Trước khó khăn của các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã triển khai chương trình đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thúc đẩy kinh doanh trực tuyến và thương mại điện tử xuyên biên giới, trong chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.

Những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam. Do đó, chương trình được phối hợp thực hiện cùng Google và có sự tham gia đồng hành của các đối tác OSB, Alibaba.com và hội viên VECOM như Sapo và iViet.

Theo đó, chương trình hướng đến mục tiêu giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhận thức về kinh doanh online và chuyển đổi số, sử dụng các công cụ nền tảng mới, trong việc thúc đẩy bán hàng xuất khẩu trực tuyến. Từ đó từng bước đưa các doanh nghiệp truyền thống lên trực tuyến và sử dụng các công cụ quảng bá, tiếp cận thị trường, để tối ưu hóa sự xuất hiện và bán hàng của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn, thách thức trong xuất khẩu trực tuyến
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn, thách thức trong xuất khẩu trực tuyến (Ảnh minh họa).

Dự kiến chương trình hỗ trợ doanh nghiệp được chia làm hai hợp phần chính gồm: Thúc đẩy kinh doanh trực tuyến và sẵn sàng cho hoạt động xuất khẩu trực tuyến có sự tham gia của đối tác Google, iViet và Sapo; Đào tạo kỹ năng xuất khẩu và vận hành trên các nền tảng bán hàng xuyên biên giới.

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại thông tin, những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm, đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động này mới đang tập trung nhiều vào thị trường nội địa.

Việc xúc tiến quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam ra thế giới là cách thức tìm kiếm bạn hàng, thực hiện giao dịch kinh doanh có tiềm năng lớn, đặc biệt khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.  

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia, thói quen tiêu dùng đang dần thay đổi nhanh chóng, với sự dịch chuyển từ phương thức mua sắm truyền thống sang trực tuyến. Đồng nghĩa với việc này là khả năng giao dịch và bán hàng toàn cầu cũng ngày một lan rộng. Xuất khẩu trực tuyến đang là đích đến của nhiều doanh nghiệp, bởi đây không còn là xu thế mà đã trở thành thực tế, đồng thời là giải pháp giúp doanh nghiệp có hướng đi mới phục hồi sau đại dịch.

Trúc Mai