Người luôn căn dặn: Chăm lo đời sống cho nhân dân để an dân, yên đất nước là nhiệm vụ chính trị trung tâm và ưu tiên; là thước đo và tiêu chí đánh giá sự hoàn thành trách nhiệm trong toàn bộ hoạt động tổ chức, điều hành, quản lý xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Những quan điểm, tư tưởng của Người về chăm lo cho đời sống nhân dân đến nay vẫn còn nguyên giá trị; đồng thời, đã, đang và sẽ tiếp tục được Đảng, Nhà nước Việt Nam vận dụng, phát huy và phát triển trên hành trình xây dựng thành công nước Việt Nam "hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới" như di nguyện cuối cùng của Người.
Muôn vàn tình thương yêu con người
Sinh thời, Người từng nói: Ở đời và làm người phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị áp bức, đau khổ. Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt nhân dân Việt Nam khẳng định những quyền cơ bản thiêng liêng của con người, đó là: Con người sinh ra có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đồng thời tuyên bố với thế giới rằng người dân được sống an toàn và được bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm chỉ trong điều kiện đất nước độc lập, tự do, bình đẳng, không có áp bức bất công...
Trả lời phỏng vấn nhà báo nước ngoài ngày 21/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh bộc bạch: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Người luôn căn dặn các đồng chí của mình: Sự quan tâm, chăm lo cho ấm no, hạnh phúc của nhân dân là bổn phận, trách nhiệm của Đảng, bởi lợi ích của Đảng không nằm ngoài lợi ích của dân tộc, của nhân dân. Có như vậy, nhân dân mới có niềm tin vững chắc vào Đảng; một lòng một dạ đi theo Đảng để cuộc sống càng ngày càng tốt đẹp hơn.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Đảng phải có trách nhiệm chăm lo cho nhân dân: Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi.
Đặc biệt, trong bản Di chúc thiêng liêng mà Người để lại trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn không quên nhấn mạnh: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Người chỉ rõ, để nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trước hết phải xây dựng nhà nước thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Công việc của Chính phủ phải nhằm mục đích duy nhất là đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, để gánh vác việc chung cho dân, đặc biệt, “việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
Hoàn thiện thể chế và đa dạng hóa hoạt động chăm lo đời sống người dân
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống cho nhân dân, Đảng, Nhà nước ta không ngừng nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế và đa dạng hóa các hoạt động chăm sóc đời sống nhân dân.
Đảng và Nhà nước luôn coi trọng phát triển thể chế và đa dạng hóa các hoạt động chăm sóc đời sống người dân: Đồng bộ hóa các hệ thống quy định pháp lý và các tổ chức chuyên trách; xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia và địa phương liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp về chăm sóc đời sống người dân; không ngừng mở rộng quy mô và đa dạng hóa các nguồn vốn, các kênh và cách thức chăm lo đời sống người dân.
Quốc hội đã sớm thông qua Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Trẻ em và nhiều chính sách trợ giúp xã hội giảm nghèo như: Các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; một số chính sách đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số về đất ở, đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt...
Chính phủ đã đầu tư ngày càng nhiều cho việc thực hiện các chính sách xã hội, thông qua điều chỉnh các mức hưởng, diện đối tượng hưởng và cả số lượng chính sách; nhất là chính sách đối với người có công, chính sách bảo trợ xã hội và các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân gặp khó khăn, phát triển hạ tầng dịch vụ xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Đồng thời, công tác kiểm tra, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân.
Hằng năm, Nhà nước đã dành 21% ngân sách cho phúc lợi xã hội, là mức cao nhất trong số các nước ASEAN. Tỷ trọng chi ngân sách cho an sinh xã hội tăng dần, từ 2,85% GDP năm 2005 lên khoảng 6,7% GDP năm 2021. Bên cạnh vốn ngân sách nhà nước, nhiều nguồn lực khác đã được huy động cho công cuộc giảm nghèo như vốn ODA, đóng góp của các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và tư nhân. Trong thực tế đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hợp tác công-tư trong giảm nghèo và bảo trợ xã hội.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, Đảng, Chính phủ đã quyết định nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo hàng chục nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, hơn 38.000 tỷ đồng từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã được chi để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Hằng năm, vào các dịp lễ, tết hoặc khi có thiên tai, dịch bệnh, Chính phủ, chính quyền các cấp và các đoàn thể, tổ chức xã hội thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động diễn đàn và cứu trợ cộng đồng, chăm sóc đời sống nhân dân đa dạng khác. Giai đoạn 2016-2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 4 cấp đã vận động Quỹ Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội được 32.051 tỷ đồng; giúp đỡ xây mới và sửa chữa 228.221 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo. Hoạt động của Quỹ Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội đã tạo thêm nguồn lực giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo, có nhà ở, ổn định cuộc sống.
Chất lượng sống của người dân ngày càng được cải thiện
Nhờ sự quan tâm, chăm sóc tới đời sống người dân, Việt Nam là điểm sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao vì đã về đích trước thời hạn theo mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Tỷ lệ nghèo trên đầu người (tính theo chi tiêu thu nhập) giảm mạnh từ hơn 70% (năm 1990) xuống còn 13,5% (năm 2014). Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều từ năm 2016.
Từ năm 2016, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phủ sóng phát thanh mặt đất và truyền hình mặt đất; đến năm 2020, 100% xã có đài truyền thanh xã. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%, trong đó 54% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn.
Đặc biệt, năm 2023, kết quả chăm lo đời sống người dân còn thể hiện đậm nét ở Chỉ số hạnh phúc toàn cầu của Việt Nam đứng thứ 65/137 quốc gia trong xếp hạng của Liên hợp quốc năm 2023, tăng 12 bậc so với năm 2022. Việt Nam hiện xếp hạng 72 trong Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2023 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, với tiến độ bình đẳng giới đạt 71,1%, tăng 11 bậc so với vị trí năm 2022. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 39-40%.
Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 31,5-32%. Bảo hiểm y tế toàn dân đã bao phủ hơn 92% dân số. Cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); trong đó có 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
Trên thực tế, 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói; hơn 90% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời; hơn 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời.
Năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai các hoạt động chăm lo Tết của các cấp công đoàn với tổng kinh phí hơn 6.110 tỷ đồng, tăng 260 tỷ đồng so với Tết Nhâm Dần 2022; đồng thời hỗ trợ hơn 100 tỷ đồng cho người lao động bị giảm giờ làm việc hoặc bị ngừng việc.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Tính đến ngày 18-6-2023 đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn; đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.
Đời sống người hưởng lương và trợ cấp được cải thiện tích cực từ ngày 1/7/2024 nhờ chính sách tăng lương cơ sở 30%, tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng 15% theo Nghị quyết số 142/2014/QH15 ngày 29-6-2024; Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30-6-2024 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Những kết quả nêu trên đã hội tụ và phản ánh những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong chăm lo đời sống người dân theo di nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta luôn vì con người, lấy con người làm trung tâm; coi đầu tư cho thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển.
Hơn nữa, những kết quả đó còn là minh chứng về sự đổi mới, sáng tạo của Đảng và Nhà nước ta trên hành trình không ngừng hoàn thiện thể chế chăm lo đời sống người dân, với quan điểm xuất phát “chính sách xã hội bao trùm mọi mặt cuộc sống con người” trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đã nâng cấp thành chủ trương “thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam” như văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh.
Đồng thời, chính sách an sinh xã hội cũng được phát triển theo xu thế mở rộng phạm vi, từ an sinh xã hội tập trung cho nhóm yếu thế, mức tối thiểu sang chính sách xã hội toàn dân và toàn diện các mặt đời sống. Về đối tượng, chuyển sang giai đoạn mới không chỉ lo cho nhóm yếu thế, nhóm khó khăn mà mở rộng, tiến tới phát triển tầng lớp trung lưu mang tính dẫn dắt phát triển xã hội. Chính sách xã hội phải đồng thời gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững; hệ thống an sinh xã hội phải linh hoạt, thích ứng với các cú sốc diện rộng, bảo vệ toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau...
Theo Báo QĐND