“Cột mốc sống” nơi biên giới
Đến đây, tâm trạng háo hức của chúng tôi bỗng trùng xuống, man mác buồn bởi câu chuyện của Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Mú Sung kể về những người chiến sỹ biên phòng và nhân dân đã hy sinh năm nào. Cỏ hoa biên giới như cũng rưng rưng tưởng nhớ các anh. Và các anh, mỗi người đã là một cột mốc trong trái tim người đang sống...
Ngay trong thời bình, người lính biên phòng vẫn hy sinh. Bom mìn chực chờ nơi khuất lấp. Núi cao vực thẳm, thiên tai, bão lốc, lũ quét, bệnh tật, tội phạm nơi biên viễn luôn trực diện với người chiến sỹ biên phòng. Cũng ở Đồn A Mú Sung, nhiều năm sau (1984, 1985, 1994), vẫn có người lính ngã xuống.
Đồn Biên phòng A Mú Sung, có nhiệm vụ quản lý 4 cột mốc (từ cột mốc 90 - 93), trên địa bàn 2 xã A Mú Sung và Nậm Chạc với chiều dài gần 27 km đường biên giới, dọc suối Lũng Pô và sông Hồng với 520 hộ dân, trên 4.900 nhân khẩu. Do đường biên kéo dài, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp với các loại tội phạm ma túy, buôn bán người, buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép... khiến công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý địa bàn gặp nhiều khó khăn. Trong tình hình mới, Đồn Biên phòng A Mú Sung đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, triển khai nhiều biện pháp thực hiện.
Đồn A Mú Sung đã tham mưu UBND huyện công nhận 6 tổ tự quản đường biên, cột mốc và 12 tổ tự quản về an ninh, TTXH, thành lập 5 mô hình “Thôn bản bình yên, gia đình hạnh phúc”. Để phát huy hiệu quả vai trò của các mô hình, tổ tự quản, đồn giao nhiệm vụ cho các bộ phận, nòng cốt là Đội Vận động quần chúng phối hợp với MTTQ và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia.
Đơn vị còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả công tác vận động quần chúng, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh biên giới, đường biên, cột mốc. Từ tháng 11/2016 - 10/2018, đơn vị đã tổ chức tuần tra 320 lần với trên 1.800 lượt cán bộ, chiến sỹ và nhân dân địa phương tham gia; tổ chức gần 20 đợt tuần tra liên hợp với lực lượng bảo vệ biên giới TQ với gần 200 lượt cán bộ, chiến sỹ mỗi bên tham gia. Công tác đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm và các hoạt động vi phạm quy chế biên giới được tăng cường.
Đồng thời, duy trì thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại biên phòng, mở rộng hoạt động ngoại giao nhân dân, góp phần xây dựng, củng cố mối quan hệ, đoàn kết, gắn bó giữa chính quyền và nhân dân 2 bên biên giới. Đặc biệt, thực hiện “3 bám, 4 cùng” với đồng bào dân tộc vùng biên, đơn vị đã tổ chức được gần 100 buổi tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản có liên quan đến biên giới với sự tham gia của gần 3.000 lượt người.
Cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị thường xuyên khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có của đơn vị để đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Từ đầu năm đến nay, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng A Mú Sung đã tăng gia được gần 7.400 kg rau, củ, quả các loại; trên 1.890 kg thịt, cá; phát triển đàn bò hơn 60 con, đàn lợn trên 70 con và 5 con ngựa, trên 100 con dê, chim bồ câu và gà...
Thượng tá Nguyễn Văn Sơn nói: “Không chỉ đẩy mạnh tăng gia sản xuất, những người lính biên phòng Đồn A Mú Sung còn trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn đồng bào địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng giống mới, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất”…
Tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Thượng tá Trần Văn Khoa, Chính trị viên Đồn A Mú Sung cho biết: Nơi biên giới, hôm nay có rất nhiều cái mới, nhiều mô hình làm ăn kinh tế có hiệu quả. Những người lính biên phòng cũng là những người đi tiên phong giúp đỡ bà con làm ăn, tiến tới làm giàu.
“Các bản dọc tuyến biên giới huyện Bát Xát và đặc biệt là xã A Mú Sung, trước đây dân đói nghèo lắm. Cả bản, không có nổi cái tivi, chiếc xe máy nào. Thế nên bộ đội biên phòng quyết tâm - bằng mọi cách thay đổi đời sống bà con. Quyết tâm thì rất cao, nhưng làm gì là cả vấn đề nan giải. Tại sao không mở cửa xuất chuối, dứa (cho thu nhập khá cao vì thổ nhưỡng ở đây hợp với loại cây này) sang TQ? Quả dứa, quả chuối có lỗi gì đâu? Thế là bắt tay vào làm mọi việc. Bên này, bên kia nhiều người là họ hàng, thân tộc, dòng tộc nên điểm đột phá là rất đúng hướng.
Mặc dù, những ngày đầu có không ít người phản đối, còn hồ nghi, cho là tự “diễn biến hòa bình” (?)… Câu trả lời chỉ đến khi dân ngày càng no ấm, giàu có. Nhiều gia đình, hiện nay thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm. Đường đã đi qua được những chặng khó khăn, tưởng như là không thể vượt lên được”, Thượng tá Trần Văn Khoa chia sẻ.
Trò chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đồn A Mú Sung, càng thấy thêm sự chủ động, khéo léo của bộ đội biên phòng, đặc biệt là sự gần dân, gắn bó với dân nơi vùng biên. Người dân thuộc khu vực Đồn A Mú Sung quản lý, gồm 5 dân tộc (Mông, Dao, Tày, Nùng, Kinh) với tập quán canh tác nương rẫy và khai thác các sản vật từ rừng là chính. Thời kỳ xảy ra chiến tranh biên giới, dân ly tán, có khi đi cả ngày đường không gặp nóc nhà nào. Bom mìn còn sót lại cũng nhiều và đặc biệt là không có nước sạch. Thiếu nước sạch ngay ngã 3 nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, thoạt nghe như chuyện bịa. Nhưng để xuống sông gánh được nước lên dùng, phải đổ bao mồ hôi.
Bây giờ điện, đường, trường, trạm đã lên tới tận cột mốc Lũng Pô. Lá cờ cột mốc Lũng Pô đã phần phật tung bay nơi vùng biên ải nghìn năm thấm máu người Lạc Việt. Có người cán bộ biên phòng - Thượng tá Trần Văn Khoa đã sinh cơ lập nghiệp - đưa vợ con lên đây thấm thoắt trên 20 năm.
Đến Đồn A Mú Sung, một hình ảnh khác khiến chúng tôi quyến luyến, nhớ mãi đó là những người lính biên phòng ở đây hàng ngày “nhập vai” những người cha, người chú, người anh, để đưa đón các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn về đơn vị chăm sóc, nuôi cho ăn học.
Những năm qua, thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường” - do Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phát động, Đồn A Mú Sung đã nhận đỡ đầu, giúp 69 em học sinh nghèo dân tộc thiểu số vươn lên thực hiện ước mơ học con chữ. Trong đó, có 3 em được nhận nuôi dưỡng tại đơn vị. Các cán bộ, chiến sỹ biên phòng đã phối hợp hiệu quả với chính quyền địa phương, thầy cô giáo để về bản vùng sâu, vùng xa vận động học sinh đến lớp. Bà con dân bản được cán bộ, chiến sỹ tuyên truyền, vận động đã cho con em quay về trường học. Việc làm ý nghĩa này, càng thắt chặt tình quân dân, khẳng định truyền thống tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ trong thời bình.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bát Xát Giàng Thị Dung khẳng định: “Không chỉ là lực lượng xung kích, có mặt kịp thời những lúc đồng bào gặp khó khăn, trong cuộc sống thường nhật, cán bộ, chiến sỹ biên phòng còn trở thành những người thầy thuốc chăm lo sức khỏe cho nhân dân, trở thành những ông bố của những đứa con nuôi biên phòng.
Những hành động thân tình, thiết thực ấy đã thắt chặt tình quân dân nơi biên giới, tiếp thêm động lực cho những khát vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi biên giới trở thành hiện thực trong tương lai không xa”...
Ghi chép của Hoan Nguyễn