Sáng 29/8, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các cơ quan Trung ương (1969 - 2024)”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Chủ trì hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể; Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, thạc sỹ Phạm Thanh Hà, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có hơn 600 đại biểu.
Tham dự Hội thảo có hơn 600 đại biểu là các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban Đảng Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo: Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và đại diện lãnh đạo: Thành ủy Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh; các chuyên gia, nhà khoa học; các Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy của các cơ quan phối hợp tổ chức Hội thảo; đại diện thường trực, trưởng ban tuyên giáo, các đảng viên tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của các đảng ủy trực thuộc Đảng ủy Khối và đoàn viên, thanh niên xuất sắc, tiêu biểu trong các cơ quan Trung ương.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử vô giá
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Hội thảo là hoạt động để chúng ta tưởng nhớ, tri ân công lao trời biển và những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam; khơi dậy ý chí, tinh thần quyết tâm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó có cán bộ, đảng viên các cơ quan Trung ương thực hiện thành công ước nguyện cao cả của Người.
"Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử vô cùng quý giá ở tầm cương lĩnh của Đảng - một bảo vật quốc gia, kết tinh tình cảm và tâm huyết suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng cao cả, tận trung Tổ quốc, với Đảng, tận hiếu với nhân dân; hội tụ trí tuệ lỗi lạc, thể hiện sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách mẫu mực, trái tim nhân ái bao la của một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng", GS. TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ.
Nhấn mạnh những nội dung của Di chúc, GS. TS Nguyễn Xuân khẳng định, 55 năm trôi qua, Di chúc vẫn vẹn nguyên giá trị thời đại, là “ngọn đuốc” soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc vô cùng giản dị mà thiêng liêng, có ý nghĩa lịch sử và thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả.
Trong Di chúc, Người căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta những việc to lớn, hệ trọng và định hướng sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước sau khi thống nhất, đặc biệt là những vấn đề cốt yếu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Người khẳng định sứ mệnh cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam và đưa ra nhận định mang tính tổng kết về quy luật phát triển của Đảng. Đó là toàn bộ sức mạnh, uy tín, thành công của Đảng là do truyền thống đoàn kết chặt chẽ trong Đảng và sự trung thành, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.
Với tầm nhìn xa, trông rộng của một lãnh tụ cách mạng, vấn đề con người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập một cách sâu sắc, toàn diện và khoa học. Người thấy rõ tầm quan trọng của việc chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau đối với sự phát triển vững mạnh của Đảng và đất nước. Người nêu rõ: “Đảng phải chăm lo giáo dục, đào tạo họ trở thành những chủ nhân của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên””.
Di chúc cũng chỉ ra con đường xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Bản Di chúc chính là một kế hoạch, chương trình hành động cho toàn Đảng, toàn dân về công cuộc xây dựng xã hội mới với những chỉ dẫn về quản lý trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân.
Tất cả những lời căn dặn của Người trong Di chúc đều hướng tới “mong muốn cuối cùng” đó là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Làm theo Di chúc của Người, chúng ta đã tái thiết đất nước thành công, đang trên đường đổi mới và phát triển, khẳng định vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế. Đất nước Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Thực hiện Di chúc của Người và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, là trách nhiệm của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh theo di nguyện của Người
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới. Di chúc của Người là một văn kiện lịch sử cực kỳ quan trọng, kết tinh tư tưởng, văn hoá, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân, Người "đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta". Trong Di chúc, Người căn dặn những vấn đề trọng yếu nhất về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta luôn là một đảng mácxít chân chính, “là đạo đức, là văn minh”, đại biểu cho trí tuệ, lương tâm và phẩm giá của dân tộc Việt Nam.
Di chúc cũng thấm đậm và tràn đầy tinh thần nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp giải phóng và phát triển con người, nhất là thế hệ trẻ. Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”; quan tâm chăm lo phát triển toàn diện con người với tất cả phẩm chất chân - thiện - mỹ, có đức, có tài, trước hết là bồi đắp về nhân cách, tu dưỡng đạo đức cá nhân, giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn trong sáng, cao đẹp của con người Việt Nam.
Quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết và hợp tác quốc tế trong thời kỳ mới, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng đã lãnh đạo xây dựng và “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, “Quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”.
55 năm qua, tư tưởng và Di chúc của Người luôn đồng hành cùng dân tộc, soi rọi, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn kiên định và trung thành với sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Người, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã trọn đời cống hiến và hy sinh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, nghị lực và ý chí toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối, “thoả lòng mong ước của Người”.
Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng, luôn xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên và then chốt. Trong các kỳ Đại hội của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã nghiên cứu bổ sung nội dung xây dựng Đảng vào Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; ban hành các Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Xây dựng Đảng về đạo đức gắn với xây dựng văn hóa liêm chính, coi văn hóa liêm chính là nền tảng xây dựng ý thức và đạo đức của cán bộ, đảng viên, đồng thời, “xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực. Muốn xóa bỏ triệt để, tận gốc tham nhũng, tiêu cực, việc xây dựng văn hóa liêm chính với tinh thần như Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói “danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất” chính là giải pháp căn cơ, lâu dài.
“Trong suốt chiều dài lịch sử của cách mạng Việt Nam, mỗi thắng lợi, mỗi bước đi lên đều gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện kế tục sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; nguyện “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
PV (t/h)