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 100 doanh nghiệp số, đến năm 2030, có ít nhất 150 doanh nghiệp số, tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực thực hiện việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn.

Tính đến hết tháng 07/2023, toàn tỉnh đã đưa được 143 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và 11.258 sản phẩm đặc trưng của các huyện lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và các sàn thương mại điện tử khác; đưa 775 sản phẩm lên Cổng kết nối cung cầu nông sản an toàn tỉnh Thanh Hóa; cung cấp hơn 104.625 tem truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ trên 870.650 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu.

Để hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tiếp cận và tìm ra giải pháp chuyển đổi số phù hợp với đơn vị mình, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã phối hợp với Vụ Kinh tế số, Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Mobifone tổ chức hội nghị hỗ trợ công tác chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực sản xuất, du lịch trên địa bàn tỉnh; phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân tổ chức hội nghị hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn huyện về chuyển đổi số; phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành khảo sát 50 doanh nghiệp về nhu cầu và mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, từ đó giúp tư vấn các giải pháp chuyển đổi số phù hợp...

Trao đổi với phóng viên Thương hiệu và Công luận, anh Nguyễn Văn Tú, Giám đốc công ty TNHH Sản xuất và Thương mại yến sào xứ Thanh cho biết: Trước đây, sản phẩm của công ty chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh. Cùng với việc từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp rất chú trọng khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hiện nay, ngoài hệ thống các chuỗi cửa hàng phân phối ở các huyện, thị trong tỉnh, phía doanh nghiệp còn đẩy mạnh việc bán hàng online và livestream lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo và đưa sản phẩm Yến Thanh lên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki…

Anh Nguyễn Văn Tú, Giám đốc công ty TNHH Sản xuất và Thương mại yến sào xứ Thanh.
Anh Nguyễn Văn Tú, Giám đốc công ty TNHH Sản xuất và Thương mại yến sào xứ Thanh.

Ban đầu việc đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử cũng gặp nhiều khó khăn nhất là phương pháp tiếp cận như thế nào để khách hàng cảm nhận tốt về sản phẩm. Trong khi thương hiệu Yến xứ Thanh đang chưa tạo được nhiều ấn tượng như thương hiệu yến đến từ địa phương khác. Nhưng với sự chỉn chu trong đầu tư chất lượng sản phẩm nhất là sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao và sự tìm tòi, học hỏi không ngừng nghỉ, đến nay việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử của công ty đang được duy trì ổn định với doanh thu khá cao.

Hiện, doanh số kinh doanh thương mại điện tử chiếm 50 - 60% và đang tăng lên, đặc biệt tiếp cận người tiêu dùng rất nhanh, tiết kiệm chi phí.

“Các sản phẩm lên các sàn giao dịch, sàn thương mại điện tử giúp quảng bá sản phẩm của công ty đến tay người tiêu dùng với hiệu ứng rất tốt. Đến nay, các sản phẩm mang nhãn hiệu Yến Thanh của công ty đã được nhiều người biết đến và đặt hàng. Các đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử nhiều hơn các đơn hàng từ kênh bán truyền thống gấp 2 đến 3 lần…”, anh Tú cho biết thêm.

Doanh nghiệp đồng hành cùng chuyển đổi số tỉnh Thanh Hoá.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thay đổi công nghệ, chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình sản xuất, kinh doanh thông minh và bền vững hơn.

Thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, kinh tế số chiếm 20% trở lên trong GRDP của tỉnh, doanh nghiệp chuyển đổi số chiếm 50% trở lên tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế.

Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 100 (năm 2030 là 150) doanh nghiệp công nghệ số, trong đó ít nhất có 10 (năm 2030 là 15) doanh nghiệp công nghệ số phát triển sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin trọng điểm.

Lê Nam – Hoài Thu

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc Lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2024: Biển hát khúc tình ca!
Khai mạc Lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2024: Biển hát khúc tình ca!

Tối 29/4, tại Quảng trường Khu Du lịch biển Hải Tiến, UBND huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2024 với chủ đề “Hải Tiến - Biển hát khúc tình ca”.

Quý I/2024, KIDO báo lãi sau thuế 21,7 tỷ đồng
Quý I/2024, KIDO báo lãi sau thuế 21,7 tỷ đồng

Quý I/2024, KIDO báo lãi sau thuế đạt 21,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ tới 150,6 tỷ đồng.

Kon Tum thu hút có chọn lọc các dự án chăn nuôi
Kon Tum thu hút có chọn lọc các dự án chăn nuôi

Kon Tum thu hút có chọn lọc các dự án chăn nuôi, trong đó chú trọng các dự án chăn nuôi theo quy trình khép kín từ khâu sản xuất con giống tới chế biến phân phối sản phẩm ra thị trường.

Việt Nam thu hút gần 9,27 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong 4 tháng
Việt Nam thu hút gần 9,27 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong 4 tháng

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam từ đầu năm đến ngày 20/4 đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn thực hiện ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%.

Vụ kiện lịch sử vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam
Vụ kiện lịch sử vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Tôi chiến đấu không chỉ cho bản thân mà cho tất cả các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam và cả ở nước khác', bà Trần Tố Nga chia sẻ trước Phiên tranh tụng tại Tòa phúc thẩm Paris, ngày 7/5.

Bốn tháng đầu năm 2024: Có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD
Bốn tháng đầu năm 2024: Có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tăng 15%; nhập khẩu tăng 15,4%, có 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.