Trên cơ sở kế thừa luật Công đoàn năm 2012, dự luật sửa đổi lần này gồm 6 chương, 36 điều, bỏ 1 điều so với luật hiện hành.
Theo đó, dự thảo luật Công đoàn sửa đổi có nhiều thay đổi cơ bản, trong đó có nội dung hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống công đoàn Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Đình Khang, dự thảo luật đã bổ sung quy định về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo đề nghị bổ sung quy định về trích kinh phí công đoàn cho các cấp công đoàn và cho tổ chức của người lao động trong doanh nghiệp tại khoản 2, Điều 30 theo 2 phương án:
Phương án 1: Giao Chính phủ quy định chi tiết.
Phương án 2: Quy định cụ thể tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn đối với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Để đảm bảo công khai, minh bạch, tăng cường hơn nữa công tác kiểm toán và giám sát của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công đoàn, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 31, Điều 32, bổ sung mới 1 nội dung về công khai tài chính công đoàn tại Điều 33.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho hay, theo phương án 1, Chính phủ chỉ cần quy định việc phân phối kinh phí công đoàn cho những nơi (doanh nghiệp) đã có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và cấp phép hoạt động hợp pháp. Trong khi đó, việc ra đời và hoạt động của tổ chức này là vấn đề mới, chưa có thực tiễn.
Nêu vấn đề đó, Tổng Liên đoàn lao động đề nghị chọn phương án 1.
Minh Đức