THCL - Xin được giới thiệu với bạn đọc nguyên văn bài viết của một chuyên gia quân sự Nga.

Vị chuyên gia quen thuộc Aleksandr Anatolievich Khramchikhin, Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Viện Hàn lâm khoa học Nga với tiêu đề “ Những bài học rút từ các cuộc chiến tranh năm ngoái- 2016 ” đăng trên “ Bình luận quân sự độc lập” (Nga ) ngày 13/01/2017.

Ảnh và chú thích trong bài là của tác giả, chúng tôi chỉ mở ngoặc chú thích trong trường hợp cần làm rõ hơn ý của tác giả.

Những sự thật về 4 lò lửa chiến tranh đang diễn ra - Hình 1

Binh sỹ Quân đội chính phủ Syria đã quá mệt mỏi sau mấy năm chiến đấu liên tục . Ảnh Reuters

Các cuộc chiến tranh đang diễn ra cùng lúc ở Ucraine, Syria, Iraq và Yemen cho chúng ta điều kiện để đánh giá các xu hướng đang diễn ra trong tiến trình phát triển nghệ thuật quân sự thế kỷ XXI.

Tất cả bốn cuộc chiến tranh nói trên đều là nội chiến có sự tham gia của nước ngoài (giấu mặt hoặc công khai).

Trong tất cả các cuộc chiến tranh đó, một trong những bên tham chiến là các chủ thể phi nhà nước, một tính chất đặc trưng của chiến tranh nổi loạn (khởi nghĩa).

Tuy nhiên, trong bốn cuộc chiến tranh đó, các chủ thể phi nhà nước không chiến đấu như những du kích (tức không tiến hành chiến tranh du kích), tất cả họ (các chủ thể phi nhà nước) đều tiến hành một cuộc chiến tranh cổ điển, tức kiểm soát liên tục một khu vực lãnh thổ nhất định và sử dụng các loại phương tiện kỹ thuật (quân sự) mặt đất hạng nặng (sau đây xin gọi là các phương tiện kỹ thuật).

Hiện giờ khó có thể nói, xu hướng một cuộc chiến tranh nổi loạn trở thành một cuộc chiến tranh cổ điển sẽ còn kéo dài đến bao giờ và ở mức độ nào, tuy nhiên, không thể không nhận thấy thực tế đó.

Cán cân lực lượng tại Syria

Chiến tranh Syria đặc biệt ở chỗ là không chỉ có 2 bên, mà là rất nhiều bên tham chiến. Tuy nhiên, đối với Quân đội Syria và các đồng minh thì đối thủ thực sự chỉ có một lực lượng Hồi giáo Sunny cực đoan được phân thành rất nhiều nhóm (IS, “Jebhat An –Nusra”, “Mặt trận Hồi giáo”, “ Những người anh em Hồi giáo” và v.v” ), cái gọi là “Phe đối lập thế tục ôn hòa” chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của các phương tiện tuyên truyền Phương Tây.

Còn “Lực lượng thứ ba” thực sự duy nhất trong cuộc Chiến tranh Syria là người Kurd.

Sau 5 năm rưỡi chiến tranh Quân chính phủ Syria chịu tổn thất nặng về phương tiện kỹ thuật – (mất) không ít hơn 800 xe tăng, khoảng 700 BMP (xe chiến đấu bộ binh) và BTR (xe vận tải bọc thép), hàng trăm hệ thống (khẩu, tổ hợp) pháo, đến 100 máy bay và đến 50 máy bay lên thẳng (trong tất cả các trường hợp, số lượng được tính ở đây các phương tiện kỹ thuật quân sự hoặc là bị phá hủy (tiêu diệt) hoặc trở thành chiến lợi phẩm của đối phương).

Mặc dù vậy, trong trang bị của Quân đội Syria vẫn còn đến 2.200 xe tăng, 1.600 BMP, 1.000 BTR, gần 2.000 hệ thống pháo, 2.000 đến 3.000 phương tiện phòng không mặt đất (tổ hợp tên lửa, tổ hợp tên lửa vác vai, pháo phòng không), 400 máy bay,150 máy bay lên thẳng.

Gần như tất cả các phương tiện kỹ thuật trên – do Liên Xô sản xuất, trong đó có cả những loại được xuất xưởng từ những năm 60, một phần đáng kể trong số đó đã không còn khả năng tác chiến và hiện diện trên sổ sách.

Việc cung cấp các phương tiện hiện đại của Nga (tăng T-90, BTR-80 và 82, hệ thống pháo phản lực bắn dàn “Uragan”, “Smerch” và TOS-1) cực kỳ không đáng kể nếu tính về số lượng và chúng không thể xoay chuyển cục diện chiến tranh.

Nhìn chung trình độ công nghệ của các lực lượng vũ trang Syria rất thấp. Trình độ huấn huấn luyện tác chiến và giáo dục đạo đức – tinh thần (như ta hay nói là công tác giáo dục chính trị- tư tưởng cho dễ hiểu) cho quân nhân Quân đội Syria (đều là lính nghĩa vụ) và các tổ chức cảnh sát đồng minh của quân chính phủ với các định hướng tôn giáo và chính trị khác nhau (dĩ nhiên, các lực lượng này được tập hợp theo nguyên tắc tình nguyện) rất khác nhau. 

Thêm nữa, tất cả đều đã kiệt quệ cả về sức khỏe và tinh thần. Nguồn lực con người cực kỳ hạn chế.

Mặc dù vậy, lực lượng Quân chính phủ đã tỏ ra rất kiên cường, nếu khác đi thì (họ) đã thua trong cuộc chiến này từ lâu rồi. Không quân Syria giữ một vai trò cực kỳ lớn, mặc dù chịu nhiều tổn thất nhưng vẫn đảm bảo hỗ trợ (hỏa lực) thường xuyên cho các lực lượng trên mặt đất và cung cấp cho các lực lượng đồn trú bị bao vây.

Hiện nay các phi công Syria vẫn tiếp tục duy trì cường độ hoạt động như trước ngay cả khi cụm không quân Nga đã được triển khai ở nước này – và đưa chiến dịch đường không lên một mức độ mới về chất.

Các đối thủ đa dạng của Quân chính phủ cũng được trang bị các phương tiện kỹ thuật Xô Viết đã lạc hậu.

Phần lớn trong số đó – chiến lợi phẩm thư được từ Quân chính phủ Syria, mặc dù, rất có thể một phần trong số đó đã được mua bằng tiền của A rập Saudi và Quatar tại các nước Đông Âu và được chuyển giao cho lực lượng đối lập trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Dĩ nhiên, các cụm quân đối lập đông đảo được thành lập trên cơ sở tình nguyện và trong các lực lượng này tỷ lệ người nước ngoài ngày càng tăng (nguồn lực của “ lực lượng đối lập” tại chỗ cũng “hao hụt” nhanh không kém những người ủng hộ Asad).

Trình độ huấn luyện tác chiến và phẩm chất tư tưởng – tâm lý cũng rất khác nhau và tất nhiên, tinh thần chiến đấu phụ thuộc rất nhiều và những thành công hoặc thất bại trên mặt trận.

Sự can thiệp của Nga vào chiến tranh (tại Syria) đã giáng một đòn mạnh vào các tổ chức đối lập không chỉ về mặt quân sự, mà cả về mặt tâm lý.

Thực tiễn phức tạp tại Iraq

Quân đội Iraq chiến đấu đã gần 3 năm chống lại một trong số các đối thủ mà các lực lượng vũ trang Syria cũng đang phải đối mặt đó là tổ chức IS.

Song song, nhưng không cùng chiến hào với Quân đội Iraq trong cuộc chiến chống lại cùng một đối thủ nói trên trên là các tổ chức (người) Shiite và lại vẫn là người Kurd.

Từ đầu năm 2014 (đến nay), các lực lượng vũ trang Iraq và các đồng minh đã mất hơn 70 xe tăng, hơn 400 BMP, BTR và các xe bọc thép, không ít hơn 50 hệ thống pháo, ít nhất 7 máy bay lên thẳng.

Nhưng trong trang bị vẫn còn khoảng 350 xe tăng, hơn 400 BMP, hơn 4.000 BTR và xe ô tô bọc thép, hơn 1.100 hệ thống pháo, khoảng 40 máy bay chiến đấu và gần 200 máy bay lên thẳng.

Các phương tiện kỹ thuật Iraq là một “hỗn hợp” gồm những phương tiện kỹ thuật quân sự tương đối mới và rất cũ của Mỹ với những phương tiện kỹ thuật cũ và cực kỳ cũ của Xô Viết.

Đã mấy năm nay, người Iraq rất tích cực “khôi phục” những phương tiện kỹ thuật từ thời Saddam Hutxen còn có thể khôi phục được. Chính vì thế mà “Abrams” và T-72 từng bắn nhau trong những năm 1991 và 2003, giờ lại cùng nhau xung trận.

Các lực lượng vũ trang Iraq, khác với Quân đội Syria, tuyển quân theo kiểu Mỹ, tức là tuyển lính đánh thuê vì thế và sự kiên cường trong chiến đấu, dĩ nhiên, thấp hơn rất nhiều so với người Syria.

Quân đội Syria từng bị thua nhiều trận, nhưng chưa bao giờ rơi vào tình trạng hỗn loạn và sụp đổ như Quân đội Iraq trong nửa đầu năm 2014. Cũng có thể so sánh như vậy với các cuộc tấn công Aleppo (Syria) và Mosul (Iraq), một sự so sánh dẫn đến kết luận hoàn toàn không có lợi cho người Iraq.

Các đơn vị tình nguyện Shite và người Kurd chiến đấu tốt hơn nhiều so các đơn vị của Quân đội thường trực Iraq. Rất muốn nhấn mạnh sự khác nhau về nguyên tắc giữa các chế độ tuyển quân đánh thuê và tuyển quân tình nguyện. Nguyên tắc đánh thuê – ra mặt trận vì tiền, còn nguyên tắc tình nguyện , khi người ta ra trận vì lý tưởng.

Quân IS “tình nguyện” cũng đánh nhau bằng vũ khí chiến lợi phẩm thu được của Quân Iraq. Tại Syria, cũng như tại Iraq, IS (quốc gia Hồi giáo) rất hay sử dụng đội quân cảm tử.

Trong trường hợp này (người viết) muốn nhấn mạnh đến một thủ pháp chiến thuật mới (của IS) - các chiến dịch quân sự thường bắt đầu bằng một vụ nổ xe ô tô, đôi khi là cả BMP hoặc BTR chứa đầy chất nổ. Có nghĩa là những kẻ đánh bom liều chết là một hình thức thay thế cho pháo bắn chuẩn bị.

Quân đội Iraq sử dụng không quân tương đối nhiều, nhưng như thế vẫn là rất ít để có thể gây tác động đáng kể đến cục diện cuộc chiến. Liên quân do Mỹ đứng đầu có nhiều máy bay hơn quân đội Iraq rất nhiều, nhưng các mục tiêu thực sự và các thành tích thực sự của không quân liên quân là gì – trên thực tế điều này cực kỳ khó hiểu.

Ngoài ra, tham chiến cùng quân Iraq, cũng như cùng Quân Syyria còn có một lực lượng Vệ binh cách mạng Iran không lớn. Khả năng tác chiến của lực lượng cao hơn rất nhiều so với chính các quân nhân Syria và Iraq, chính vì thế mà dứt khoát không thể nào bác bỏ tầm quan trọng của sự hỗ trợ từ Iran trong cuộc chiến chống IS.

Trên bán đảo A rập

Các bên tham chiến trong cuộc nội chiến Yemen một bên là quân khởi nghĩa Houthi (người Shiite ở địa phương) và những người ủng hộ cựu tổng thống Saleh, còn bên kia là những người ủng hộ tổng thống được coi là hợp pháp hiện nay Hadi , thêm nữa, các khu vực lãnh thổ do các bên kiểm soát làm người ta liên tưởng đến Bắc Yemen và Nam Yemen trước đây (Bắc Yemen và Nam Yemen trước là hai quốc gia độc lập, thống nhất tháng 5/1990).

“Lực lượng thứ ba“ trong cuộc chiến này là có thể coi là IS và “Al –Queda” chiến đấu chống lại cả hai phe trên (nhưng đối thủ chủ yếu của các lực lượng Sunni cực đoan vẫn là lực lượng người Houthi).

Từ tháng 3/2015, có thêm Liên quân các Vương quốc vùng Vịnh đứng đầu là A rập Saudi tham chiến cùng với quân của Hadi chống lại người Houthi và đội quân của Saleh.

Quân đội Yemen được trang bị chủ yếu là phương tiện kỹ thuật Xô Viết. Xét tổng thể, chúng còn cũ hơn các phương tiện cùng tính năng của Syria và Iraq. Về mặt hình thức, quân đội tuyển quân theo chế độ nghĩa vụ, nhưng trên thực tế các lữ đoàn đông đảo của Quân đội Yemen trước khi xảy ra nội chiến là các tổ chức quân sự của rất nhiều bộ tộc địa phương.

Về mặt lý thuyết, các đơn vị (lữ đoàn đó) là của một lực lượng vũ trang thống nhất, nhưng trên thực tế, chúng đã trở thành những lực lượng đối đầu nhau, tùy thuộc vào việc lữ đoàn (các lữ đoàn đó) ủng hộ bên nào trong hai bên tham chiến.

Chỉ riêng trong giai đoạn từ khi các nước Vùng Vịnh tiến hành can thiệp quân sự, Quân đội Yemen (cả hai phe) đã mất đến 90 xe tăng, 40 xe BMP và xe BTR, 11 máy bay chiến đấu và 4 máy bay lên thẳng (tất cả các máy bay đấu và máy bay lên thẳng đều bị phá hủy trên mặt đất).

Lực lượng vũ trang Yemen còn lại những gì và quan trọng hơn, cán cân vũ khí trang bị kỹ thuật còn lại giữa hai bên đánh nhau là bao nhiêu, trả lời được vấn đề này là rất khó .

Liên quân Vùng Vịnh thậm chí nếu không tính quân của Hadi cũng đã chiếm ưu thế khổng lồ cả về số lượng và chất lượng trước người Houthi và những người ủng hộ Saleh.

Các nước quân chủ Vùng vịnh chưa bao giờ tiếc tiền trong việc mua sắm các loại phương tiện kỹ thuật mới nhất, mà trước hết là của Mỹ.

Xuất phát từ góc độ tương quan lực lượng, chiến tranh lẽ ra đã phải kết thúc bằng một thảm bại của người Houthi chỉ trong vòng 2-3 tháng. Nhưng trên thực tế chiến tranh đã kéo dài gần 2 năm và trong thời gian đó Liên quân chỉ thu hẹp được phần nào diện tích khu vực lãnh thổ do người Houthi và quân của Saleh kiểm soát. Đội quân có khả năng tác chiến hơn cả trong Liên quân là Quân đội các tiểu vương quốc A rập thống nhất.

Nhưng cũng chính đội quân này chịu nhiều tổn thất hơn cả - hơn 50 xe chiến đấu bọc thép, 01 tiêm kích “Mirage-2000” , 01 tàu tốc độ cao HSV -2. Tuy nhiên, do những bất đồng chính trị với Riyadh (A rập Saudi ), Các tiểu vương quốc A rập thống nhất mấy tháng nay gần đây đã không còn hăng hái tham chiến như trước.

Quân đội A rập Saudi trong thời gian tham chiến đã mất ít nhất 20 xe tăng, không ít hơn 150 BMP, xe chiến đấu mang vũ khí hạng nặng và xe ô tô bọc thép, 01 máy bay tiêm kích – ném bom F-15S, đến 06 máy bay lên thẳng (trong đó có 03 “Apache”, 1 UAV chiến đấu “Ilong”.

Tuy nhiên, trong trang bị của Quân đội A rập Saudi vẫn còn gần 1.100 xe tăng, gần 600 BMP, hơn 5.500 BTR, xe chiến đấu mang vũ khí hạng nặng và xe ô tô bọc thép, đến 1.500 hệ thống pháo, 300 máy bay chiến đấu , đến 250 máy bay lên thẳng. Đã ký nhiều hợp đồng hàng tỷ đô la mua phương tiện kỹ thuật mới nhất của Mỹ, mặc dù ngân sách A rập Saudi bắt đầu cảm nhận “ sâu sắc “ ảnh hưởng của cuộc chiến tranh này và tác động của cuộc chiến hạ giá dầu do chính A rập Saudi khởi xướng.

Vấn đề chủ yếu của quân đội các vương quốc Vùng Vịnh – vẫn là nguyên tắc tuyển quân đánh thuê. Các quân nhân phục vụ vì tiền, và vì thế, mặc dù có một khối lượng rất lớn phương tiện kỹ thuật hiện đại, nhưng vẫn bị những người Houthi nghèo đói sử dụng các loại vũ khí Xô Viết cổ lỗ sỹ đánh cho thiệt hại nặng - vì họ (những người Houthi) chiến đấu vì lý tưởng.

Sự chia rẽ mang tên Ukraine

Những sự thật về 4 lò lửa chiến tranh đang diễn ra - Hình 2

Quân đội Ucraine , dĩ nhiên , đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm chiến đấu , nhưng có vẻ như đã mất tinh thần chiến đấu. Ảnh : trang mạng chính thức của Bộ Quốc phòng Ucraine

Trong 2 năm rưỡi từ khi cuộc chiến trang Donbass bắt đầu, các lực lượng vũ trang Ucraine đã mất hơn 220 xe tăng, hơn 500 xe BMP và xe BMD (xe chiến đấu – tuần tiễu), hơn xe 200 BTR và gần xe 100 BTR-D (xe vận tải bọc thép – tuần tiễu ), xe MTLB( xe vận tải bọc thép đa năng hạng nhẹ), hơn 200 hệ thống pháo, hơn 10 phương tiện phòng không, 12 máy bay chiến đấu và 12 máy bay lên thẳng.

 Nhưng trong trang bị vẫn còn khoảng 1.900 xe tăng, khoảng 3.000 xe BMP, xe BMD và xe BTR, gần 2.500 hệ thống pháo, hơn 400 máy bay chiến đấu, gần 200 máy bay lên thẳng.

Nói chung, cũng như các lực lượng vũ trang Syria, phần lớn các phương tiện kỹ thuật quân sự (của Ucraine) chỉ tồn tại trên sổ sách, bởi vì chúng đã hết tuổi thọ hoàn toàn. Gần như tất cả các phương tiện kỹ thuật của Quân đội Ucraine đều được sản xuất từ thời Xô Viết, việc cung cấp các loại phương tiện kỹ thuật mới hoàn toàn mang tính chất biểu tượng về mặt số lượng và chất lượng cực kỳ thấp.

Sau khi bãi bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự vào cuối năm 2012, Ucriane, dĩ nhiên, lại phải quay lại áp dụng chế độ này chỉ sau chưa đầy một năm. Và thực sự cũng không thể hiểu là trên mặt trận Donbass có lính nghĩa vụ tham chiến hay không.

 Trên thực tế, các thành phần nhân sự của các lực lượng vũ trang Ucraine là sự pha trộn giữa lính hợp đồng, lính tình nguyện và lực lượng động viên, trong đó thành phần bất hảo chiếm một tỷ lệ tương đối lớn.

Trình độ huấn luyện tác chiến, thường là thấp, mặc dù qua thời gian chiến tranh khả năng tác chiến đã được cải thiện, dĩ nhiên. Về tình trạng tinh thần (tinh thần chiến đấu), thì hoàn toàn ngược lại – vào thời kỳ đầu chiến tranh tinh thần chiến đấu (của binh sỹ Quân đội Ucraine) tương đối cao, - còn hiện nay nó (tinh thần chiến đấu) đang ở mức cực kỳ thấp.

Tổn thất về phương tiện kỹ thuật cực kỳ lớn, nếu tính đến yếu tố thời gian tiến hành chiến tranh (giai đoạn ác liệt chỉ gần 1 năm), thì những tổn thất này còn lớn hơn cả tổn thất của Quân đội Syria (tức tính tỷ lệ tổn thất / thời gian tiến hành chiến tranh).

Không quân Ucraine dù trong mấy tháng đầu chiến tranh phải chịu những tổn thất đáng kể, nhưng chưa đến mức thảm họa, thế nhưng chỉ đến cuối mùa hè năm 2014 gần như đã ngừng tham chiến, có nghĩa là các phi công Ucraine chiến đấu còn kém hơn cả các phi công A rập.

Tuy vậy, cũng cần phải nhìn nhận một thực tế là 2 thất bại mang tính thảm họa của Quân đội Ucraine (tại Ilovaisk và Debaltsevo) không phải hoàn toàn do “lỗi” của dân quân (Donbass).

Các lực lượng DNR (Nước cộng hòa nhân dân Donbass) và LNR (Cộng hòa Lugansk) cũng được trang bị các phương tiện kỹ thuật như Các lực lượng vũ trang Ucraine. Một phần do họ chiếm được trong các trận đánh, một phần được mua của chính đối phương, một phần khác theo đường “Voentorg” (mạng lưới các cửa hàng cung cấp cho Quân đội Nga).

Hình thức tuyển quân, dĩ nhiên, thực hiện theo nguyên tắc tình nguyện, không những thế, những người có động cơ tư tưởng mạnh hơn cả lại là quân tình nguyện từ nước ngoài (chủ yếu là người Nga, nhưng không chỉ có người Nga), mặc dù nếu tính về số lượng họ chỉ chiếm không hơn 20% tổng số quân).

Nhìn chung, nếu xét từ góc độ trang bị kỹ thuật, tinh thấn chiến đấu và công tác giáo dục chính trị tư tưởng thì dân quân Donbass ở mức tương đương với đối thủ của mình. Điều đó cũng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì họ cùng một dân tộc.

Các cuộc chiến tranh cho thấy những gì?

Tất cả các cuộc chiến tranh nói trên đều có đặc điểm là tổn thất về phương tiện kỹ thuật bọc thép của các bên cực kỳ lớn. Hoàn toàn rõ ràng là, các xe BMP và BTR truyền thống đã hết thời, bởi vì nó không bảo vệ được bộ binh trước bất cứ cái gì.

Trong tất cả các cuộc chiến tranh Trung Cận Đông hiện nay, các xe vận tải dân sự và xe Jeep với có loại vũ khí tự chế thủ công rất khác nhau được sử dụng rất phổ biến. Thay vì các vỏ thép, các “Tachanka” này (tạm dịch – xe chiến đấu – và giới thiệu ảnh để bạn đọc hình dung) có kích thước nhỏ và tốc độ cao.

Mặc dù vậy, tổn thất gây ra của các loại xe “Tachanka” còn cao hơn cả các phương tiện kỹ thuật bọc thép “thông thường” mặc dù là chúng không bao giờ có thể thay thế được xe BMP và xe BTR. Lại càng không thể thay thế được xe tăng.

Thành thử phương án duy nhất có thể chập nhận được trong việc phát triển phương tiện kỹ thuật bọc thép – tiếp tục tăng khả năng tự bảo vệ (chủ động và thụ động) xe tăng và quy chuẩn hóa khung gầm xe tăng và BMP.

Còn một kết luận nữa có thể rút ra từ các cuộc chiến tranh hiện nay là cần phải từ bỏ việc quá sùng bái không quân và đánh giá vai trò của nó một cách thích hợp hơn. Vai trò của không quân là cực kỳ quan trọng, mặc dù vậy kết cục chiến tranh được quyết định trên mặt đất.

 Trong mỗi cuộc chiến tranh (trong số 4 cuộc chiến tranh trên) thì chỉ một bên tham chiến có không quân, trong khi đó tiềm lực phòng không của bên còn lại rất hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng.

Mặc dù vậy, không quân đã không giành được chiến thắng trong một cuộc chiến tranh nào (trong 4 cuộc chiến tranh nói trên), còn tại Ucraine, thì không quân Ucraine, về bản chất là vô tích sự.

Cần phải hiểu rằng, hiện nay ngay cả khối NATO cũng không đủ sức thành lập các cụm không quân khổng lồ như đã từng làm để chống Iraq năm 1991 và chống Nam Tư năm 1999, một nước riêng rẽ nào đó lại càng không thể. Thành thử phải quên ngày chuyện giành chiến thắng trong chiến tranh chỉ bằng riêng lực lượng không quân.

Một kết luận cực kỳ quan trọng nữa – đó là phải khẳng định vai trò hết sức quan trọng của nhân tố số lượng và cùng với đó là một chất lượng nhất định. Như trên đã chứng minh, các bên tham chiến dù chịu tổn thất rất lớn về phương tiện kỹ thuật, nhưng họ vẫn còn một khối lượng lớn các phương tiện kỹ thuật trong trang bị.

Không một quân đội nào trong số các quân đội Châu Âu có thể chịu được mức tổn thất như Iraq, A rập Saudi, chứ chưa nói mức tổn thất của Syria, Ucraine, mà vẫn có thể tiến tục chiến đấu.

Dĩ nhiên là, lại một lần nữa công tác huấn luyện tác chiến và giáo dục phẩm chất đạo đức – tâm lý khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của mình. Đặc biệt, thực tiễn (các cuộc chiến tranh trên) lại một lần nữa khẳng định là “quân nhân nhà nghề ”, tức lính đánh thuê là đội quân có khả năng tác chiến kém nhất.

Tất cả các kết luận trên đều có giá trị ứng dụng đối với nước Nga. Cụ thể, các cuộc chiến đang diễn ra cho thấy là các lực lượng vũ trang cần phải được trang bị một khối lượng lớn các phương tiện kỹ thuật có chất lượng cao và trình độ huấn luyện tác chiến và phẩm chất đạo đức – tâm lý của sỹ quan – binh sỹ phải ở mức rất cao.

Nhưng điều vừa nói nghe có vẻ tầm thường đến mức ngu ngốc, nhưng không hiểu tại sao lại có rất nhiều người vẫn không hiểu được điều “tầm thường” đó và điều đó thấy rõ qua ví dụ các cuộc chiến tranh đang diễn ra hiện nay.

Chính vì vậy mà những ai lớn tiếng tuyên bố là nước Nga cần một “quân đội chuyên nghiệp gọn nhẹ” thì hoặc là (họ) không hề có quan hệ gì với lĩnh vực quân sự, hoặc là không thèm quan tâm đến lợi ích của nước Nga, hoặc là cả hai cùng một lúc.

Quân đội Nga cần phải là một quân đội nghĩa vụ, còn lính hợp đồng chỉ có thể là những người đã hoàn thành một năm nghĩa vụ và sau đó phải được tuyển chọn hết sức khắt khe. Phương tiện kỹ thuật mới cần phải được mua với một số lượng thích hợp: phương tiện kỹ thuật mặt đất – hàng nghìn đơn vị , hàng không - hàng trăm đơn vị, còn trên biển (trừ các tàu nổi cỡ lớn) – hàng chục đơn vị.

Cụ thể, cần phải có hàng nghìn “Armata” kể cả phiên bản xe tăng lẫn phiên bản BMP. Sai lầm lớn nhất – mua phương tiện kỹ thuật mới với số lượng nhỏ giọt (như nhiều nước NATO hiện nay đang làm). Trong trường hợp này nó (phương tiện kỹ thuật) trở thành “vàng” trong sản xuất và khi khai thác và trên thực tế cũng không thể sử dụng trong chiến đấu. Lúc ấy thì tốt nhất là hiện đại hóa các phương tiện kỹ thuật cũ.

Chúng ta (Nga) hiện nay cũng đang đối mặt với vấn đề số lượng tại Syria. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, chiến tranh Syyria – đấy là cuộc chiến tranh cần thiết nhất đối với chúng ta xét ở phương diện chính trị (cùng với hai cuộc chiến tranh Chesnia) và thành công nhất xét từ bình diện quân sự.

Tuy nhiên, kết quả sẽ còn mỹ mãn hơn nhiều, nếu như cụm quân Nga ở Syria có nhiều máy bay và máy bay lên thẳng hơn và nếu như tình trạng thiếu đạn dược không diễn ra thường xuyên (cũng cần phải có một số lượng đạn dược thích hợp).

Có nghĩa là trong cuộc chiến tranh cần thiết nhất đối với chúng ta (Syria), chúng ta đang phải nhấm vị đắng của chính sách tiết kiệm chi tiêu cho quốc phòng trước đây. Nếu như tình trạng tiết kiệm này lại xảy một lần nữa, sẽ không diễn ra điều gì đó có thể làm (chúng ta) liên tưởng một cách xa xôi đến một sự khởi sắc nào đó của nền kinh tế và lĩnh vực xã hội (vì tiết kiệm ngân sách quốc phòng để đầu tư cho các lĩnh vực này).

Sẽ xảy ra điều hoàn toàn ngược lại – chúng ta sẽ tự tay mình đào mồ chôn mình trước sự hả hê của phần nhân loại còn lại.

Lê Hùng - Nguyễn Hoàng (dịch)- Baodatviet