Nhiều hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị giảm phí công đoàn còn tối đa 1% quỹ tiền lươngNhiều hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị giảm phí công đoàn còn tối đa 1% quỹ tiền lương

Ngày 6/10, các hiệp hội doanh nghiệp, gồm: Dệt may, Thủy sản, Da giày - Túi xách, Điện tử, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA), Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã có Công văn 06102020/HHDN gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ về những kiến nghị cho việc sửa đổi Dự thảo Luật công đoàn.

Theo các Hiệp hội, hiện chưa có sự đồng nhất giữa Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Công đoàn về kinh phí hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Theo đó, không có cơ sở để áp dụng thu kinh phí công đoàn.

Trong trường hợp Quốc hội quyết định tiếp tục thu kinh phí công đoàn từ người sử dụng lao động, các hiệp hội kiến nghị giảm kinh phí công đoàn xuống còn tối đa 1% quỹ lương. Lý do là doanh nghiệp hiện đã tự nguyện cung cấp nhiều lợi ích cho người lao động, ngoài những lợi ích lao động được hưởng từ kinh phí công đoàn.

Đồng thời, theo đại diện các cộng đồng doanh nghiệp này, tỷ lệ đóng nên linh hoạt thay đổi theo từng thời kỳ, tùy tình hình kinh tế xã hội.

Liên quan đến kinh phí công đoàn, các hiệp hội cũng nhận định các khoản chi chăm lo trực tiếp cho người lao động còn bị hạn chế.

Thậm chí, ước tính cứ 1 đồng chi cho người lao động thì mất 0,5 đồng chi lương phụ cấp và quản lý hành chính. Định mức chi cho cán bộ công đoàn cao hơn 500-1.000% so với biên chế Nhà nước khác, theo số liệu từ Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước về việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Vì vậy, các hiệp hội kiến nghị, kinh phí công đoàn phải được dùng để chăm lo đời sống cho người lao động, đầu tư vào các hoạt động cho người lao động; không được dùng kinh phí công đoàn làm kinh phí hoạt động của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Bởi việc đảm bảo kinh phí  hoạt động này thuộc về ngân sách nhà nước, đã được quy định rõ trong Luật Ngân sách nhà nước. Khoản tiền này cũng không nên được tiếp tục gọi là kinh phí công đoàn vì nó sẽ tạo ra sự nhầm lẫn và mâu thuẫn về mục đích ý nghĩa của khoản thu như đã nêu trên.

Trang Nguyễn