Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam vừa có văn bản góp ý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay gửi đến Bộ Tài chính.
Qua đó, Hiệp hội nhất trí với đánh giá của Bộ về những khó khăn của ngành hàng không Việt Nam và chủ trương tháo gỡ khó khăn để ngành hàng không Việt Nam tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Tuy nhiên theo ý kiến Hiệp hội, đơn vị này đề nghị giảm sâu hơn mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay xuống còn 900 đồng/lít, giảm ít nhất cũng nên xuống mức 1.500 đồng/lít, tương đương với 50% mức thuế hiện hành.
Các hãng hàng không đều bị ảnh hưởng do lượng khách sụt giảm thời điểm dịch Covid-19
Trước đó, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến của các Bộ, ngành về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay để hỗ trợ các hãng hàng không bị ảnh hưởng Covid. Cơ quan này đề xuất giảm 30% mức thuế nhiên liệu bay hiện hành, nghĩa là xuống còn 2.100 đồng mỗi lít.
Theo ông Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội, mức giảm còn 1.500 đồng một lít thực ra vẫn thấp so với một số nước khu vực, như Trung Quốc và Australia đã miễn toàn bộ thuế tiêu thụ nhiên liệu. Ấn Độ tạm dừng hầu hết các loại thuế trong ngành hàng không; Thái Lan giảm tới 96% thuế môi trường đối với nhiên liêu bay từ 6/2 đến ngày 30/9/2020…
Hơn nữa, Chính phủ đang đẩy mạnh kích cầu ngành du lịch, nên việc giảm thuế nhiên liệu bay sẽ giúp các hãng hàng không giảm giá vé và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp hàng không cũng kiến nghị Quốc hội sớm quyết định việc giảm thuế để áp dụng từ 1/7 tới và kéo dài hiệu lực trong một năm kể từ ngày ký.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp hàng không thua lỗ và các khoản nợ đang khá lớn, việc áp dụng mức thuế sớm hơn sẽ giúp các doanh nghiệp giảm nợ, từ đó cải thiện dòng tiền và tính thanh khoản.
Tâm An