Xây dựng hội vững mạnh
Phụ nữ Phú Thọ phát huy truyền thống, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức hội vững mạnh: Từ công tác tuyên truyền, vận động đến hỗ trợ, ứng dụng, xây dựng các mô hình được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, gắn kết chặt chẽ với việc kiểm tra, giám sát thường xuyên; đặc biệt công tác tổ chức cán bộ, đề cao sự nêu gương của cán bộ hội được quy định chặt chẽ.
Các cấp hội đã chủ động trong công tác tham mưu kiện toàn tổ chức, bộ máy từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo chuyên sâu trong chỉ đạo, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu đề ra. Các chi hội, tổ hội được kiện toàn theo địa bàn khu dân cư.
Theo đó, toàn tỉnh có 277 cơ sở hội, 3.010 chi hội, 2.064 tổ phụ nữ tại 13 huyện, thành phố, thị xã hoạt động, theo đúng Điều lệ Hội LHPN Việt Nam; hàng năm xếp loại cơ sở hội đạt từ khá trở lên, không còn cơ sở hội trung bình, yếu, kém.
Ảnh minh họa
Thực hiện nhiệm vụ đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy nhằm tăng cường tập hợp, thu hút hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hội, hội LHPN các cấp đã tập trung củng cố các cơ sở hội còn khó khăn; cải tiến nội dung, hình thức tập hợp, thu hút phụ nữ tham gia tổ chức hội được đa dạng hóa, như: Mỗi cơ sở hội có ít nhất một mô hình thu hút hội viên phù hợp với nhóm phụ nữ đặc thù; tập trung phát triển hội viên trong các gia đình có phụ nữ từ 18 tuổi trở lên; phụ nữ dân tộc thiểu số, công giáo được quan tâm, hỗ trợ các chương trình về phát triển kinh tế, thực hiện giảm nghèo bền vững; chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục chính sách, luật pháp; xây dựng và phát huy vai trò hội viên nòng cốt...
Qua đó, đã tập hợp, thu hút hội viên vào tổ chức hội. Tính đến tháng 6/2017, số hội viên toàn tỉnh là 252.391/311.961, tỷ lệ thu hút đạt 80,9% (tăng 0,3% so với năm 2016).
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hội theo chuẩn chức danh, yêu cầu công việc được mở rộng về quy mô, đa dạng về hình thức và sâu rộng về chất lượng; triển khai hiệu quả Đề án 1891 ngày 14/12/2012 của Chính phủ về “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hội LHPN các cấp giai đoạn 2013 - 2017”; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về lý luận chính trị, nghiệp vụ công tác hội cho cán bộ hội chuyên trách các cấp, đội ngũ BCH, chi, tổ trưởng phụ nữ.
Năm 2017, các cấp hội đã phối hợp mở 25 lớp cho 2.713 học viên, trong đó 554 chị là chủ tịch, PCT, ủy viên BCH, hơn 2.000 cán bộ chi, tổ. Từ đó, đã góp phần nâng cao chất lượng cán bộ hội, nhiều chị đủ tiêu chuẩn được bầu cử vào các cương vị chủ chốt các cấp hội, được điều động luân chuyển giữ một số vị trí trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; 458/731 quần chúng là nữ được giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp, đạt 62,6%.
Phát huy tiềm năng, sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ
Cùng với việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, các cấp hội phụ nữ đã chú trọng hướng hoạt động vào việc đảm bảo quyền lợi chính đáng, vì sự phát triển của phụ nữ; tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống tệ nạn xã hội, HIV/AIDS, bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, trẻ em.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, Nghị định 56 của Chính phủ, nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, tham gia xây dựng giám sát, phản biện các chính sách pháp luật, các chương trình, kế hoạch đảm bảo lồng ghép giới.
Năm 2017, Hội LHPN tỉnh đã vận động cán bộ, hội viên, các tổ chức, đơn vị hỗ trợ nguồn lực xây dựng 46 mái ấm tình thương, mái ấm biên cương, nhà tình nghĩa cho hội viên phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ đơn thân, gia đình các chiến sỹ nghèo.
Phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” được triển khai gắn với các mô hình cụ thể và thông qua nhiều hoạt động hỗ trợ như vay vốn; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, các tổ nhóm liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã...
Đã thành lập được 105 tổ, nhóm liên kết phát triển kinh tế với 1.051 thành viên tham gia.
Duy trì có hiệu quả Hợp tác xã thu gom rác thải tại Ngọc Lập (Yên Lập), Tổ hợp tác “Chăn nuôi vỗ béo bò thịt” tại xã Vĩnh Phú (Phù Ninh), Tổ hợp tác “Sản xuất và kinh doanh rau an toàn” tại xã Tu Vũ (Thanh Thủy), Tổ hợp tác “Sản xuất, chế biến chè an toàn” tại Lương Sơn (Yên Lập), Tổ liên kết làm nghề may tre đan tại Yên Tập (Cẩm Khê), Hợp tác xã "Sản xuất và dịch vụ nón lá Sai Nga".
Các cấp hội tiếp tục thực hiện hoạt động tín chấp với ngân hàng chính sách xã hội với dư nợ trên 1.000 tỷ đồng, cho 38.757 lượt hộ vay để phát triển kinh tế.
Đặc biệt, để giúp chị em có thêm kiến thức, kỹ năng trong việc nuôi dạy con, tổ chức tốt cuộc sống gia đình, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Công ty Ajinomoto triển khai chương trình “Cooking tour - tham gia học nấu ăn cùng Ajinomoto”; tổ chức 17 lớp dạy nấu ăn cho 869 cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia học tập; phối hợp tổ chức 70 lớp dạy nghề: Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; nuôi và phòng trị bệnh cho gà; kỹ thuật nuôi cá nước ngọt; kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho lợn; trồng rau an toàn... cho 2.401 hội viên phụ nữ.
Bên cạnh đó, phối hợp tư vấn nghề và việc làm cho gần 3.000 hội viên phụ nữ, nhiều chị em hội viên có việc làm cho thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Để tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí và xây dựng tổ chức hội ngày một phát triển, góp phần cùng các cấp, các ngành thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới trên quê hương Đất Tổ, phấn đấu xây dựng Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Phú Thọ xác định cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường sự đoàn kết, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ, nêu cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ về thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia xây dựng đảng, chính quyền, xây dựng tỉnh Phú Thọ ngày một giàu đẹp.
Vũ Thị Thu Huyền - Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Thọ