Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Nơi ấy, một mùa xuân đi qua

Nhập ngũ, sau ba tháng huấn luyện tân binh, học điều lệnh nội vụ, đội ngũ và bắn đạn thật xong bài một, tôi được điều về tiểu đoàn công binh huấn luyện kỹ thuật binh chủng, để chuẩn bị tăng cường lực lượng cho biên giới Tây Nam...

Đơn vị tôi chuyển quân đến huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây- Một vùng đồi núi nhấp nhô, cây cối trơ trụi lá vì nắng hạn. Mùa hè ở đây nắng như đổ lửa. Đứng trên đồi nhìn bốn xung quanh, lúp xúp những bụi sim, bụi mua, vài chục mái nhà tranh thâp tè nằm rải rác bên những thửa ruộng khô cằn. Nhìn dưới chân đồi, chỉ thấy trắng xóa một màu bạc phếch.

Hình ảnh của một vùng quê nghèo đã làm tắt lịm những mơ ước lãng mạn trong trí tưởng tượng của một cậu học trò Hà Nội mới 18 tuổi vừa rời ghế nhà trường lúc đó như tôi. Buồn chán, nhưng tôi vẫn phải chịu đựng vì nhiệm vụ và kỷ luật của đơn vị.

Trung đội tôi đóng quân ở nhà dân. Tôi được phân công ở nhà bác Thoan. Nhà bác Thoan ở cuối làng. Hôm đầu chuyển quân đến, anh cán bộ trung đội trưởng dẫn tôi đi hết con đường làng ghồ ghề “sống trâu” rồi rẽ vào một căn nhà lá lụp xụp.

Tiếng chó sủa, bác Thoan chạy ra tươi cười mời chúng tôi vào nhà. Anh cán bộ trung đội trưởng giới thiệu tôi với bác Thoan, nói vài câu xã giao, nhắc tôi chú ý làm tốt công tác dân vận rồi vội vã xin phép bác chủ nhà tiếp tục đi làm nhiệm vụ.

Nơi ấy, một mùa xuân đi qua - Hình 1

Bác Thoan ở một mình. Căn nhà lá ba gian sơ sài của bác chỉ có một cái giường cũ và một cái chõng tre. Bác Thoan nhường tôi nằm giường, còn bác nằm chõng. Bác coi tôi như con đẻ trong nhà. Năm đó bác Thoan đã ngoài 50 tuổi nhưng tính tình vui vẻ, đôn hậu.

Buổi tối ở vùng trung du vắng vẻ, khá lạnh và buồn, nên cánh lính mới chúng tôi ít đi chơi. Khi đó lại đang mùa thu hoạch khoai lang nên tôi thường ở nhà giúp bác nhặt khoai.

Mỗi buổi tối như thế, bác Thoan lại kể cho tôi nghe một mẩu chuyện về đời bác. Bác kể rằng, bác đi lấy chồng từ năm 17 tuổi, nhưng nếu tính tổng cộng thời gian chung sống với nhau chỉ vẻn vẹn vài tháng. Chồng bác là bộ đội kháng chiến chống Pháp. Một lần trước khi đi Nam chiến đấu, ông được về phép thăm nhà và lần ấy bác Thoan sinh được bé Ngần, để rồi sau đó, ông không bao giờ quay trở lại. Hơn 10 năm sau, bác mới biết tin bác trai mất.

Hôm UBND xã tổ chức làm lễ truy điệu, bác Thoan khóc nhiều lắm. Năm đó bác ốm nặng. Đó là những năm bác chôn chặt khổ đau mất mát vào lòng, gắng gượng nuôi con và dồn tất cả tình cảm cho bé Ngần. Thấm thoát đã mười tám năm trôi qua kể từ khi bé Ngần cất tiếng khóc chào đời… Bỗng bác Thoan thở dài, ngước nhìn lên trời. Đêm tháng 5, bầu trời đầy sao. Ánh trăng cuối tháng mỏng manh, yếu ớt, soi xuống mái tóc của bác Thoan ánh một màu bàng bạc. Từ trong khóe mắt của bác, tôi thấy ngân ngấn những giọt nước long lanh.

Giọng nghẹn ngào, bác kể: “Cái Ngần nhà bác là đứa ngoan ngoãn, chịu khó và rất thương bác. Năm ngoái, bác Hải bộ đội phục viên về làng, bị thương cụt một tay, lại phải sống một mình. Bác thấy tội nghiệp nên thường sang săn sóc, giúp đỡ bác Hải. Có lẽ vì sợ bác đi bước nữa nên cái Ngần không đồng ý với việc làm của bác, nhưng bác thì nghĩ khác, già chừng ấy tuổi rồi còn làm bạn với ai nữa. Một lần nó nhìn thấy bác múc nước tắm cho bác Hải, thế là nó bỏ cơm nằm khóc suốt đêm, bác giải thích thế nào nó cũng không nghe.

Một tuần sau đó nó bỏ đi theo một đơn vị công nhân cầu đường vào tận miền Trung. Lúc đó nó mới 17 tuổi. Từ ngày đi, nó không viết thư về nhà. Vừa rồi, một cô ở làng bên cùng đơn vị với nó về phép thăm nhà sang đây chơi, nên bác mới biết địa chỉ của nó. Lúc nào rảnh, cháu viết thư động viên nó hộ bác …”.

Mấy ngày sau, tôi viết thư cho Ngần. Tôi kể chuyện nhà, chuyện tôi đến ở nhờ và chuyện bác Thoan thương tôi như con… Gần một tháng sau, một hôm đi tập về, bác Thoan rối rít đưa cho tôi lá thư mới nhận được của Ngần  gửi cho bác và bảo tôi đọc cho bác nghe.

Trong thư Ngần kể chuyện đơn vị, công việc, tình hình sinh hoạt, sức khỏe và không quên hỏi thăm tôi. Nét chữ có đoạn nhòe nhoẹt, Ngần viết: “Đi rồi con mới thấy thương mẹ vô cùng, nhưng không thể bỏ đơn vị mà về lúc này, cũng may có anh Thành đến ở nhà ta nên con cũng thấy yên tâm hơn. Mẹ cho con gửi lời cám ơn anh Thành…”.

Từ đó tôi và Ngần trở thành bạn của nhau. Mỗi lá thư gửi cho mẹ, Ngần lại gửi một lá thư riêng cho tôi. Thư qua thư lại, dù chúng tôi chưa một lần gặp mặt nhưng tình cảm giữa tôi và Ngần ngày càng thân thiết. Biết chuyện bác Thoan như trẻ ra.

Mùa đông năm ấy, một lần nửa đêm, tôi bị sốt cao mê man. Bác Thoan cùng hai chiến sỹ trong đơn vị thay nhau cõng tôi đi bộ 5km đường đồi đến trạm xá sư đoàn. Dọc đường trời tối, bước thấp bước cao, chân bác vấp đá tóe máu. Ấy thế mà sáng hôm sau bác đã tất tả mang một thúng thóc ra chợ bán lấy tiền mua 2 hộp sữa mang đến thăm tôi. Tôi nhận là cốt để bác vui lòng, chứ thừa biết hoàn cảnh của bác lúc đó cũng khó khăn lắm.

8 tháng huấn luyện tân binh kết thúc. Chúng tôi được nghỉ ngơi, ăn Tết và trong tư thế sẵn sàng đợi lệnh lên đường làm nhiệm vụ. Tết năm đó, tôi ăn Tết ở đơn vị và ở nhà bác Thoan. Dù chẳng có gì nhưng vui và ấm áp. Mồng 5 Tết, tôi đang sinh hoạt ở đơn vị thì bác Thoan chạy ào đến và nhờ người xin phép cho tôi ra ngoài:

- Thành này! Cái Ngần nhà bác… Cái Ngần nó về rồi đấy! Bác đã bảo thế nào nó cũng về mà!... Nó đang mong gặp cháu lắm đấy!...

Tôi theo bác về nhà, lòng rạo rực. Vừa thấy tôi về đến cổng, Ngần chạy vội ra đón, ấp úng chào, rồi chui tọt xuống bếp đun nước. Hai má cô đỏ bừng. Tôi sững sờ nhìn Ngần. Không ngờ một cô công nhân cầu đường lại có vóc dáng mảnh mai, khuôn mặt thanh tú và trắng trẻo đến vậy. Một vẻ đẹp giản dị, chân chất, dịu dàng toát ra từ một cô gái đồng quê. Bác Thoan cắp rổ đi chợ. Tôi giúp Ngần chuẩn bị làm bữa cơm sum họp đầu năm.

Khoảng cách giữa chúng tôi ngắn dần. Tối hôm đó bà con trong xóm kéo đến chúc Tết và chia vui với bác Thoan rất đông. Căn nhà lá của bác như bừng sáng. Sau phút sum họp nhộn nhịp của gia đình, Ngần mới có thời gian, trò chuyện riêng với tôi.

- Anh Thành! Tết này không được về, anh có thấy nhớ nhà không ? Em chưa đặt chân đến Hà Nội bao giờ, nhưng nghe nói dân nhà quê ra đó hay bị chê là “Tẩm” phải không anh? Mấy chị đơn vị em nghỉ phép, ra Hà Nội mua bánh mỳ về quê làm quà bị mấy anh người Hà Nội cùng đơn vị cười, chê là quê. Sao người ta lại cười hả anh? Các anh Hà Nội chắc chẳng bao giờ yêu các cô gái nhà quê đâu nhỉ? Mà, nói chuyện các anh ấy toàn dùng tiếng lóng, khó hiểu lắm! Chẳng hạn như: Đi buôn thì bảo “đánh quả”, lãi thì bảo “vào cầu”, lỗ thì bảo “móm răng”…

Tôi ngẩn người ngạc nhiên và bỗng bật cười trước những câu hỏi ngây thơ của Ngần. Tôi từ tốn giải thích cho Ngần nghe cặn kẽ mọi điều. Kể cho Ngần nghe về Thủ đô ngàn năm văn hiến, thơ mộng và đẹp như thế nào… Kể về những chiều thu Hà Nội trời se se lạnh, tôi đã cùng bạn bè trai gái đi bơi thuyền và dạo chơi quanh Hồ Tây, xúm xít chia nhau những chùm me xanh chua lạnh người, những quả bàng đỏ ối ngọt lịm thơm mùi thơm rất lạ mà chúng tôi vừa hái được.

Tôi kể chuyện có một năm mất mùa, đói kém, mẹ tôi đã từng nuôi hai người cùng làng ở quê lên Hà Nội xin ăn v.v. và cuối cùng tôi đã khẳng định với Ngần rằng: Người Hà Nội không chỉ biết yêu, biết tôn trọng tình cảm thật mà còn sẵn sàng biết hy sinh, chia sẻ những gian khổ, khó khăn, thiếu thốn với nhân dân các địa phương trong cả nước suốt những năm dài đánh Mỹ…

Chẳng biết lúc ấy có hương hồn nhà thơ, nhà văn nào nhập vào tôi xui khiến mà bỗng nhiên tôi nói hay như vậy! Ngần nghe tôi kể say sưa, mắt không chớp. Bỗng tôi nhìn thấy trong mắt cô, ánh lên những tia sáng rực rỡ, lung linh đủ mọi sắc màu… Bất ngờ Ngần thốt lên: Ước gì em cũng được ở Hà Nội!...

Ngần về phép được một tuần thì đơn vị tôi nhận lệnh lên đường đi làm nhiệm vụ. Nghe tin tôi sắp đi xa, chiều hôm ấy bác Thoan nghỉ không đi làm đồng, ngồi bần thần ở giữa nhà. Sực nhớ ra điều gì, bác lấy chiếc màn cá nhân của tôi ra khâu lại mấy lỗ thủng nhỏ mà chính tôi cũng chẳng để ý. Ngần ríu rít rủ tôi lên phố huyện chụp ảnh kỷ niệm.

Thời gian như trôi đi nhanh hơn. Hơi xuân ấm áp tràn về khắp mọi nhà. Con đường gồ ghề sỏi đá hôm nào bỗng chốc đỏ rực màu hoa râm bụt.

Tối hôm đó, đoàn thanh niên xã tổ chức giao lưu văn nghệ tiễn đưa bộ đội lên đường rất vui. Thanh niên, bộ đội, trai gái trong làng tập trung chật kín sân đình. Ngần đi với mấy cô bạn từ chập tối. Sân khấu treo đèn, kết hoa, sặc sỡ. Ban nhạc sống “Hương quê” chuyên phục vụ các đám cưới trong làng được huy động ra phục vụ.

Sau lời phát biểu của các đồng chí lãnh đạo xã và đơn vị, là các tiết mục văn nghệ. Không khí hừng hực vui như ngày hội. Mưa xuân lất phất bay ướt áo, nhưng mọi người vẫn hát say mê. Tôi đang cố sức tìm xem Ngần ngồi đâu thì anh bí thư chi đoàn xã giới thiệu Ngần lên hát. Từ trong đám đông, Ngần mạnh dạn bước lên sân khấu với dáng vẻ rất bình tĩnh, tự tin.

Ngần mặc chiếc áo hoa mới nhất, nên trông cô tươi tắn như một bông hoa hồng mới nở. Cả sân đình lặng đi khi giọng hát trong trẻo, ấm áp của cô cất lên. Bài “Tình ca” của nhạc sỹ Hoàng Việt được thể hiện qua giọng hát của cô đúng vào giờ phút chia tay ấy như tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi lúc lên đường. “… Giữ lấy đức tin bền vững em ơi, giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời…”. Bỗng giọng cô lạc đi, nhỏ dần rồi tắt lịm. Bất ngờ cô nấc lên ôm mặt chạy về chỗ ngồi. Tiếng vỗ tay rào rào không dứt…

Buổi liên hoan văn nghệ kết thúc thì trời đã khuya. Ngần nán lại sau giúp mấy anh chị trong xã thu dọn đồ đạc. Tôi ở lại chờ Ngần. Dọc đường về nhà, tôi và Ngần đi bên nhau chậm chạp như đếm từng bước. Tôi nhẹ nhàng hỏi:

- Sao lúc nãy Ngần lại khóc ? Im lặng hồi lâu, Ngần ngập ngừng trả lời:

- Chẳng hiểu sao lúc đó em lại nghĩ đến cha và anh. Mẹ em kể rằng, cũng tại sân đình này, mẹ đã tiễn cha đi bộ đội và hôm đó, mẹ đã hát cho cha nghe rất nhiều những bài hát mà mẹ thích…

Tôi xúc động lặng người, nắm chặt lấy tay Ngần và nhìn rất lâu vào đôi mắt trong veo, ngơ ngác của cô. Tôi bỗng thấy như đang đứng trước mặt một thiên thần… Bất ngờ tôi ôm lấy Ngần, vòng tay nắm chặt hai bờ vai mảnh dẻ của cô và hôn lên đôi môi đỏ mọng mịn màng…

Ngần đẩy nhẹ, rồi lặng im trong tay tôi. Đêm yên tĩnh, tôi nghe rõ từng nhịp đập con tim run rẩy của cả hai người. Ngần ngước nhìn tôi thì thầm:

- Sau này, anh nhớ về đây đón em ra Hà Nội anh nhé!

Tôi gật đầu, nắm bàn tay mềm mại của Ngần và nói một lời hứa đinh ninh:

- Nhất định anh sẽ về đây đón em.

Ngần cười thật hạnh phúc, rồi bỗng sực tỉnh giục tôi:

- Về thôi anh kẻo mẹ đang mong chúng mình ở nhà đấy!

Chúng tôi dắt tay nhau đi nốt quãng đường còn lại. Dưới ánh trăng, con đường làng hiện ra mông lung, huyền ảo. Vườn thiên lý nhà ai trồng nở hoa thơm ngây ngất, lạ lùng…

Về đến nhà, vẫn thấy bác Thoan thức ngồi chờ hai đứa. Tôi và Ngần như người bị mắc lỗi len lén mắc màn đi ngủ. Nhưng suốt đêm hôm ấy tôi không sao chợp mắt. Giường bác Thoan và Ngần thỉnh thoảng lại có tiếng động trở mình. Hình như cả bác Thoan và Ngần cũng thức…

Hôm sau, bác Thoan dậy từ 3 giờ sáng, bắt con gà mái mơ giết thịt gói vào nắm xôi cho tôi mang đi theo. Ngần cũng dậy sớm phụ mẹ và tíu tít giúp tôi gói buộc quân trang, hành lý. Ngoài ngõ ríu rít tiếng cười, tiếng nói, tiếng chào hỏi, tiễn đưa. Cả xóm thắp đèn sáng choang.

Bác Thoan và Ngần tiễn tôi ra đến đầu làng nơi chiếc xe ô tô của đơn vị đang chờ sẵn. Mắt Ngần đỏ hoe, cô nắm nhẹ bàn tay tôi nói nhỏ:

- Anh đi bình an nhé! Đừng quên mẹ và em… Hết nghĩa vụ… Nhớ đón em ra Hà Nội anh nhé… Giọng cô nhòa trong tiếng nấc nghẹn ngào. Bác Thoan quay mặt đi giấu những giọt nước mắt lăn dài trên má.

Trước lúc lên xe ô tô, đáng lẽ tôi phải nói với Ngần một câu gì đó thật ý nghĩa thì chẳng hiểu sao lúc ấy tôi lại thốt ra những câu hết sức vô duyên, chẳng ăn nhập gì với cảnh chia tay lúc ấy:

- Anh đi đây! Em ở lại phải cố gắng phấn đấu để trở thành một bí thư chi đoàn giỏi nhé!

Xe chạy. Tôi giơ tay vẫy chào bác Thoan và Ngần. Bóng hai người chấp chới lùi xa về phía sau, nhòa trong khói và bụi đất đỏ… Đến lúc này, tôi mới nhận ra rằng, cái xóm nghèo vùng trung du đất đồi toàn sỏi đá ấy cũng thơ mộng và dễ thương như nơi đã từng sinh ra tôi vậy.

Nơi ấy, một mùa xuân đi qua - Hình 2

 Tình hình biên giới căng thẳng. Đơn vị tôi hành quân đến nhiều nơi, di chuyển địa điểm liên tục. Tôi cũng được trên điều động chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác. Gần một năm sau, tôi bị mất liên lạc với Ngần. Từ đó chúng tôi không biết tin tức gì của nhau nữa.

Dù vậy, đi đến đâu tôi cũng mang theo hình ảnh của bác Thoan và Ngần. Mang theo hương vị ngọt ngào và men say ngất ngây của mối tình đầu, chính điều đó đã giúp tôi quên đi vất vả của người lính với những đêm hành quân mồ hôi ướt đẫm áo, quên đi những cơn sốt rét giữa rừng già, giúp tôi vượt lên những phút giây mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc …

5 năm sau, chuyển ngành ra khỏi quân đội, tôi vội vã nhập vào đội quân đi lao động nước ngoài và hình ảnh vùng quê trung du ấy đã tạm thời bị lãng quên trong tôi. Tôi lao vào kiếm sống, mưu sinh, hy vọng sau này sẽ tích lũy được một số vốn để về nước giúp đỡ gia đình. Nhưng rồi mong ước ấy đã không thành hiện thực.

Toàn bộ tài sản của tôi sau 5 năm tích cóp ở nước ngoài đã bị mất sau một tai họa không may. Tôi trở về nước với hai bàn tay trắng, một chút mặc cảm nhưng rồi tôi vẫn quyết định trở lại vùng quê ấy tìm Ngần.

Vừa đặt chân đến đầu làng, lòng tôi nao nao khó tả. Vùng đất sau 10 năm xa cách ấy bây giờ cũng khác hẳn. Những quả đồi trọc trước kia, giờ đã phủ kín một màu xanh tươi mát của rừng chè, rừng trẩu, rừng bạch đàn. Những bãi ngô non trải dài tít tắp, hút tầm mắt một màu xanh mơn mởn. Nhà bác Thoan đây rồi ! Căn nhà lá ba gian ngày xưa của bác đã được thay bằng ngôi nhà mới xây khang trang mái ngói đỏ tươi.

Tôi chần chừ một lát rồi gõ cửa. Ra mở cửa là một thanh niên khỏe mạnh, đẹp trai. Tôi ngỡ mình lầm, xin lỗi anh, rồi hỏi thăm nhà bác Thoan. Sau khi biết tôi là người quen của bác Thoan, anh mời tôi  vào nhà tiếp chuyện thân mật.

Nơi ấy, một mùa xuân đi qua - Hình 3

 - Tôi ở làng bên cạnh mới mua nhà của bác Thoan. Bác Thoan bị bệnh mất cách đây 4 năm. Cô con gái của bác ấy hiện đang là cán bộ công tác ở một huyện miền trung. Nghe nói, cô ấy yêu một anh bộ đội đóng quân ở làng này, chờ suốt bảy tám năm trời và đã bặt tin tức sáu bảy năm nay. Gần đây, cô ấy mới quyết định nhận lời lấy một anh cán  bộ cùng cơ quan, quê cũng ở trong đó. Vừa rồi cô ấy cùng với chồng về đây chơi, thăm mộ bà cụ …

Tôi bỗng thấy nhói lòng… Trước khi ra xe quay trở về Hà Nội, tôi hỏi thăm và tìm được mộ bác Thoan. Thắp mấy nén hương lên mộ bác, tôi lầm rầm nói nhỏ : “Bác ơi ! Hôm nay con về đây thăm bác. Con có lỗi, bác tha lỗi cho con. Ở nơi suối vàng, bác hãy phù hộ cho em Ngần suốt đời hạnh phúc, phù hộ cho con may mắn. Con đi đây …”.

Khói hương nghi ngút cay xè nơi khóe mắt, cổ nghèn nghẹn nhưng sao tôi thấy lòng mình thanh thản, bình yên. Kỷ niệm về một mùa xuân năm ấy bỗng chốc lại ập về …

Đến bây giờ đã biết bao mùa xuân đi qua cuộc đời tôi và cứ mỗi khi mùa xuân đến, trong sắc hương ngây ngất của đất trời, mọi người nô nức đi chơi xuân, tấp nập đổ về những danh lam thắng cảnh, thì tôi lại lặng lẽ một mình hành hương về nơi ấy…

Nơi ấy, một vùng quê nghèo nhưng có những con người mộc mạc, chân thật, giàu tình nghĩa. Nơi ấy, tôi đã trao nụ hôn đầu đời cho một người con gái tôi yêu. Nơi ấy, tôi còn một lời hứa chưa thực hiện. Nơi ấy, tôi đã có một mùa xuân ấm áp với ngọt ngào kỷ niệm của những ngày đầu bỡ ngỡ bước vào đời…

Làm sao tôi có thể quên tất cả những kỷ niệm đó. Những kỷ niệm mà không phải bất cứ ai trong cuộc đời cũng dễ dàng có được./.

Nơi ấy, một mùa xuân đi qua - Hình 4

Truyện ngắn “Nơi ấy một mùa xuân đi qua” của tác giả Đào Quốc Thịnh là một câu chuyện viết về tình yêu người lính thời chiến tranh. “Nơi ấy một mùa xuân đi qua” - lần đầu tiên ra mắt bạn đọc báo Kiến thức Ngày nay - Số đặc biệt Tân niên 307- Xuân Canh Thìn 1999.

Tròn 20 năm (1999-2019), nhân dịp đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, Thương hiệu & Công luận giới thiệu đến bạn đọc truyện ngắn này, nhằm tái hiện lại cuộc sống, tình cảm, con người ngày ấy để thế hệ trẻ hôm nay có thêm sự cảm nhận...

Truyện ngắn củaĐào Quốc Thịnh

Bài liên quan

Tin mới

Chủ đề "Thế giới tôi đọc" có ý nghĩa gì với văn hóa đọc sách?
Chủ đề "Thế giới tôi đọc" có ý nghĩa gì với văn hóa đọc sách?

Với 13 hoạt động thuộc khuôn khổ Ngày hội, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam hy vọng Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2024 có thể lan tỏa giá trị của sách, của văn hóa đọc tới với cộng đồng bạn đọc cả nước. Sự kiện diễn ra đến hết ngày 29/4.

BTL Vùng Cảnh sát Biển 3 tiếp tục cấp nước ngọt cho nhân dân tỉnh Bến Tre
BTL Vùng Cảnh sát Biển 3 tiếp tục cấp nước ngọt cho nhân dân tỉnh Bến Tre

Ngày 20/4, tại cảng của xã Phú Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy Bến Tre; tổ chức chương trình cấp nước ngọt sinh hoạt cho nhân dân các xã thuộc huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

HLV Hoàng Anh Tuấn nói gì trước trận U23 Việt Nam gặp U23 Malaysia tối nay?
HLV Hoàng Anh Tuấn nói gì trước trận U23 Việt Nam gặp U23 Malaysia tối nay?

Chia sẻ với truyền thông trước trận U23 Việt Nam vs U23 Malaysia, HLV Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Tôi đã xem qua thành phần lực lượng của U23 Malaysia tham dự giải lần này. Họ có trên dưới 10 cầu thủ từng thi đấu trận gặp U23 Việt Nam ở giải U23 Đông Nam Á 2023.

Thừa Thiên Huế phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024
Thừa Thiên Huế phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024

Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024.

Vì sao thị trường bất động sản Đà Nẵng và vùng phụ cận chưa cải thiện về nguồn cung?
Vì sao thị trường bất động sản Đà Nẵng và vùng phụ cận chưa cải thiện về nguồn cung?

Thị trường bất dộng sản Đà Nẵng được dự báo vẫn “đóng băng” cả nguồn cung và thanh khoản đều chưa thể phục hồi trong ngắn hạn. Các chủ đầu tư thận trọng hơn trong việc triển khai bán hàng giữa bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay.

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024: Hướng về người dân và lấy người dân làm trung tâm
Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024: Hướng về người dân và lấy người dân làm trung tâm

Theo Tiến sỹ Vũ Lê Thái Hoàng thì tình hình hiện nay đặt ra nhiều câu hỏi cho ASEAN: Làm thế nào để duy trì vai trò trung tâm, thích ứng với sự thay đổi của khu vực và thế giới? Làm gì để cân bằng và hài hòa các mối quan tâm và lợi ích của các thành viên; cân bằng giữa đổi mới và bảo tồn các giá trị cốt lõi của ASEAN?