Mặc dù nền kinh tế quốc gia lá phong đỏ vẫn đang vận hành khá tốt, với việc Ngân hàng Trung ương nước này (BoC) tiếp tục cân nhắc đẩy nhanh tốc độ hạ lãi suất để tránh lạm phát giảm sâu hơn mục tiêu 2%, song báo cáo của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã dự báo một số mối đe dọa đang âm ỉ có thể làm chệch hướng viễn cảnh hạ cánh mềm của nền kinh tế nước này.

Căng thẳng chuỗi cung ứng có thể làm gia tăng áp lực lạm phát cho dù nó đã giảm về phạm vi mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Canada. (Nguồn: The Canadian Press)
Căng thẳng chuỗi cung ứng có thể làm gia tăng áp lực lạm phát cho dù nó đã giảm về phạm vi mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Canada. Nguồn The Canadian Press.

Đó là những rủi ro như các cuộc đình công của người lao động, căng thẳng chuỗi cung ứng, thị trường lao động yếu và vấn đề dịch bệnh toàn cầu.

Moody's cho rằng, tranh chấp với lao động là rủi ro ngày càng gia tăng đối với Canada sau nhiều cuộc đình công và đe dọa đình công gần đây. Cuộc đình công trong ngành đường sắt đe dọa làm tê liệt cả đất nước vào tháng trước đã buộc Ottawa phải vào cuộc để chấm dứt vụ việc.

Tuy nhiên, ngay sau đó, các phi công của hãng hàng không lớn nhất nước này là Air Canada lại đe dọa đình công để đòi tăng lương và các quyền lợi khác. Nếu một cuộc đình công trong Air Canada diễn ra, nó sẽ làm đình trệ khoảng 670 chuyến bay và ảnh hưởng tới 110.000 hành khách mỗi ngày cùng các hoạt động vận tải hàng không khác. Thiệt hại kinh tế ước tính vào khoảng 1,4 tỷ CAD (1,03 tỷ USD) nếu diễn ra trong khoảng 2 tuần và rất may là vụ việc đã được giải quyết vào phút chót.

Chuyên gia kinh tế Charlie Houston của Moody's nhận xét, dù lạm phát đang hạ nhiệt, song những người hưởng lương rõ ràng vẫn cảm thấy khó khăn do giá cả gia tăng trong những năm qua ở Canada, đồng thời cho rằng, các cuộc đình công sẽ gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng.

Chính phủ Canada đã phải can thiệp, nhưng mối đe dọa vẫn còn vì công đoàn ngành đường sắt đang đấu tranh cho quyền đình công của họ tại tòa án. Moody's ước tính cuộc đình công trong ngành đường sắt sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 341 triệu CAD mỗi ngày, tương đương 4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước.

Ảnh minh họa. (Nguồn: travel.nationalgeographic.com)
Ảnh minh họa. Nguồn travel.nationalgeographic.com.

Ông Houston nhận xét, căng thẳng chuỗi cung ứng có thể làm gia tăng áp lực lạm phát cho dù nó đã giảm về phạm vi mục tiêu của BoC.

Một rủi ro nữa đang gia tăng là thị trường việc làm suy yếu. Tỷ lệ thất nghiệp của Canada đã tăng lên 6,6% trong tháng qua, mức cao nhất kể từ năm 2017. Mặc dù số lượng việc làm mới có gia tăng, nhưng không đủ để theo kịp với mức tăng mạnh về dân số.

Chuyên gia của Moody's nhận định, một sự suy giảm cung cầu lớn hơn trên thị trường lao động có thể làm giảm thêm nhu cầu của người tiêu dùng và gây áp lực buộc các công ty phải cắt giảm tuyển dụng để giữ vững lợi nhuận.

Ngoài ra, vấn đề dịch bệnh vẫn được hãng xếp hạng tín nhiệm này coi là một rủi ro đang gia tăng mặc dù lệnh phong tỏa do dịch Covid-19 gây ra đã lùi vào ký ức. Báo cáo phân tích của công ty này cho rằng, khả năng xuất hiện một chủng virus SAR-CoV2 mới khó kiểm soát và gây tử vong lớn hơn, hoặc sự gia tăng chưa giải quyết được của một tác nhân gây bệnh khác, vẫn còn là mối đe dọa lớn.

Tháng trước, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đáng lo ngại.

Theo đánh giá của ông Houston, mặc dù người dân Canada có thể đã học được cách sống và làm việc tốt hơn từ kinh nghiệm trong thời kỳ đại dịch năm 2020, song nếu đại dịch lặp lại thì nó sẽ có tác động tiêu cực tới nền kinh tế đang mong manh của nước này.

Theo Moody's/baoquocte.vn